Rác tấp vào bờ biển xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi gây ô nhiễm nghiêm trọng - Ảnh: T.M.
Việt Nam xả rác ra biển nhiều thứ 4 thế giới
Thống kê này được Bộ Tài nguyên và môi trường công bố. Theo đó, việc xã hội lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi nilông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần, đã khiến Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất thế giới và là quốc gia có số lượng rác thải ra biển nhiều thứ 4 thế giới.
Ở Việt Nam, tính trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỉ túi nilông. Trung bình mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng khoảng 1kg túi nilông mỗi tháng. Hơn 80% số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần nhưng số lượng được xử lý là rất ít.
Theo thống kê của Hiệp hội nhựa Việt Nam, lượng chất thải nhựa và túi nilông ở Việt Nam chiếm khoảng 8-12% rác nhưng có rất ít được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.
Trước tình trạng này, Luật bảo vệ môi trường 2020 đã đưa ra nguyên tắc cơ bản yêu cầu các nhà sản xuất phải có trách nhiệm tái chế bao bì đã qua sử dụng và phải tuân thủ quy cách tái chế bắt buộc.
Cấm cải tạo xe 16 chỗ thành xe Limousine chở khách
Theo quy định mới tại nghị định 47/2022/NĐ-CP, từ ngày 1-9-2022, các loại xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên không được cải tạo thành xe ôtô dưới 10 chỗ (gồm cả tài xế) để kinh doanh vận tải hành khách. Đồng thời, không sử dụng xe ôtô kiểu dáng tương tự xe từ 9 chỗ trở lên (gồm cả tài xế) để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.
Đối với những trường hợp đã cải tạo xuống dưới 10 chỗ và đã được cấp phù hiệu, biển hiệu trước ngày nghị định 47 có hiệu lực thì tiếp tục được sử dụng để kinh doanh cho đến hết niên hạn sử dụng.
Hiện nay, hoạt động chở khách liên tỉnh dưới hình thức đưa, đón tận nơi trở nên rất phổ biến. Các nhà xe thường cải tạo các loại xe 16 chỗ (chủ yếu dòng xe Ford) thành dưới 10 chỗ và gọi là xe Limousine. Với quy định mới này, tới đây những xe 16 chỗ cải tạo thành xe Limousine dưới 10 chỗ sẽ không đủ điều kiện để cấp phù hiệu, biển hiệu kinh doanh vận tải hành khách.
Nhu cầu thấp, giá heo hơi tiếp tục giảm
Ông Lê Xuân Huy, phó tổng giám đốc Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam, cho biết do sức mua thấp, lượng heo hơi bán ra thời gian gần đây chỉ đạt 12.000 - 13.000 con/ngày, giảm 4.000 con so với trước. Giá bán trung bình 63.000 đồng/kg, giảm mạnh so với mức cao tháng trước.
Tương tự, theo Công ty Vissan, nhu cầu tiêu thụ thịt heo đang ở mức thấp, mỗi ngày đơn vị này bán ra thị trường khoảng 40 tấn, giảm 20 tấn so với thời điểm ổn định. Trao đổi với Tuổi Trẻ mới đây, ông Nguyễn Kim Đoán - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - cho biết sức mua heo giảm chủ yếu do Chính phủ ngăn chặn xuất heo đi Trung Quốc và vào tháng 7 âm lịch, người dân ăn chay nhiều.
"Nguồn cung heo đang ổn định, thậm chí tăng nhẹ ở các doanh nghiệp lớn. Do đó, với nhu cầu tiêu thụ trong nước đang giảm, thêm ngăn chặn heo xuất khẩu, giá heo có thể sẽ giảm thêm", ông Đoán nhận định.
Sau thời gian tăng nóng, giá heo hơi trên cả nước đồng loạt giảm mạnh từ nhiều ngày qua, chỉ còn 59.000 - 67.000 đồng/kg tùy nơi.
TP.HCM: Tỉ lệ xe dán thẻ qua ba trạm thu phí BOT tăng
Anh Văn Ngọc Tân, nhân viên VETC, dán miễn phí thẻ thu phí không dừng cho khách hàng tại khu vực xa lộ Hà Nội, TP.HCM trưa 1-8 - Ảnh: HỮU HẠNH
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, đến ngày 4-8, tỉ lệ xe dán thẻ thu phí không dừng qua các trạm thu phí đã có sự chuyển biến, cụ thể tại trạm xa lộ Hà Nội đạt tỉ lệ 83%, An Sương - An Lạc 69,1%, trạm cầu Phú Mỹ 80,4%.
Hai trạm xa lộ Hà Nội, cầu Phú Mỹ những ngày qua không xảy ra ùn tắc; trạm thu phí An Sương - An Lạc giao thông cũng đã được cải thiện so với 3 ngày qua.
Đánh giá về tình hình thu phí không dừng tại các trạm thu phí, sở ghi nhận vẫn còn tình trạng xe không dán thẻ cố tình đi vào làn ETC, lỗi thẻ (chưa kích hoạt thẻ, tài khoản bị khóa…), tỉ lệ đọc thẻ thất bại còn nhiều.
Lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ, động viên nhân viên y tế
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng đoàn công tác Thành ủy TP.HCM đến thăm và làm việc tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 đặt ở Bệnh viện Ung bướu TP cơ sở 2 hồi tháng 9-2021 - Ảnh: TIẾN LONG
Sáng nay 5-8, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên có buổi gặp gỡ, động viên cán bộ nhân viên y tế đang công tác trên địa bàn TP.
Dù dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM đã được kiểm soát tốt nhưng ngành y tế đang còn gặp nhiều khó khăn, trong đó nổi bật nhất là khó khăn về nhân lực. Trong năm 2021, TP có 1.154 nhân viên y tế xin nghỉ việc, 6 tháng đầu năm 2022 thêm 874 người xin nghỉ, trong đó có 199 bác sĩ và 391 điều dưỡng. Với số liệu đáng báo động này, ngành y tế đã đề ra các giải pháp để ứng phó với nguy cơ thiếu hụt nhân lực.
Ngoài ra, sau dịch COVID-19, nhiều nhân viên y tế, tình nguyện viên tham gia chống dịch nhưng lại chậm nhận tiền phụ cấp, khen thưởng. Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM vào tháng 7, bí thư Thành ủy TP.HCM đã xin lỗi lực lượng tuyến đầu khi TP chậm khen thưởng. Ông cho rằng đây là việc "vừa buồn vừa hổ thẹn" và yêu cầu khắc phục nhanh.
Ngay sau đó, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã gửi giấy khen và gửi tiền thưởng theo quy định cho nhân viên y tế của các sở y tế tỉnh, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, các trường học…
Du lịch TP.HCM - Biên Hòa bằng tàu hỏa
Ngày 4-8, Sở Du lịch TP.HCM đã tổ chức khảo sát tuyến du lịch kết nối với các điểm đến ở tỉnh Đồng Nai xuất phát từ ga Sài Gòn, kết hợp phương tiện tàu hỏa cùng các loại phương tiện khác như ôtô, buýt sông để du khách có nhiều trải nghiệm.
Theo hành trình này, sau 45 phút đi tàu hỏa, du khách có thể đến tham quan Bảo tàng Đồng Nai, khu du lịch Bửu Long hay tham quan chùa Ông - ngôi chùa nổi tiếng của cộng đồng người Hoa, vui chơi khu du lịch Sơn Tiên... Sau đó, khách sẽ được nối chuyến để khám phá các điểm đến ở TP Thủ Đức như chùa Bửu Long, Bảo tàng Áo dài... Hành trình sẽ kết thúc bằng phương tiện xe buýt đường sông cập bến Bạch Đằng (quận 1).
Ông Trần Minh Đức - trưởng phòng kinh doanh và chăm sóc khách hàng Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn - cho biết thời gian gần đây, mỗi ngày có gần 300-400 khách xuất phát từ ga Sài Gòn đi các tuyến ngắn như Biên Hòa để check-in, vui chơi. Tuy nhiên, để có một tour du lịch trong ngày từ Sài Gòn đi Biên Hòa kết hợp nhiều hoạt động cho du khách, rất cần sự đóng góp của các doanh nghiệp lữ hành, cơ quan quản lý.
Tăng cường các biện pháp kiểm soát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ
Theo Bộ Y tế, từ tháng 5-2022 đến nay, dịch bệnh đậu mùa khỉ gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca bệnh. Theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), tính đến tối 3-8, toàn cầu có 25.391 ca mắc đậu mùa khỉ, trong đó có ít nhất 10 ca tử vong.
Hiện tại, 83 quốc gia phát hiện có dịch, đặc biệt Mỹ đứng đầu với hơn 6.000 ca. Một số quốc gia, vùng lãnh thổ gần nước ta như Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã ghi nhận ca bệnh xâm nhập.
Để chủ động ứng phó, chẩn đoán điều trị bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch ứng phó với ba tình huống: chưa có bệnh nhân; bệnh xâm nhập; dịch lan rộng. Đồng thời, bộ ban hành hướng dẫn người nghi nhiễm hoặc mắc đậu mùa khỉ cách ly tại trạm y tế hoặc bệnh viện, điều trị triệu chứng, có thể dùng thêm thuốc đặc hiệu.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn; người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời; tránh tiếp xúc gần với người mắc hoặc nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ...
GIÁ VÀNG HÔM NAY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận