Người dân được tiêm vắc xin COVID-19 tại quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết như trên.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục áp dụng các biện pháp xét nghiệm, phòng chống dịch với người nhập cảnh theo hướng dẫn của Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế và thông lệ quốc tế: như khai báo y tế trước khi nhập cảnh; sau khi nhập cảnh Việt Nam phải cài đặt và sử dụng PC COVID để khai báo y tế, theo dõi sức khỏe...
Người nhập cảnh không cần xét nghiệm nhanh trước khi lên và sau khi xuống máy bay.
Công văn này cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan đại diện của Việt Nam tại các nước thúc đẩy các đối tác sớm trả lời đề nghị nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ và để người Việt Nam không bị yêu cầu cách ly khi đến các quốc gia như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Đồng thời, các cơ quan đại diện của Việt Nam cũng có hướng dẫn về thủ tục nhập cảnh với người Việt Nam bị các nước từ chối nhập cảnh. Bộ Y tế có hướng dẫn phòng chống biến chủng Omicron với người nhập cảnh vào Việt Nam qua đường hàng không, đường bộ và đường thủy.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Hướng dẫn mới chẩn đoán, điều trị COVID có thay đổi về cách ly với F0
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 vừa được Bộ Y tế ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 28-1 đã bổ sung tiêu chuẩn dỡ bỏ cách ly với người nhiễm COVID-19 điều trị tại nhà. Cụ thể:
Người bệnh COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà theo quy định sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi cách ly, điều trị đủ 7 ngày và có kết quả test nhanh âm tính do nhân viên y tế hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế, bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.
Trong trường hợp sau 7 ngày kết quả xét nghiệm còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều vắc xin.
Hướng dẫn này cũng quy định cụ thể hơn các trường hợp cho người nhiễm COVID-19 điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị như sau:
Cụ thể người bệnh COVID-19 cách ly, điều trị tại cơ sở thu dung, điều trị ít nhất 5 ngày, giảm các triệu chứng lâm sàng, hết sốt (không còn phải dùng thuốc hạ sốt) trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên.
Có kết quả xét nghiệm PCR âm tính hoặc nồng độ virus thấp hoặc test nhanh âm tính thì được ra viện. Các trường hợp còn lại sẽ phải tiếp tục cách ly đủ 10 ngày (không nhất thiết phải làm lại xét nghiệm).
Sau khi ra viện, tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày, đo thân nhiệt 2 lần/ngày. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì báo ngay cho y tế và xử trí kịp thời.
Trường hợp người bệnh COVID-19 có bệnh nền hoặc bệnh kèm theo hướng dẫn yêu cầu cách ly, điều trị tại cơ sở cách ly, điều trị ít nhất 5 ngày.
Sau khi đỡ, giảm nhiều triệu chứng lâm sàng của COVID-19 và hết sốt từ 3 ngày trở lên, kết quả xét nghiệm PCR âm tính hoặc test nhanh âm tính thì được ra viện hoặc chuyển sang cơ sở/khoa khác điều trị bệnh kèm theo hoặc bệnh nền nếu cần.
Trường hợp xét nghiệm PCR dương tính hoặc test nhanh còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày.
Nhân viên y tế lấy mẫu cho người dân phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Hướng dẫn mới về tiêm vắc xin
Bộ Y tế vừa ban hành công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; Cục Y tế, Bộ Công an; Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) về việc tiêm vắc xin COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại.
Bộ Y tế cho biết, người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin do Sinopharm sản xuất thì có thể tiêm liều bổ sung và nhắc lại bằng vắc xin AstraZeneca sản xuất.
Đối với liều dùng vắc xin do Moderna sản xuất, người tiêm liều bổ sung thì sử dụng liều là 0,5ml; với người tiêm liều nhắc lại (người đã tiêm 2 mũi trước đó bằng bất cứ loại vắc xin gì), liều dùng là 0,25ml (tức là 1/2 liều cơ bản).
Lực lượng chức năng lập vùng cách ly và tiếp tế vật dụng thiết yếu tại nhiều khu vực thuộc phường Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội thời điểm phát hiện hàng chục ca F0 - Ảnh: NAM TRẦN
Đảm bảo người dân đủ điều kiện được tiêm vắc xin trong Tết Nguyên đán
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục tiêm chủng vắc xin COVID-19 thần tốc hơn nữa để hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên trong tháng 1-2022, tiêm mũi 3 (liều nhắc lại) cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý 1-2022, không để sót đối tượng, đặc biệt là người có nguy cơ cao.
Các địa phương lập kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19 trong dịp Tết Nguyên đán để đảm bảo nhu cầu tiêm chủng của người dân không bị gián đoạn; tổ chức tiêm đúng đối tượng, đúng chỉ định và theo hướng dẫn của Bộ Y tế và nhà sản xuất đảm bảo tiết kiệm, khoa học, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí vắc xin; thông báo cho người dân biết và tham gia tiêm chủng; bố trí công tác tiêm chủng bao gồm việc tổ chức buổi tiêm, xử trí, theo dõi phản ứng sau tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nhân viên y tế phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà ở quận 8, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Hà Nội từ 18h ngày 28-1 đến 18h ngày 29-1 có thêm 2.806 ca F0, số ca tử vong ở Hà Nội là 29. Tổng số người tử vong do COVID-19 từ ngày 29-4-2021 đến nay là 589 người. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (152); Đống Đa (150); Gia Lâm (148); Nam Từ Liêm (147); Chuơng Mỹ (145). Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4, tính từ ngày 29-4-2021 cho đến nay là 129.017 ca.
Thành phố có 70.134 F0 đang được điều trị và cách ly, trong đó tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 là 145 ca, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (165 ca), tại các bệnh viện của Hà Nội (3.386 ca), cơ sở thu dung điều trị thành phố (467 ca), cơ sở thu dung quận, huyện (3.749 ca), theo dõi cách ly tại nhà (62.532 ca).
- Nam Định trong ngày 28-1, ghi nhận số ca COVID-19 mới cao nhất từ trước tới nay với 518 ca. Trong số này có tới 343 F0 trong cộng đồng; còn lại ở trong khu cách ly, phong tỏa. 10/10 huyện, thành phố xuất hiện các ổ dịch phức tạp. Trong một tuần trở lại đây (từ ngày 22 đến 28-1), tỉnh ghi nhận trên 2.560 ca COVID-19 mới, nhiều ca ghi nhận trong cộng đồng.
Từ khi xuất hiện dịch COVID-19 đến chiều 28-1, Nam Định ghi nhận tổng số 9.800 ca mắc; trong đó, 4.997 ca tại cộng đồng, các cơ sở y tế, cơ sở thu dung tập trung của tỉnh đang cách ly điều trị 1.062 bệnh nhân; 1.946 bệnh nhân nhẹ đang được điều trị tại nhà, còn lại đã xuất viện hoặc chuyển tuyến lên các bệnh viện trung ương điều trị.
- Tiền Giang đã chuyển sang cấp độ 1 (vùng xanh - bình thường mới). Trong ngày 28-1, tỉnh ghi nhận 150 ca COVID-19, trong số này có 17 ca PCR và 133 ca ghi nhận qua test nhanh. Tỉ lệ bao phủ vắc xin COVID-19 mũi 2 đối với người từ 18 tuổi trở lên tại Tiền Giang là trên 102,2% và tỉ lệ này ở nhóm trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi là 96%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận