Học sinh tiểu học ở TP.HCM đang được tiêm vắc xin COVID-19 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 4114/VPCP-KGVX ngày 2-7-2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương, quyết liệt hơn nữa trong việc đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vắc xin phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Đồng thời bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc chữa bệnh, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh và cho công tác phòng, chống dịch trên cả nước.
Theo ghi nhận của Hệ thống quản lý điều trị COVID-19 của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), trong số 32.212 trường hợp tử vong do COVID-19, có tới 52,8% chưa tiêm vắc xin; 29,8% đã tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi và chỉ có 7,3% đã tiêm 3 mũi.
Ngoài ra, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, kháng thể kháng SARS-CoV-2 sau tiêm mũi 3 sẽ suy giảm đáng kể khoảng 15 tuần sau khi tiêm, nhất là kháng thể kháng biến chủng Omicron.
Do vậy, việc tiêm vắc xin mũi 4 đặc biệt hữu ích đối với người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 (cán bộ y tế, lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải...).
Thường trực HĐND TP.HCM lắng nghe ý kiến về quản lý, thu gom rác
Công nhân vệ sinh thu gom chất thải tại một khách sạn trên đường Phạm Hồng Thái (quận 1, TP.HCM) làm điểm cách ly trong giai đoạn dịch COVID-19 ở TP còn phức tạp - Ảnh: TỰ TRUNG
Sáng 3-7, Thường trực HĐND TP dự chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" với chủ đề "Quản lý thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt" trên địa bàn TP.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, mỗi ngày TP phát sinh khoảng 9.500 tấn rác thải sinh hoạt. Trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải vẫn còn bộc lộ những khó khăn, bất cập.
Hiện nay TP đang nỗ lực cải thiện môi trường trên nhiều mặt, trong đó việc quản lý thu gom, xử lý là một trong những lĩnh vực được đầu tư mạnh với nhiều giải pháp.
iPhone 14 sẽ có giá bán cao ngất ngưởng?
Nhiều trang tin công nghệ trên thế giới lẫn nhà bán lẻ tại Việt Nam dự đoán giá bán iPhone 14 sẽ tăng rất mạnh. Theo đó, Apple dự kiến sẽ ra mắt thế hệ iPhone mới trong năm nay với 4 phiên bản, gồm iPhone 14, iPhone 14 Max, iPhone 14 Pro, iPhone 14 Pro Max. Trong đó, iPhone 14 Pro và Pro Max được dự đoán sẽ tăng giá đến hơn 100 USD so với iPhone 13.
Cụ thể, iPhone 14 Pro có giá dự đoán là 1.099 USD (khoảng 25 - 26 triệu đồng) và iPhone 14 Pro Max là 1.199 USD (khoảng 27,5 - 28 triệu đồng).
Một số hệ thống bán lẻ tại Việt Nam dự đoán dòng iPhone 14 Pro và 14 Pro Max sẽ là 2 phiên bản được yêu thích nhất và Apple sẽ tăng giá 2 dòng này. Trong khi đó, iPhone 14 mini Apple có thể tăng giá bán bằng mức giá của iPhone 13 Pro hiện tại, lên 999 USD (khoảng 23 triệu đồng).
Giá cá tăng nhưng nông dân không có lời
Giá cá tăng nhưng nông dân không có lợi nhuận - Ảnh: BỬU ĐẤU
Hiện nay, giá cá tra tăng liên tục khiến nông dân phấn khởi, nhiều người tranh thủ bán cá. Công đoàn bốc vác và các thương lái thu mua cá tra cũng vào dịp "ăn nên làm ra". Trên bờ là công đoàn bốc vác dùng xe máy vận chuyển cá, còn dưới ao thì công nhân vây bắt cá tra.
Các ghe mua cá của doanh nghiệp chế biến cá tra cũng tăng cường thu mua. Tuy nhiên, một số nông dân nuôi cá tra lo lắng: "Dù giá cá tra dao động từ 27.000 - 28.000 đồng/kg nhưng chi phí thức ăn cá tra đã tăng rất mạnh nên người nuôi không có lời bao nhiêu".
Bộ Giáo dục và đào tạo hướng dẫn thu học phí, lệ phí không dùng tiền mặt
Bộ Giáo dục và đào tạo vừa có hướng dẫn thanh toán học phí theo phương thức không dùng tiền mặt. Theo đó, bộ đề nghị các trường, sở giáo dục và đào tạo thu học phí, lệ phí tuyển sinh và các khoản thu khác theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, cụ thể:
Trang bị phương tiện phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, tích hợp module thanh toán trong phần mềm quản lý trường học, cơ sở giáo dục;
Phối hợp ngân hàng, tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán thống nhất mẫu thông tin thanh toán không dùng tiền mặt đối với học phí và các khoản thu dịch vụ giáo dục;
+ Bố trí đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh, học sinh, sinh viên và các đối tác liên quan thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt;
+ Triển khai ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông tin để kết nối, tích hợp dữ liệu với tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán, cung cấp cho người học các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán trên điện thoại di động, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, trong đó lưu ý đến việc làm chủ dữ liệu và bảo mật thông tin riêng tư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận