03/11/2022 07:14 GMT+7

Tin sáng 3-11: Bốn thành viên Chính phủ trả lời chất vấn; TP.HCM xử lý 'xe dù bến cóc' mỗi ngày

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Bốn thành viên Chính phủ trả lời chất vấn; Khách du lịch quốc tế đến TP.HCM tăng 100% sau một năm; Mỗi ngày TP.HCM đều xử lý 'xe dù bến cóc'; Số ca mắc COVID-19 tăng lên gần gấp đôi ngày trước đó... là những tin đáng chú ý sáng nay.

Tin sáng 3-11: Bốn thành viên Chính phủ trả lời chất vấn; TP.HCM xử lý xe dù bến cóc mỗi ngày - Ảnh 1.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội bắt đầu từ chiều 3-11 - Ảnh: VGP/HL

Bốn thành viên Chính phủ trả lời chất vấn 

Phiên chất vấn diễn ra trong hai ngày rưỡi, từ chiều nay 3-11 đến hết ngày 5-11.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị sẽ là người đăng đàn đầu tiên, trả lời chất vấn về việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô TP Hà Nội. Việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản... 

Tiếp theo là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số. Việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân...

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà sẽ trả lời chất vấn về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Nguyên nhân, giải pháp trước tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây. Việc bảo đảm biên chế cho ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu dạy - học...

Thành viên Chính phủ thứ tư đăng đàn là Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong với các nội dung: nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật; biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra...

Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Các phiên chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.

Khách du lịch quốc tế đến TP.HCM tăng 100% sau một năm

Tin sáng 3-11: Bốn thành viên Chính phủ trả lời chất vấn; TP.HCM xử lý xe dù bến cóc mỗi ngày - Ảnh 2.

Nhiều nhà hàng cao cấp theo phong cách châu Âu mở cửa để đón dòng khách quốc tế đến Việt Nam thời gian tới - Ảnh: N.BÌNH

Theo Sở Du lịch TP.HCM, chỉ trong tháng 10-2022, thành phố đã đón hơn 546.000 lượt khách quốc tế, đưa số khách quốc tế đến thành phố trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 2,65 triệu lượt, tăng 100% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 75,9% so với kế hoạch.

Tuy vậy, sức hồi phục từ khách quốc tế vẫn chưa như kỳ vọng. Bởi theo Cục Thống kê TP.HCM, doanh thu các dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch lữ hành trong tháng 10 của TP có xu hướng giảm do kỳ nghỉ hè đã hết và thời tiết đã chuyển sang mùa mưa bão.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết để chuẩn bị các sản phẩm đón khách quốc tế trở lại, sở đã xây dựng kế hoạch sản phẩm du lịch gắn với kinh tế ban đêm trên địa bàn TP, trên cơ sở lấy ý kiến các sở, ngành liên quan để khảo sát đánh giá hiện trạng các loại hình dịch vụ, sản phẩm chủ lực về đêm. Từ đó nghiên cứu, đề xuất một số tour phát triển sản phẩm du lịch đêm để phát triển phù hợp với tình hình của địa phương và nhu cầu, thị hiếu của du khách. 

Sàn thương mại điện tử không phải nộp thuế thay người bán hàng

Theo nghị định 91/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định 126 quy định chi tiết Luật quản lý thuế vừa được Chính phủ ban hành, các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee... không phải nộp thuế thay cho người bán hàng.

Tuy vậy, các sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn theo quy định cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử bao gồm: tên người bán hàng, mã số thuế hoặc số định danh cá nhân hoặc CMND hoặc CCCD hoặc hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại liên lạc; doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn.

Việc cung cấp thông tin được thực hiện định kỳ hằng quý, chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau, bằng phương thức điện tử, qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. 

Xăng dầu giúp thu ngân sách của hải quan TP.HCM cán đích sớm kỷ lục

Tin sáng 3-11: Bốn thành viên Chính phủ trả lời chất vấn; TP.HCM xử lý xe dù bến cóc mỗi ngày - Ảnh 3.

Hải quan TP.HCM triển khai nhiều biện pháp chống thất thu thời gian qua - Ảnh: N.BÌNH

Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, tính lũy kế đến hết ngày 1-11, thu ngân sách nhà nước của Cục Hải quan TP.HCM đạt 116.919 tỉ đồng, tương ứng 100,36% kế hoạch được giao (116.500 tỉ đồng), tăng 21,74% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương tăng 20.883 tỉ đồng.

Như vậy, còn hai tháng nữa mới hết năm nhưng Cục Hải quan TP.HCM đã hoàn thành chỉ tiêu ngân sách được giao, đây được xem là “kỷ lục” của hải quan TP.HCM vì những năm gần đây số thu ngân sách luôn hồi hộp đến phút cuối.

Theo Cục Hải quan TP, kết quả thu ngân sách từ mặt hàng xăng dầu tăng cao là một trong những lý do kéo số thu ngân sách của đơn vị tăng vọt. Tình hình kinh tế hoạt động nhộn nhịp trở lại, doanh nghiệp chủ động nhập khẩu nguyên liệu, vật liệu về phục vụ sản xuất cũng giúp cho số thu thuế xuất nhập khẩu cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. 

Việc số thu ngân sách cán đích sớm còn nhờ ngay từ đầu năm, cơ quan hải quan đã triển khai nhiều biện pháp tăng nguồn thu, tăng cường công tác chống thất thu qua các biện pháp nghiệp vụ, trong đó công tác tham vấn giá tăng thu cho ngân sách hàng trăm tỉ đồng.

Ùn tắc tại TP.HCM có chiều hướng gia tăng

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông TP.HCM, tình hình trật tự an toàn giao thông trong 9 tháng đầu năm có diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Đến tháng 9-2022, tình hình ùn tắc tại TP có chiều hướng gia tăng, lượng xe trên các tuyến trục chính tăng trung bình 20% so với cùng kỳ năm 2020 (trước thời điểm TP giãn cách xã hội phòng chống COVID-19).

Về giải pháp khắc phục, Ban An toàn giao thông TP kiến nghị TP giao Sở Giao thông vận tải rà soát, xử lý các bất cập về hạ tầng, bổ sung biển báo, tín hiệu, vạch sơn và các hình thức tuyên truyền mô phỏng trực quan tại các con đường thường xảy ra tai nạn.

Đồng thời, triển khai phương án hạn chế xe khách giường nằm vào nội đô; thống kê các điểm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gửi về các địa phương để chấn chỉnh. Sở cũng thống kê các điểm ùn tắc để phối hợp với TP Thủ Đức cùng các quận huyện bố trí lực lượng điều tiết giờ cao điểm.

Công an TP chủ trì, xây dựng phương án huy động các lực lượng điều tiết tại các khu vực phức tạp, có nguy cơ ùn tắc. Đẩy mạnh công tác xử phạt vi phạm qua hình ảnh, nghiên cứu theo hướng xử phạt nguội tự động hoàn toàn nhằm tăng hiệu quả phòng ngừa tai nạn.

Mỗi ngày TP.HCM đều xử lý "xe dù bến cóc"

Tin sáng 3-11: Bốn thành viên Chính phủ trả lời chất vấn; TP.HCM xử lý xe dù bến cóc mỗi ngày - Ảnh 4.

Cơ quan chức năng xử lý "xe dù bến cóc" - Ảnh: CHÂU TUẤN

Động thái này được TP.HCM mạnh tay thực hiện sau việc nhiều tuyến vận tải hành khách "biến mất" khi được chuyển về bến xe Miền Đông mới, trong đó nhiều tuyến biến tướng thành "xe dù bến cóc" gây mất trật tự.

Qua đó, mỗi ngày Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM đều phân công các tổ công tác tuần tra liên tục, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Theo đánh giá, nhiều nhà xe núp bóng xe hợp đồng trá hình hoạt động đưa rước khách, lợi dụng trạm xăng, bãi đất trống... làm nơi lên hàng, lên khách rất khó xử lý. 

Không chỉ vậy, "xe dù" hoạt động tinh vi, có người cảnh giới phát hiện lực lượng đến thì lập tức bỏ chạy. Chưa kể tài xế không hợp tác, gây cản trở cho lực lượng chức năng khi đuổi theo, việc này gây nguy hiểm cho người dân đi đường.

Trong tháng 10, Thanh tra giao thông Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã tăng cường phối hợp các đơn vị liên quan xử lý quanh các bến xe liên tỉnh, tuyến quốc lộ... Qua kiểm tra, phát hiện xử phạt 143 trường hợp hơn 256 triệu đồng, trong đó xử phạt qua camera là 70 trường hợp vi phạm. 

Tháng 11 trở đi, việc kiểm tra sẽ được thực hiện liên tục mỗi ngày, đặc biệt là dịp Tết đang đến gần, nhu cầu đi lại người dân gia tăng.

Ra mắt "Mạng lưới nhà khoa học trẻ ngành y tế Việt Nam toàn cầu"

Mạng lưới nhà khoa học trẻ ngành y tế Việt Nam toàn cầu đã ra mắt chính thức ngày 2-11, trong khuôn khổ hội nghị khoa học công nghệ tuổi trẻ ngành y tế lần thứ 21 đang diễn ra tại Trường đại học Y Hà Nội. 

Mạng lưới tập hợp các nhà khoa học người Việt hoặc gốc Việt, dưới 45 tuổi, đang làm việc hoặc nghiên cứu trong lĩnh vực y tế.

Đây cũng được coi là kênh tham vấn để Chính phủ, ngành y tế "đặt hàng" đội ngũ trí thức y tế trẻ người Việt ở nước ngoài về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, phát triển sản phẩm liên quan đến sức khỏe. 

Ban điều hành mạng lưới với 19 thành viên, trong đó có nhiều nhà khoa học trẻ nổi bật đang làm việc tại Việt Nam và nước ngoài.

Số ca mắc COVID-19 mới lại tăng 

Bộ Y tế cho biết trong ngày 2-11, số ca mắc COVID-19 tăng lên 756, gần gấp đôi ngày trước đó. Trong ngày có gần 350 bệnh nhân khỏi và 1 trường hợp tại Tây Ninh tử vong.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.504.091 ca mắc, 10.603.942 ca khỏi và 43.165 ca tử vong.

Tin sáng 3-11: Bốn thành viên Chính phủ trả lời chất vấn; TP.HCM xử lý xe dù bến cóc mỗi ngày - Ảnh 5.
Tin sáng 3-11: Bốn thành viên Chính phủ trả lời chất vấn; TP.HCM xử lý xe dù bến cóc mỗi ngày - Ảnh 6.
Tin sáng 3-11: Bốn thành viên Chính phủ trả lời chất vấn; TP.HCM xử lý xe dù bến cóc mỗi ngày - Ảnh 7.
Tin sáng 2-11: Tìm cách thêm tiền cho Công ty Metro số 1; Từ đêm nay miền Bắc trở lạnh Tin sáng 2-11: Tìm cách thêm tiền cho Công ty Metro số 1; Từ đêm nay miền Bắc trở lạnh

TTO - Đồng bộ hồ sơ sức khỏe điện tử với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; Từ đêm nay miền Bắc trở lạnh; TP.HCM có 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh rạch nguy hiểm, 1.328 hộ dân bị ảnh hưởng... là các tin tức trong nước đáng chú ý sáng nay 2-11.

TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên