Theo thống kê của Bộ Tài chính, từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 17 lần (giá xăng tăng 13 lần và giảm 4 lần, trong đó có 2 lần giảm ngay sau khi thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn theo nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23-3-2022 của UBTVQH) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu xuống mức sàn
Hôm nay 6-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn, theo đề nghị của Chính phủ.
Trước đó, Chính phủ trình điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31-12-2022. Trong đó, xăng xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; dầu diesel xuống mức sàn 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn xuống mức sàn 300 đồng/lít; mỡ nhờn xuống mức sàn 300 đồng/kg; dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội, người tiêu dùng cho rằng mức miễn giảm với loại thuế này không giúp giá xăng "hạ nhiệt", ngay cả khi Chính phủ lần thứ hai trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế.
Nhiều ý kiến đề nghị phải tính đến việc sớm giảm hoặc bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu mới giúp giảm giá đáng kể. Việc này thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Hơn 1 triệu thí sinh làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Hôm nay, trên 1 triệu thí sinh cả nước sẽ có mặt tại các điểm thi để làm thủ tục dự thi và nghe phổ biến quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Trong số này, có trên 83.000 thí sinh chỉ dự thi để xét tốt nghiệp, chiếm 8,29%. Số thí sinh dự thi chỉ để sử dụng kết quả tuyển sinh đại học là trên 39.000, chiếm 3,91%. Số thí sinh dự thi vừa xét tốt nghiệp, vừa sử dụng kết quả thi để tuyển sinh là trên 880.000, chiếm 87,8%.
Cả nước có 63 hội đồng thi, gồm 2.243 điểm thi, với 42.293 phòng thi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được giữ ổn định nhưng sẽ tăng cường các biện pháp phòng chống gian lận bằng thiết bị công nghệ cao.
Năm nay Bộ Giáo dục và đào tạo cũng cho phép các thí sinh đang nhiễm COVID-19 (F0) có đủ sức khỏe và tự nguyện được dự thi tại các phòng thi riêng đảm bảo an toàn phòng dịch. Thí sinh trong diện F0 đang phải điều trị, không đủ sức khỏe dự thi sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp.
HĐND TP.HCM họp quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng
Hôm nay, HĐND TP khóa X sẽ họp lần thứ 6 bàn, quyết nghị những vấn đề quan trọng. Cụ thể trong 3 ngày kỳ họp, HĐND TP sẽ nghe UBND TP.HCM báo cáo về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022; kết quả giải quyết kiến nghị cử tri kỳ họp thứ 4 đến trước kỳ họp thứ 6 và một số tờ trình.
HĐND TP.HCM cũng sẽ có tờ trình về chương trình giám sát của HĐND năm 2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP sẽ thông báo về hoạt động tham gia xây dựng chính quyền TP 6 tháng đầu năm 2022…
Trong ngày làm việc thứ 2, các đại biểu HĐND TP sẽ chất vấn các sở ngành, lãnh đạo TP; UBND TP sẽ báo cáo tình hình triển khai thực hiện nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và nghị quyết số 25 của HĐND TP về triển khai thực hiện nghị quyết 54.
Ngày làm việc thứ 2 và thứ 3, các đại biểu HĐND sẽ thảo luận, cho ý kiến và biểu quyết thông qua các dự thảo nghị quyết. Trong đó, buổi làm việc sáng ngày 6-7, ngày 7-7 và 8-7 sẽ được truyền hình và phát thanh trực tiếp đến người dân.
Ít nhất 80% rác thải tại TP.HCM sẽ được đốt phát điện và tái chế
Đến năm 2025, ít nhất 80% rác thải tại TP.HCM phải được đốt phát điện và tái chế - Ảnh: LÊ PHAN
Theo Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, đến năm 2025, ít nhất 80% rác thải tại TP.HCM được đốt phát điện và tái chế. Hiện TP.HCM nhận được đề xuất của 6 dự án đốt rác phát điện, với công suất xử lý khoảng 10.500 tấn.
Năm 2019, ba dự án nhà máy theo công nghệ đốt rác phát điện ở TP.HCM đã được khởi công, dự kiến xử lý 6.000 tấn rác/ngày mà không cần phân loại rác tại nguồn. Cả ba nhà máy dự kiến sẽ vận hành cuối năm 2021 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Ba dự án gồm: nhà máy tích hợp xử lý chất thải rắn Vietstar, nhà máy xử lý 2.000 tấn rác/ngày của Công ty cổ phần đầu tư - phát triển Tâm Sinh Nghĩa (cùng nằm trong khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi) và nhà máy đốt rác phát điện của Công ty cổ phần Môi trường Tasco Củ Chi (ở xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi).
TP.HCM họp chuẩn bị thực hiện dự án rạch Xuyên Tâm
Theo kế hoạch, chiều 6-7, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi có buổi họp tổ công tác nghiên cứu chuẩn bị thực hiện dự án rạch Xuyên Tâm.
Rạch Xuyên Tâm có chiều dài khoảng 8,2km, là hệ thống gồm các rạch Cầu Bông, Cầu Sơn, Long Vân Tự, rạch Lăng đi qua hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp. Được phê duyệt năm 2002 với kinh phí 123 tỉ đồng, sau 20 năm, vốn dành cho dự án cải tạo rạch đã tăng lên 9.353 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.
Ngày 14-6 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM thống nhất chủ trương thành lập tổ công tác nghiên cứu chuẩn bị thực hiện dự án. Buổi họp hôm nay sẽ bàn về các công tác chuẩn bị cho chủ trương đầu tư nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch.
Viettel, FPT, VNPT là doanh nghiệp CNTT - viễn thông uy tín nhất Việt Nam 2022
Các kỹ sư Viện Hàng không vũ trụ Viettel (VTX), thành viên của Viettel, trong giờ làm việc - Ảnh: V.T.
Theo kết quả báo cáo nghiên cứu và đánh giá độc lập theo chuẩn mực quốc tế của Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), Viettel, FPT, VNPT dẫn đầu danh sách top 10 công ty công nghệ thông tin - viễn thông uy tín nhất năm 2022.
Trong đó, Viettel đứng đầu danh sách 5 năm liên tiếp. Với hơn 40.000 lao động, Viettel là doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt nhất ngành trong năm 2021 với doanh thu đạt 274.000 tỉ đồng, tăng trưởng 3,3%, lợi nhuận đạt hơn 40.000 tỉ, nộp ngân sách gần 32.000 tỉ.
Đầu năm 2022, Viettel được công ty tư vấn và định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance định giá 8,758 tỉ USD, vươn lên vị trí thứ 227 trong Top 250 thương hiệu đắt giá nhất toàn cầu.
Theo sau Viettel là Tập đoàn công nghệ FPT, Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam VNPT, Tổng công ty dịch vụ viễn thông VinaPhone và Tổng công ty dịch vụ viễn thông MobiFone.
Người Việt tăng mạnh mua sắm trực tuyến thời trang, làm đẹp và chăm sóc sức khỏe
Người tiêu dùng Việt tiếp tục duy trì thói quen mua sắm trực tuyến. Đó là kết quả được ghi nhận qua các số liệu xuyên suốt các lễ hội mua sắm và chương trình khuyến mãi diễn ra trong quý 1 và nửa đầu quý 2 năm 2022 trên sàn thương mại điện tử Lazada Việt Nam.
Đặc biệt, hành vi tìm kiếm và mua sắm của người tiêu dùng trên sàn cũng cho thấy các ngành hàng phục vụ cho nhu cầu làm đẹp, du lịch, thời trang và chăm sóc sức khỏe được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Cụ thể, ngành hàng sức khỏe và làm đẹp giữ vững vị thế dẫn đầu trong tăng trưởng. Trong khi đó, doanh thu ngành hàng sức khỏe ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất toàn sàn với tỉ lệ tăng trưởng 3 chữ số.
Nhờ phạt nặng, số tử vong do tai nạn giao thông giảm mạnh
Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cùng thực hiện khảo sát và vừa thông báo một phần kết quả, cho biết sau 2 năm thực hiện Luật phòng chống tác hại lạm dụng rượu bia, các quy định trong luật thực sự có hiệu quả trong cuộc sống.
Cụ thể, với quy định phạt nặng hành vi lái xe khi đã uống rượu bia, khảo sát năm 2015 cho thấy có 45% nam giới được hỏi cho biết có lái xe trong 2 giờ sau khi uống rượu bia, khảo sát năm 2021 tỉ lệ này chỉ còn 27%.
Ông Nguyễn Tuấn Lâm (Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam) cũng cho hay số tử vong do tai nạn giao thông giảm khoảng 1.000 ca/năm trong các năm 2020-2021 do nhiều nguyên nhân, nhưng trong số này có nguyên nhân số người uống rượu bia và tham gia giao thông đã giảm bớt.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong số 548.000 ca tử vong/năm thì nguyên nhân liên quan đến rượu bia lên tới 40.000 ca (trên 7%).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận