Người dân tại Hà Nội tiêm vắc xin COVID-19 mũi 3, 4, tiến độ tiêm những ngày gần đây đã nhanh hơn so với thời điểm tháng 6 - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Hôm nay Thủ tướng chủ trì họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 toàn quốc
Ngày 6-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chủ trì cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với các địa phương để bàn thảo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Đây là phiên họp lần thứ 16 của Ban chỉ đạo, diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 đang kiểm soát hiệu quả, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, diễn biến khó lường với những biến chủng mới.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 7 thế giới đã ghi nhận 30 triệu ca mắc mới, tăng gấp 1,7 lần so với cùng tháng trước đó. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện vẫn cảnh báo dịch COVID-19 là đại dịch toàn cầu và khuyến cáo duy trì các biện pháp ứng phó, nhất là tiêm chủng vắc xin.
Ở trong nước, đến nay ghi nhận 10,7 triệu ca nhiễm, có 9,2 triệu người khỏi bệnh nhưng liên tiếp 4 ngày gần đây, mỗi ngày ghi nhận trên 2.000 ca nhiễm, số ca nhiễm tăng 22,4%.
Với mục tiêu kiểm soát dịch, không để bùng phát trở lại, Bộ Y tế nhấn mạnh ba trụ cột phòng chống dịch gắn việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, đảm bảo thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực y tế, đánh giá miễn dịch cộng đồng...
Tuy vậy, Bộ Y tế nhìn nhận các dịch bệnh truyền nhiễm đang diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch chồng dịch luôn hiện hữu trong khi vẫn còn tình trạng lơ là, chủ quan trong triển khai biện pháp phòng, chống dịch.
Tiến độ tiêm vắc xin ở các địa phương không đạt tiến độ, nhất là mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ từ 5-12 tuổi, nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch chưa được đảm bảo… Do đó, cuộc họp được kỳ vọng sẽ đưa ra những giải pháp trong tình hình mới, sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ.
Năm 2023, đơn vị sự nghiệp công lập phải giảm chi, giảm biên chế từ 2 - 3%
Theo hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 vừa được Bộ Tài chính thông báo, các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên thuộc các bộ, cơ quan trung ương xây dựng dự toán chi năm 2023 giảm tối thiểu 3% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước so với dự toán năm 2022, giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước tương ứng mức giảm chi thường xuyên.
- Các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thuộc các bộ, cơ quan trung ương tiếp tục giảm tối thiểu 2% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước so với dự toán năm 2022, trừ các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu do ngân sách đảm bảo.
Hướng dẫn này cũng yêu cầu khi xây dựng dự toán chi thường xuyên năm 2023, yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải tiết kiệm tối thiểu 15% so với dự toán năm 2022 ngay từ khâu xây dựng kế hoạch dự toán.
Yêu cầu này ngoại trừ các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản chi có tính chất lương, các khoản chi cho con người theo chế độ và các khoản chi đặc thù không thể cắt giảm như đóng niên liễm, chi theo các hợp đồng cung ứng hàng hóa, dịch vụ đã ký kết từ trước và tiếp tục thực hiện trong năm 2023.
Bộ Y tế thành lập 4 đoàn kiểm tra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị tại bệnh viện
Quyết định thành lập 4 đoàn kiểm tra do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ngày 5-8. Các đoàn có nhiệm vụ khảo sát thực trạng cung ứng, sử dụng thuốc, thiết bị, vật tư y tế; tác động của tình trạng thiếu thuốc, vật tư lên chất lượng khám chữa bệnh; xác định các khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp trong ngắn hạn, dài hạn để giải quyết vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế.
Máy xét nghiệm miễn dịch có chức năng xét nghiệm viêm gan B, viêm gan C, HIV được các nhà thầu đặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: DUYÊN PHAN
Các đoàn sẽ báo cáo kết quả cho lãnh đạo Bộ Y tế trước ngày 20-8.
Theo thông tin từ các viện, bệnh viện, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm đã xuất hiện trong vài tháng gần đây, gây ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh ở nhiều nơi.
Nhân viên y tế tiếp đón người bệnh, tiêm vắc xin... chỉ cần phòng hộ bằng khẩu trang, găng tay
Bộ Y tế vừa có hướng dẫn mới về phương tiện phòng hộ tối thiểu theo nguy cơ trong phòng chống dịch. Theo đó, tại cơ sở y tế, Bộ Y tế chia 3 nhóm nguy cơ thấp, trung bình và cao.
Trong đó, nhóm nguy cơ thấp và trung bình (khu vực lâm sàng, cận lâm sàng không có người bệnh COVID-19, tiếp đón, tiêm vắc xin, khám chữa bệnh thông thường...) nhân viên y tế chỉ cần sử dụng khẩu trang và găng tay, thay cho việc phải sử dụng bộ áo choàng phòng hộ toàn thân như từ khi xảy ra dịch COVID-19 đến nay.
Cũng tại khu vực nguy cơ trung bình, nhóm nhân viên xử lý mẫu, vận chuyển mẫu, vận chuyển thi hài người bệnh... phải sử dụng bộ phòng hộ toàn thân tương tự khu vực nguy cơ cao (tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật cho bệnh nhân COVID-19...).
Dự thảo Luật đất đai sửa đổi có nhiều điểm mới
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Lê Văn Thành sau phiên họp Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Luật đất đai và xây dựng dự án Luật đất đai (sửa đổi).
Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo luật bảo đảm chất lượng; tổ chức các hội thảo, bổ sung nội dung xin ý kiến (đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, thu hồi, bồi thường…) theo 2 phương án để lấy ý kiến rộng rãi; xây dựng kế hoạch thực hiện bảo đảm tiến độ trình Quốc hội.
Bổ sung đại diện Bộ Tư pháp làm phó trưởng Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Luật đất đai và xây dựng dự án Luật đất đai (sửa đổi).
Phó thủ tướng cũng lưu ý các điểm mới như thành lập quỹ hỗ trợ cho người bị thu hồi đất thuộc đối tượng hạn chế khả năng lao động; Bổ sung trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp phải dành một tỉ lệ diện tích đất để Nhà nước thực hiện các chính sách về đất đai; Mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp...
Các điểm này đều phù hợp với quy định và chủ trương hiện hành, tuy nhiên cần nghiên cứu, đánh giá phù hợp với thực tế, đồng thời cần nghiên cứu cơ chế bảo đảm các doanh nghiệp được tiếp cận công khai, công bằng, tránh "xin - cho".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận