26/02/2022 08:14 GMT+7

Tin sáng 26-2: 24 giờ, cả nước thêm nhiều bệnh nhân nặng - Bộ Y tế yêu cầu bệnh viện cung ứng đủ oxy

L.ANH - X.MAI - TTXVN
L.ANH - X.MAI - TTXVN

TTO - Bộ Y tế cho biết ngày 25-2 có 78.795 ca COVID-19, so với ngày 24-2, số ca mới đã tăng hơn 9.600 ca, trong đó Hà Nội nhiều nhất với 9.836 ca. Đây là ngày có nhiều ca mắc nhất từ khi dịch bùng phát ở Việt Nam.

Tin sáng 26-2: 24 giờ, cả nước thêm nhiều bệnh nhân nặng - Bộ Y tế yêu cầu bệnh viện cung ứng đủ oxy - Ảnh 1.

Nhân viên y tế làm việc tại khoa cấp cứu Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trong số này có nhiều tỉnh thành ghi nhận ca mắc mới từ trên 2.000 - trên 3.000 ca như: Bắc Giang (3.563), Tuyên Quang (2.797), Phú Thọ (2.696), Nam Định (2.581), Hải Dương (2.441), Nghệ An (2.424), Hưng Yên (2.403), Hòa Bình (2.385), Vĩnh Phúc (2.367), TP.HCM (2.206), Bắc Ninh (2.139), Lạng Sơn (2.046) và Sơn La (2.001). 

Hơn 10 tỉnh thành khác ghi nhận trên 1.000 ca mắc mới trong ngày.

Về số ca bệnh nặng, ngày 25-2 cả nước đang điều trị 3.235 ca, so với ngày 24-2 có thêm 98 ca. Cùng ngày, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn gửi các bệnh viện trực thuộc bộ, sở y tế các tỉnh, thành phố, y tế các bộ, ngành về triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Công văn này yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện công tác quản lý, chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19 theo phương án 4 tại chỗ, hạn chế tối đa việc chuyển người bệnh COVID-19. Căn cứ theo tình hình dịch bệnh khẩn trương thiết lập và tổ chức triển khai cơ sở điều trị COVID-19 của tỉnh bảo đảm theo quy định.

Đặc biệt bảo đảm cung ứng đủ thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang bị phòng hộ, nhất là oxy y tế tại các cơ sở điều trị COVID-19.

Phân loại mức độ bệnh để phân tuyến điều trị phù hợp tình trạng bệnh. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của từng ca bệnh, tổ chức hội chẩn liên khoa, liên viện, hội chẩn trực tuyến với tuyến trên (khi cần) để lên kế hoạch điều trị tốt nhất cho người bệnh hoặc trước khi chuyển viện. Đồng thời sẵn sàng tiếp nhận, chăm sóc, điều trị trẻ mắc COVID-19 mức độ trung bình và nặng.

Tin sáng 26-2: 24 giờ, cả nước thêm nhiều bệnh nhân nặng - Bộ Y tế yêu cầu bệnh viện cung ứng đủ oxy - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế thúc đẩy cấp phép thuốc chữa COVID-19

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, theo đó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế thúc đẩy cấp phép thuốc chữa COVID-19 và quản lý giá thuốc, hướng dẫn sử dụng và bình thường hóa với COVID-19.

Thông tin từ Bộ Y tế cho hay thời gian qua đã có 3 thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 mức độ vừa và nhẹ (thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir) được cấp phép. Hôm nay 26-2, Hội đồng tư vấn cấp giấy phép lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc của Bộ Y tế sẽ tiếp tục họp và xem xét các hồ sơ đã nộp.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, 1 thành viên hội đồng cho biết 3 hồ sơ đã được cấp là 3 hồ sơ tốt nhất, số hồ sơ còn lại cần bổ sung thêm và cuộc họp này sẽ xem xét hồ sơ sau khi đã bổ sung.

Ngày 25-2, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn thêm, khuyến cáo người dân không nên lo lắng tích trữ và tự ý sử dụng thuốc, vì đây là thuốc kê đơn và là thuốc mới cần tiếp tục theo dõi về hiệu quả, chất lượng, mức độ an toàn trong quá trình lưu hành.

Chưa kể việc sử dụng thuốc tùy tiện có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe do nguy cơ phản ứng có hại của thuốc.

Tin sáng 26-2: 24 giờ, cả nước thêm nhiều bệnh nhân nặng - Bộ Y tế yêu cầu bệnh viện cung ứng đủ oxy - Ảnh 3.

Tiêm vắc xin ngừa COVID- 19 cho người dân Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

TP.HCM lên kế hoạch hậu kiểm cơ sở bán dược liệu, thuốc cổ truyền

Nhằm đảm bảo các cơ sở bán buôn, bán lẻ dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền tuân thủ các quy chế chuyên môn, đảm bảo chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng, Sở Y tế TP.HCM vừa có kế hoạch hậu kiểm các cơ sở này trong năm 2022.

Hiện sở đang trong giai đoạn đưa ra nhân sự, quyết định thành lập các đoàn hậu kiểm. Từ ngày 7-3 đến cuối năm 2022, đoàn hậu kiểm tiến hành kiểm tra các cơ sở bán dược liệu, thuốc cổ truyền… và sẽ báo cáo kết quả định kỳ đến Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế).

Tin sáng 26-2: 24 giờ, cả nước thêm nhiều bệnh nhân nặng - Bộ Y tế yêu cầu bệnh viện cung ứng đủ oxy - Ảnh 4.

F0 điều trị tại Bệnh viện dã chiến Phú Nhuận số 01, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Học sinh Hà Nội đi học từ 25-2 có thể bán trú tại trường

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Ngô Thị Minh vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội, thông báo hướng dẫn khi học sinh Hà Nội đi học trở lại sau 25-2.

Theo đó, Thứ trưởng Minh đề nghị UBND TP phối hợp chỉ đạo Sở Giáo dục và đào tạo rà soát điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong cơ sở giáo dục để tổ chức ăn bán trú khi trẻ mầm non, học sinh đến trường học trở lại.

Khi đó có thể tính tới việc học trực tiếp luân phiên cả ngày giữa các khối lớp, thay vì học một buổi như hiện nay nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh và phụ huynh.

Đồng thời, khi tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ mầm non, học sinh các lớp, cơ sở giáo dục cần thực hiện theo nguyên tắc: Hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các lớp, ưu tiên ăn nghỉ tại lớp, học sinh ăn trưa tại trường theo suất ăn riêng, không dùng chung đồ dùng cá nhân, đảm bảo vệ sinh khử khuẩn khu vực nhà ăn, bếp ăn và an toàn thực phẩm.

Tin sáng 26-2: 24 giờ, cả nước thêm nhiều bệnh nhân nặng - Bộ Y tế yêu cầu bệnh viện cung ứng đủ oxy - Ảnh 5.

Học sinh ở xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM được xét nghiệm COVID-19 để có thể đến trường từ ngày 20-10-2021 - Ảnh: T.B.

Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành

- Hà Nội hiện có hơn 5.600 ca diễn biến cấp độ trung bình, nặng, nguy kịch phải nhập viện điều trị, tương đương hơn 1,5% tổng số ca đang điều trị ở thủ đô. Tối 25-2, TP ghi nhận 9.836 ca bệnh (cao hơn hôm qua 1.000 ca), trong đó có 3.404 ca cộng đồng. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (904), Sóc Sơn (781), Hoài Đức (611), Nam Từ Liêm (542), Hoàng Mai (521), Bắc Từ Liêm (467).

Đến nay, Hà Nội ghi nhận 239.974 ca COVID-19. Tới hết ngày 24-2, hiện có 370.186 F0 ở Hà Nội đang điều trị, theo dõi. Trong đó có 363.195 F0 điều trị tại nhà (chiếm 98,1% tổng số ca đang điều trị); có 1.350 F0 điều trị tại các cơ sở thu dung (chiếm 0,36%).

Ngày 24-2 Hà Nội có 20 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong do COVID-19 đến nay lên 1.002 người. Hà Nội hiện đã tiêm cho 99,6% người cần tiêm mũi bổ sung. Với mũi nhắc lại, Hà Nội có hơn 4,7 triệu người từ 18 tuổi cần tiêm, trong đó đã tiêm cho hơn 3,37 triệu người - tương đương tỉ lệ 71,7%. 

- Hà Nam trong ngày 25-2 ghi nhận 619 ca COVID-19, 1 ca tử vong. Đây là số ca mắc COVID-19 mới cao nhất từ trước đến nay khi có đến 531 ca cộng đồng. Đến nay Hà Nam ghi nhận tổng cộng 11.961 ca COVID-19, 16 bệnh nhân tử vong. Hà Nam đã ghi nhận hơn 2.000 trẻ em mắc COVID-19.

- Số ca nhiễm mới tăng cao, 8 xã ở Bình Phước có nguy cơ ở cấp độ 4. Theo quyết định phân loại cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn áp dụng từ ngày 26-2, tỉnh Bình Phước đang có nguy cơ dịch ở cấp độ 2, có 10/11 huyện có nguy cơ dịch ở cấp độ 2 (tăng 1 huyện so với lần công bố trước); riêng thị xã Phước Long có nguy cơ dịch ở cấp độ 3 (tăng 1 huyện), có 18/111 xã có nguy cơ dịch ở cấp độ 3 (tăng 13 xã). Đặc biệt, có 8 xã có nguy cơ dịch ở cấp độ 4 (tăng 8 xã so với lần công bố trước đó).

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước, những ngày gần đây số ca COVID-19 mới trên địa bàn có chiều hướng tăng cao. Trong đó, ngày 23-2 có hơn 600 ca mắc, đến ngày 24-2 ghi nhận hơn 920 ca mắc. Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 4.600 ca COVID-19 đang được điều trị và theo dõi.

 
Tin COVID-19 chiều 25-2: Số ca mắc mới lên 78.795 ca, Hà Nội lên mốc gần 10.000 ca Tin COVID-19 chiều 25-2: Số ca mắc mới lên 78.795 ca, Hà Nội lên mốc gần 10.000 ca

TTO - Bản tin COVID-19 chiều 25-2 của Bộ Y tế cho biết số ca COVID-19 mới tiếp tục tăng vọt, lên 78.795 ca, trong đó Hà Nội cao nhất với 9.836 ca.

L.ANH - X.MAI - TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên