Sáng 25-7, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và ban soạn thảo dự thảo nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) tổ chức tọa đàm lấy ý kiến về dự thảo nghị quyết này - Ảnh: quochoi.vn
Đề xuất quy định về trang phục đại biểu Quốc hội
Văn phòng Quốc hội và ban soạn thảo dự thảo nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) đã tổ chức tọa đàm lấy ý kiến về dự thảo nghị quyết.
Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà cho rằng cần sửa đổi một số điều về nội quy kỳ họp, trong đó có việc quy định rõ ràng, chi tiết về yêu cầu trang phục của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp để đảm bảo tính trang nghiêm của nghị trường, nhấn mạnh trách nhiệm của đại biểu Quốc hội phải tham gia các kỳ họp…
Đặc biệt, ông Hà đề nghị cần rút ngắn thời gian giữa Đại hội Đảng và việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước.
Cụ thể, nên ấn định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND sớm hơn, có thể là ngày 2-3 của năm chuyển giao nhiệm kỳ (ngay sau khi Đại hội Đảng kết thúc) để sau 60 ngày, bộ máy nhà nước khóa mới sẽ ra mắt ngay tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới (khai mạc vào ngày 20-5 cùng năm - thay vì thời điểm này mới là dịp bầu cử - PV).
Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu, tiêu dùng
Ngày 25-7, Văn phòng Chính phủ có công văn về việc nghiên cứu đề xuất giảm các loại thuế, phí.
Nhân viên một cây xăng tại quận Bình Thạnh, TP.HCM điều chỉnh giá xăng dầu lúc 15h ngày 12-4 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu, tiêu dùng, nhất là các loại thuế làm tăng chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh... để giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm phục vụ cạnh tranh xuất khẩu và kinh doanh, góp phần kiềm chế lạm phát, hỗ trợ chính sách tiền tệ... cho cả trước mắt và trung hạn; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-7-2022.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vận hành thu phí ETC
Sáng nay 26-7, Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Công ty cổ phần TASCO tổ chức buổi lễ hoàn thành, đưa vào khai thác hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Việc đưa vào vận hành thu phí ETC sẽ giúp xe qua trạm thu phí TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nhanh hơn - Ảnh: T.T.D.
Theo đó, 3 trạm thu phí trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ vận hành 25 làn thu phí ETC, bao gồm 11 làn vào và 14 làn ra, đảm bảo năng lực thông hành hiện tại.
Hiện tại, lưu lượng bình quân trên cao tốc đạt 45.000 - 50.000 lượt phương tiện/ngày đêm, vượt năng lực thông hành thiết kế.
Trong thời gian chưa thực hiện đầu tư, mở rộng tuyến cao tốc lên 8-10 làn xe, việc đưa hệ thống thu phí ETC vào sẽ giảm thiểu tình trạng ùn ứ tại các trạm thu phí vào những khung giờ cao điểm, đặc biệt là dịp lễ Tết.
Đàm phán giá 19 thuốc sử dụng nhiều, giá giảm trung bình 19,1%
Trung tâm Đấu thầu mua sắm thuốc quốc gia cho hay đang tiến hành đàm phán giá 66 thuốc, đây đều là các thuốc biệt dược có số lượng người sử dụng lớn, giá trị thuốc sử dụng từ 100 tỉ đồng/năm trở lên.
Thuốc điều trị khan hiếm tại nhiều bệnh viện. Trong ảnh: một bệnh nhân ở Cần Thơ lên TP.HCM khám bệnh phải ra ngoài mua thêm một số loại thuốc, chiều 13-6 - Ảnh: TỰ TRUNG
Kết quả đợt 1 và 2 đàm phán giá thuốc quốc gia vừa được thông báo cho biết có 19 thuốc đã hoàn tất đàm phán, giá giảm trung bình được 19% so với giá kế hoạch (giá mua các năm trước), cao nhất có 1 thuốc giảm giá được hơn 50% so với giá kế hoạch.
Bộ Y tế cho biết sau đàm phán, chi phí cho mua riêng 4 thuốc của đợt đàm phán 2 đã giảm 381 tỉ đồng so với giá kế hoạch. Hiện Trung tâm Đấu thầu mua sắm thuốc quốc gia đang tiếp tục đàm phán giá hơn 40 thuốc còn lại trong danh mục đàm phán giá đợt này.
Tuy nhiên tại các bệnh viện, viện, hiện vẫn còn tình trạng thiếu thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất... sử dụng cho xét nghiệm, khám chữa bệnh do công tác mua sắm, đấu thầu đang gặp khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận