Cán bộ y tế phường Ô Chợ Dừa cấp phát túi thuốc A cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà - Ảnh: HÀ QUÂN
Trong ngày 2-3, cả nước có 114 ca tử vong vì COVID-19 và 3.949 ca bệnh nặng. So với những ngày trước, số ca tử vong và bệnh nặng cũng tăng (ngày 1-3 có 86 ca tử vong và 3.851 ca bệnh nặng).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 97 ca. Tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.452 ca, chiếm tỉ lệ 1,1% so với tổng số ca nhiễm.
Tỉ lệ này là đã giảm so với giai đoạn cao điểm của dịch (tỉ lệ tử vong khi cao điểm là 2,4%). Tuy nhiên so sánh tuần này (trung bình số tử vong là 97 ca/ngày) đã cao hơn hẳn so với tuần trước (87 ca/ngày).
Nhân viên y tế tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 kiểm tra thông tin, điều trị cho bệnh nhân - Ảnh: DUYÊN PHAN
Sẽ tiếp nhận 7 triệu liều vắc xin COVID-19 cho trẻ em trong tháng 3
Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 đến chiều 2-3 cho biết cả nước đã tiêm hơn 195,3 triệu liều vắc xin COVID-19.
Với người trên 18 tuổi, đến nay đã có 62/63 tỉnh, thành có tỉ lệ bao phủ vắc xin COVID-19 mũi 2 trên 90%; chỉ còn 1/63 tỉnh, thành có tỉ lệ bao phủ mũi 2 dưới 90%. Với trẻ từ 12 - 17 tuổi, đến nay 53/63 tỉnh, thành có tỉ lệ bao phủ vắc xin COVID-19 mũi 2 trên 90%; 10/63 tỉnh, thành có tỉ lệ bao phủ mũi 2 dưới 90%.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, bảo đảm tiến độ tiêm vắc xin. Chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo quản, địa điểm, nhân lực để tiêm chủng cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi ngay sau khi được cung ứng vắc xin.
Bộ cũng yêu cầu các địa phương chủ động tiếp cận trước các nguồn vắc xin cho nhóm tuổi này (trước mắt là vắc xin Pfizer theo đa số quốc gia trên thế giới).
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết trong tháng 3 này lô vắc xin đầu tiên cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ về Việt Nam, số còn lại trong lô hàng Việt Nam đặt mua sẽ về vào quý 2.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
4% trẻ mắc COVID-19 có thể trở nặng
Theo Sổ tay chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà do Bệnh viện Nhi trung ương và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp phát hành, phần lớn trẻ mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ (viêm đường hô hấp trên hoặc rối loạn tiêu hóa, hồi phục trong 1-2 tuần).
Có 4% có thể trở nặng hoặc nguy kịch, thời gian nguy cơ thông thường là vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 8. Tuy nhiên, bệnh có thể có biến chứng hậu COVID-19, bao gồm các triệu chứng của hội chứng viêm đa hệ thống hoặc "COVID-19 kéo dài" ở trẻ em.
Trẻ dưới 12 tháng tuổi và trẻ có các bệnh lý nền như sau có nguy cơ diễn tiến nặng cao: trẻ sinh non, cân nặng thấp; béo phì, thừa cân; đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa; các bệnh lý ung thư, tim mạch, thần kinh; bệnh hô hấp, gan, thận mãn tính; suy giảm miễn dịch; các bệnh hệ thống và đang dùng corticoid, thuốc ức chế miễn dịch.
Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) làm thủ tục tiêm vắc xin ngừa COVID-19 chiều 27-10 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đề xuất hai phương án phân phối thuốc COVID-19
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định, thuốc điều trị bệnh truyền nhiễm nhóm A như COVID-19 sẽ được cấp phát miễn phí.
Tuy nhiên hiện nay, số lượng F0 không triệu chứng và nhẹ đang gia tăng, người dân tự xét nghiệm và được cách ly theo dõi tại nhà. Do đó, cần có thêm kênh tiếp cận thuốc kháng virus bên cạnh cấp miễn phí theo luật.
Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ 2 phương án phân phối thuốc Molnupiravir gồm: cấp phát thuốc miễn phí tại cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 và bán tại các cơ sở đăng ký, kinh doanh về thuốc để người dân tự mua.
Trước đó, Bộ Y tế báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị về phương án người dân tự chi trả thuốc Molnupiravir và được Bộ Chính trị cho phép. Bộ đang tiếp tục trình Chính phủ xin ý kiến các nội dung liên quan đến việc người dân tự mua thuốc. Khi được Thủ tướng cho ý kiến, Bộ Y tế sẽ triển khai cụ thể.
Sắp tới, ngày 4-3, Sở Y tế TP.HCM tổ chức buổi tập huấn quy định kê đơn thuốc và kinh doanh thuốc trong điều trị người bệnh COVID-19.
F0 khai báo y tế, test COVID-19 ở Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
TP.HCM: Học sinh F1 test nhanh tại nhà âm tính được quay lại trường
Ngày 2-3, UBND TP.HCM có văn bản điều chỉnh một số nội dung về hướng dẫn kiểm soát dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục, nhằm tạo điều kiện cho học sinh là F1 đi học trở lại sau khi hoàn thành cách ly.
Về việc xét nghiệm đối với trường hợp F1 sau khi hoàn thành cách ly tại nhà, theo quy định mới thì phụ huynh tự test nhanh cho học sinh tại nhà vào ngày thứ 5 (nếu đã tiêm đủ vắc xin), hoặc ngày thứ 7 (nếu chưa tiêm đủ vắc xin).
Sau đó thông báo kết quả xét nghiệm cho giáo viên chủ nhiệm bằng cách gửi hình ảnh qua các nền tảng như email, Zalo, Viber, tin nhắn...
Trường hợp phụ huynh không có điều kiện test nhanh cho học sinh tại nhà thì có thể đưa học sinh đến trạm y tế để xét nghiệm. Sau đó phụ huynh hoặc nhân viên y tế thông báo kết quả xét nghiệm cho giáo viên chủ nhiệm. Kết quả xét nghiệm âm tính được xem là đủ điều kiện cho học sinh quay trở lại trường.
Học sinh ở xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM được xét nghiệm COVID-19 để có thể đến trường từ ngày 20-10 - Ảnh: T.B.
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Thêm 15.114 ca COVID-19 mới ở Hà Nội phát hiện ngày 2-3, cao hơn kỷ lục ngày 1-3 gần 2.000 ca, trong đó có 5.476 ca cộng đồng. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (884); Hoàng Mai (878); Sóc Sơn (859); Nam Từ Liêm (834); Bắc Từ Liêm (829); Long Biên (808); Mê Linh (773); Thanh Trì (727); Hoài Đức (693); Thanh Xuân (562)...
Tới hết ngày 1-3, Hà Nội có khoảng 600.500 ca đang điều trị, trong đó có gần 593.000 ca điều trị tại nhà (hơn 44.000 ca so với hôm qua) - chiếm hơn 98,7% tổng số F0 đang điều trị ở Hà Nội. Ngoài hơn 1.100 ca điều trị tại các khu cách ly ở Hà Nội, hơn 6.300 ca khác phải nhập viện điều trị tại các bệnh viện tầng 2, 3.
- Hà Nam ngày 2-3 ghi nhận 1.345 ca COVID-19. Đây là ngày thứ hai Hà Nam ghi nhận vượt ngưỡng 1.000 F0/ngày. Trong ngày 1-3, địa phương này cũng phát hiện 1.095 ca COVID-19 mới. Cộng dồn đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 16.849 ca COVID-19.
Phân bố ca bệnh theo nơi ghi nhận: các khu công nghiệp: 1.295; các công ty, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp: 797; thành phố Phủ Lý: 5.726; huyện Bình Lục: 2.361; huyện Duy Tiên: 1.810; huyện Lý Nhân: 1.480; huyện Kim Bảng: 1.194; huyện Thanh Liêm: 1.334; nhập cảnh: 14; các tỉnh khác về: 838.
Hà Nam dự kiến có trên 108.400 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ được tiêm vắc xin COVID-19. Hiện tại tỉ lệ tiêm vắc xin COVID-19 cao gồm: người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 1 đạt 99,41%; mũi 2 đạt 95,69%; mũi 3 đạt 83,51%. Trên 65 tuổi tiêm đủ 2 mũi 97,44%. Trên 50 tuổi tiêm đủ 2 mũi đạt 96,32%. Trẻ em từ 12-14 tuổi: mũi 1 đạt 98,22%, mũi 2 đạt 95.87%. Trẻ em từ 15-17 tuổi, mũi 1 đạt 99,60%, mũi 2 đạt 95,72%.
- Ngày 2-3, Quảng Trị ghi nhận 1.086 ca COVID-19 với 456 ca cộng đồng, cách ly tại nhà 623, cách ly y tế 2, nhập cảnh 2 và trở về từ vùng dịch 3. Các địa phương có ca cộng đồng gồm huyện Triệu Phong có 48 ca, huyện Hải Lăng 75 ca, TP Đông Hà 201 ca, TX Quảng Trị 19 ca, huyện Hướng Hóa 2 ca, huyện Gio Linh 35 ca, huyện Vĩnh Linh 5 ca, huyện Cam Lộ 63 ca và huyện Đakrông 8 ca.
Quảng Trị đã nâng cao tỉ lệ tiêm chủng toàn tỉnh lên 99,22% đối với mũi 1 cho người trên 18 tuổi và 92,06% cho mũi 2; trẻ em từ 12-17 tuổi đã được tiêm mũi 1 đạt tỉ lệ 99,53%, tiêm đủ 2 liều đạt 90,81%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận