F0 điều trị tại Bệnh viện dã chiến Phú Nhuận số 1, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM - cho biết ca tử vong tại TP chủ yếu là người cao tuổi, bệnh nền, chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều.
Để hạn chế số lượng này, sở tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP xây dựng kế hoạch chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho những người nêu trên, chuẩn bị trình UBND TP xem xét trong thời gian sớm nhất. Kế hoạch dự kiến tập trung tối đa trong tháng 12 này và duy trì cho đến hết năm 2022.
Để ứng phó với biến chủng mới Omicron, bà Mai cho hay ngành y tế phối hợp với các lực lượng liên quan xây dựng thế trận y tế mới nhận diện từ xa theo chức năng, nhiệm vụ để phối hợp tác chiến.
TP cũng sẽ xây dựng khu vực riêng để tiếp nhận, sàng lọc và điều trị khi phát hiện trường hợp nhiễm biến chủng Omicron. Khu vực này cách ly với các khu vực khác.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Người nhập cảnh vào TP.HCM phải cách ly tập trung 7 ngày và tại nhà 7 ngày
Đây cũng là một trong những kế hoạch của TP.HCM nhằm ngăn chặn biến chủng Omicron xâm nhập đối với người nhập cảnh chính thức bên cạnh tiêm đủ vắc xin theo quy định, được ông Nguyễn Hồng Tâm - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - cho biết trong buổi họp báo chiều 6-12.
Đối với đường hàng hải, người nhập cảnh nếu không lên bờ sẽ được cách ly tại tàu. Để đối phó với nguồn lây thông qua nhập cảnh trái phép, ngành y tế đã phối hợp với lực lượng công an để rà soát, theo dõi, phát hiện, cách ly tuyệt đối những trường hợp này.
HCDC cho biết thêm, trên địa bàn TP hiện có hàng chục ngàn công nhân ở nhiều tỉnh đến sinh sống, làm việc. Các địa phương có khu công nghiệp đã và đang triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch ở các khu nhà trọ.
Nhằm chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 tại khu nhà trọ và đảm bảo việc phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại các khu vực nhiều người lưu trú, người dân tại đây cần tiếp tục thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Lấy mẫu xét nghiệm ở Đồng Nai - Ảnh: A LỘC
Số ca COVID-19 nặng tăng
Theo báo cáo của Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, tính đến chiều 6-12 cả nước ghi nhận trên 1,043 triệu ca COVID-19, gần 714.600 bệnh nhân đã khỏi bệnh, chiếm 68,5%, 23.774 người đã tử vong, chiếm 2,3% tổng số mắc.
Như vậy, tỉ lệ tử vong đã tăng lại và cao hơn nhiều so với tỉ lệ chung của thế giới (2%).
Hiện còn 302.860 bệnh nhân đang điều trị, theo dõi, trong đó có 176.940 người theo dõi, điều trị tại nhà, 14.455 người theo dõi, điều trị tại khu cách ly, 113.786 người đang theo dõi, điều trị tại 904 bệnh viện.
Trong số ca đang điều trị tại bệnh viện, có 12.674 ca nặng phải thở oxy, bao gồm 892 ca thở máy.
So với trung bình 7 ngày trước, con số ngày 6-12 cho thấy số ca bệnh mới tăng 2,9%, số ca tử vong tăng 9,7%, số ca đang điều trị giảm nhưng số ca nặng tăng 93%. So sánh với tuần trước, số ca mắc mới tuần này tăng 18,8%, so với tháng trước số mắc mới tăng 157,8%.
Hiện TP.HCM là địa phương có tỉ lệ ca mắc COVID-19 bị tử vong cao nhất nước, lên tới 3,9%, kế đến là Tiền Giang 2,3%, An Giang 2%, Long An 1,7%, Ninh Thuận và Đà Nẵng cùng 1,5%...
Người dân điền thông tin để tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại nhà thi đấu Hồ Xuân Hương (Q.3, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bộ Y tế gửi công điện, yêu cầu điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa tử vong
Tối qua 6-12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có công điện gửi các tỉnh thành, cho biết Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron nhưng nguy cơ rất lớn.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương chống dịch dựa trên nguyên tắc: 5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của người dân, trong đó ý thức của người dân là 1 trong số 3 trụ cột.
"Các địa phương chủ động xây dựng kịch bản, phương án sẵn sàng đáp ứng với các tình huống chống dịch COVID-19 trên địa bàn, tiếp cận người bệnh từ sớm thông qua các trạm y tế, tổ y tế lưu động, không để người bệnh thiếu thuốc hoặc không liên lạc được với cơ sở y tế, không được tư vấn..." - Bộ Y tế yêu cầu.
Bộ Y tế cũng cho biết sẽ tăng cường giám sát các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, đặc biệt là các trường hợp đi/đến từ các quốc gia có ghi nhận biến chủng Omicron; tăng cường giám sát trọng điểm hội chứng cúm, viêm phổi nặng do virus, giám sát dựa vào sự kiện, phát hiện sớm ca mắc thông qua sàng lọc người ho sốt tại cộng đồng.
Đặc biệt, để thực hiện mục tiêu giảm số ca tử vong là ưu tiên hàng đầu, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, đảm bảo đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, sử dụng thuốc điều trị COVID-19 ngay sau khi được tiếp nhận.
Nhân viên y tế phường 7, quận Phú Nhuận thăm khám và phát thuốc cho các trường hợp F0 cách ly tại nhà - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tình hình dịch bệnh một số tỉnh thành
- Hà Nội tối 6-12 thông báo 24 giờ qua ghi nhận 774 ca COVID-19 mới, cao hơn 310 ca so với hôm qua, trong đó có 280 ca cộng đồng, khu cách ly (343), khu phong tỏa (151). Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 13.946 ca, trong đó số ca cộng đồng 5.492 ca, số ca cách ly 8.454 ca. Từ ngày 11-10 đến nay, Hà Nội ghi nhận gần 10.000 ca COVID-19 mới. Có 256.465 trẻ 12-14 tuổi đã được tiêm mũi 1, đạt tỉ lệ 65% trẻ trong độ tuổi này, 287.684 mũi tiêm/305.668 trẻ độ tuổi 15-17, đạt 94,1%.
- Tối 6-12, Thừa Thiên Huế ghi nhận thêm 67 ca COVID-19, trong đó có 24 ca cộng đồng. Tính đến nay, toàn tỉnh có 5.272 F0 (cả số bệnh nhân nơi khác chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế điều trị). Hiện đang điều trị 2.371 ca, đã điều trị khỏi 2.891 và tử vong 10 ca.
- Quảng Bình từ 6h ngày 5-12 đến 6h ngày 6-12 ghi nhận thêm 27 ca COVID-19 cộng đồng. Thống kê cho thấy từ ngày 7-10 đến 5-12, Quảng Bình ghi nhận 401 ca dương tính là người trở về từ vùng dịch. Tổng số ca toàn tỉnh từ trước tới nay hiện là 2.810 ca, trong đó 2.490 ca khỏi, 314 bệnh nhân đang điều trị (có 1 ca nặng), 6 ca tử vong. 920.861 người đã tiêm vắc xin COVID-19, trong đó 381.222 người đã tiêm đủ 2 mũi.
- Từ 13h ngày 5-12 đến 13h ngày 6-12, Đà Nẵng ghi nhận 125 ca COVID-19. Tính từ ngày 16-10, Đà Nẵng có 1.697 ca COVID-19. Đến nay, Đà Nẵng đã tiêm 1.845.675 liều vắc xin COVID-19, trong đó 965.954 người tiêm mũi 1; 879.721 người tiêm mũi 2 (đạt trên 98% người trên 18 tuổi).
Quảng Ngãi: Có 33 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 8 ca cộng đồng.
- Sáng 6-12, Quảng Ngãi ghi nhận thêm 33 ca dương tính, trong đó có 8 ca cộng đồng. Trong 2 tuần qua, Quảng Ngãi ghi nhận 766 ca COVID-19, tăng 223 ca so với 14 ngày trước. Trong đó, có 121 ca cộng đồng, tăng 22 ca so với tuần trước. Toàn tỉnh đã tiêm phòng COVID-19 mũi 1 cho 96% người, mũi 2 cho 86,5% số người dân từ 18 tuổi trở lên; đã tiêm phòng mũi 1 cho 2.399 trẻ trong độ tuổi từ 12-17, đạt tỉ lệ 2%.
- Trong ngày 5 và 6-12, Gia Lai ghi nhận số ca mắc cao nhất từ trước đến nay với 169 ca, nâng tổng số ca trên địa bàn toàn tỉnh lên 4.238 ca (tính từ ngày 26-4 đến 6-12). Gia Lai đã tiếp nhận 5.466 lọ thuốc có hoạt chất Remdesivir 100mg, 1.000 liều thuốc Molnupiravir (tương đương 20.000 viên 400mg) cho công tác điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 thể nhẹ.
- Bến Tre từ 18h ngày 5-12 đến 11h ngày 6-12 có 401 ca COVID-19, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh là 11.158 ca. Trong đó, có 4.812 ca ra viện, 70 ca tử vong. Trong số ca mắc, có 378 ca tại cộng đồng, 13 ca khu cách ly, tại nhà; ngoài tỉnh 10 ca tại cộng đồng.
- Trong vòng 13 ngày (23-11 đến 5-12), Cần Thơ liên tục ghi nhận số ca COVID-19 tăng, trên 800 ca/ngày. Bốn ngày gần đây (2 đến 5-12), số ca xấp xỉ 1.200 ca/ngày. Tính đến chiều 5-12, Cần Thơ còn 16.907 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, trong đó có 13.255 F0 cách ly, điều trị tại nhà; 2.420 bệnh nhân điều trị tại các cơ sở y tế tầng 2 và 442 bệnh nhân nặng, nguy kịch điều trị tại tầng 3...
- An Giang hiện có 24.753 ca COVID-19, trong đó số đang điều trị là 5.284 ca. Đã có 18.995 bệnh nhân được điều trị khỏi, số tử vong là 468 bệnh nhân (chiếm 1,89%), 75% bệnh nhân tử vong chưa được tiêm vắc xin. Tỉnh đã tiêm được 2.804.689 liều vắc xin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận