Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp bất thường
Theo chương trình, chiều 29-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường để xem xét một số nội dung quan trọng.
Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét về việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách trung ương kế hoạch năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét về phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 còn lại chưa phân bổ.
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sẽ trình bày tờ trình về những nội dung trên trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau đó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường sẽ trình bày báo cáo thẩm tra các tờ trình này. Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành thảo luận.
TP.HCM họp phương án tổ chức bãi đậu xe công cộng cho sân bay Tân Sơn Nhất
Khu vực đón xe tại ga quốc nội sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Dự kiến tuần này Sở Giao thông vận tải TP.HCM sẽ họp với các đơn vị liên quan về phương án tổ chức bãi đậu xe công cộng cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Trước đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở Giao thông vận tải) đã có văn bản đề xuất gửi Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) về việc làm bãi xe buýt để đón trả khách, giúp giảm ùn tắc cho sân bay Tân Sơn Nhất trong thời gian tới.
Việc tăng cường các tuyến xe buýt vào khu vực sân bay để giúp giảm tải áp lực, phục vụ nhu cầu đi lại cho hành khách rất cần thiết. Để có thể triển khai công việc trên, cần có quỹ đất để bố trí cho xe buýt đậu chờ xuất bến gần khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Vị trí được chọn là khu đất nằm giáp đường Hồng Hà thuộc công viên Gia Định đang được Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) quản lý. Nơi này hiện mặt bằng còn trống, nền bê tông xi măng, đã được quy hoạch làm bãi đậu xe. Với diện tích 1.476m2, khu đất này thích hợp làm bãi đậu xe số 1, phục vụ xe buýt đậu chờ xuất bến tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Giá cà phê lập đỉnh nhưng nông dân không còn hàng để bán
Nông dân tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) thu hoạch cà phê - Ảnh: TR.TÂN
Giá cà phê Tây Nguyên lập đỉnh 49.000 đồng/kg. Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng xác nhận giá cà phê ngày 28-8 dao động trong khoảng 48.500 - 49.000 đồng/kg. Trong sáu ngày qua, thị trường cà phê nhìn chung có xu hướng giá đi lên. Cá biệt, vào giữa tuần giá cà phê tăng mạnh, đạt trung bình 51.000 đồng/kg.
Theo phân tích của Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, thời tiết khô hanh kéo dài tại Brazil được cho là sẽ ảnh hưởng đến sản lượng cà phê trong năm tới. Do đó, nhiều nhà cung ứng và sản xuất cà phê đã tranh thủ gom hàng để chuẩn bị nguyên liệu sản xuất.
Tuy nhiên, ghi nhận tại Lâm Đồng, nhiều nhà vườn cho biết dù giá tăng cao nhưng lượng cà phê dự trữ đã bán dần trong năm để trang trải chi phí sản xuất cà phê trong vụ mới. Hiện sắp vào vụ mới nên rất ít nông dân có lợi từ đợt tăng giá này.
Việc tăng giá làm tăng thêm nhiều áp lực cho người kinh doanh quán cà phê và đơn vị sản xuất cà phê thành phẩm mà không sở hữu vườn cà phê.
Từ ngày 8-10, tăng giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới
Đây là nội dung thông tư 55 vừa được Bộ Tài chính ban hành. Theo đó, giá dịch vụ kiểm định an toàn đối với ô tô chở người trên 40 ghế, xe buýt tăng từ 350.000 đồng/xe lên 360.000 đồng/xe.
Xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở trên 20 tấn, xe ô tô đầu kéo có khối lượng kéo trên 20 tấn và các loại xe ô tô chuyên dùng tăng từ 560.000 đồng/xe lên 570.000 đồng/xe.
Đối với máy kéo, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và các phương tiện vận chuyển tương tự; rơ mooc, sơ mi rơ mooc: tăng từ 180.000 đồng/xe lên 190.000 đồng/xe...
Giá dầu tăng cao, ngành dầu khí lãi đậm
Các công ty con của PVN kinh doanh thuận lợi do giá xăng dầu tăng cao - Ảnh: NGỌC HIỂN
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa có báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh 7 tháng đầu năm với phần lớn các chỉ tiêu về tài chính đều vượt kế hoạch. Theo đó, PVN đã khai thác 6,38 triệu tấn dầu, vượt 22% kế hoạch; sản xuất xăng dầu đạt 3,94 triệu tấn, vượt 8% kế hoạch. Riêng sản lượng khí chỉ đạt 86% kế hoạch với 4,76 tỉ m³ do nhu cầu huy động khí thấp.
Đáng chú ý, tổng doanh thu của PVN trong 7 tháng đã đạt 547,7 ngàn tỉ đồng, vượt đến 64% kế hoạch, trong đó riêng nguồn thu từ dầu thô đạt 43 ngàn tỉ đồng, bằng 150% dự toán năm và tăng gần gấp đôi cùng kỳ. Do đó, PVN đã nộp ngân sách 79,6 ngàn tỉ đồng, vượt đến 3,1 lần kế hoạch.
Năm nay PVN dự kiến đạt doanh thu 658,8 ngàn tỉ đồng, nộp ngân sách 112-118 ngàn tỉ đồng, vượt chỉ tiêu 70%.
PVN cho hay lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí tuy có lợi thế bởi giá xăng dầu tăng nhưng cũng chịu ảnh hưởng bởi đứt gãy chuỗi cung ứng các thiết bị dầu khí do xung đột Nga - Ukraine làm chậm hoặc tạm dừng triển khai đối với việc đầu tư thăm dò, khai thác.
Sẽ xử nghiêm trốn thuế trong kinh doanh bất động sản
Thủ tướng sẽ ban hành chỉ thị về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Để hoàn thiện dự thảo chỉ thị, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành.
Trong văn bản góp ý, Bộ Công an đề nghị bổ sung vào dự thảo nhiệm vụ giao Bộ Tài chính chỉ đạo các cơ quan thuế phối hợp, cung cấp tài liệu, chuyển cơ quan điều tra những vụ việc có dấu hiệu trốn thuế trong kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Đồng thời, đề nghị Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế, thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản.
Theo nội dung dự thảo chỉ thị gửi tới các bộ, ngành, Thủ tướng sẽ giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp phát hành trái phiếu khối lượng lớn, lãi suất cao.
Góp ý, Bộ Tài chính lại cho rằng với trên 700 doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có khoảng 280 doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, việc quản lý, giám sát tình hình sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu với từng doanh nghiệp là không khả thi.
Để tăng minh bạch, Bộ Tài chính cho biết trong dự thảo sửa đổi nghị định 153/2020, bộ đã đề xuất Chính phủ bổ sung yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải báo cáo định kỳ tình hình sử dụng vốn, phải tuân thủ mục đích và kế hoạch sử dụng vốn…
Tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi còn chậm, có tỉnh tiêm mũi 2 mới đạt 19,7%
Tiêm vắc xin cho học sinh ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bộ Y tế cho biết sau gần 4,5 tháng triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, cả nước tiêm được gần 15,2 triệu liều vắc xin. Hiện chỉ còn 2 ngày nữa để đạt mục tiêu đề ra về tiêm cho trẻ trong độ tuổi này nhưng nhiều địa phương có tỉ lệ tiêm rất chậm, thấp; trong đó 1 tỉnh tiêm mũi 2 mới đạt 19,7%.
Đối với tiêm mũi 1, có 9.240.404 trẻ (82,9%) được tiêm. Tỉnh thành có tỉ lệ tiêm thấp là Đà Nẵng (58,6%); Quảng Nam (58,0%); Bình Thuận (66,3%); TP.HCM (54,8%); Bình Dương (60,6%).
Ở mũi tiêm thứ 2, có 5.957.895 trẻ được tiêm (53,4%). Tỉnh thành có tỉ lệ tiêm thấp là Đà Nẵng (21,3%); Quảng Nam (19,7%); Đắk Lắk (35,5%); TP.HCM (31,5%); Bình Dương (27,2%).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận