25/03/2022 06:05 GMT+7

Tin sáng 25-3: Có thể cấp phép Nanocovax, Covivac... để tiêm liều nhắc lại?

L.ANH - TTXVN
L.ANH - TTXVN

TTO - Đề nghị nhóm nghiên cứu và nhà sản xuất vắc xin Nanocovax sớm cung cấp, chịu trách nhiệm về dữ liệu nghiên cứu về hiệu lực bảo vệ làm giảm bệnh nặng và tử vong do COVID-19, kịp thời bổ sung tiêm mũi tăng cường cho người tình nguyện...

Tin sáng 25-3: Có thể cấp phép Nanocovax, Covivac... để tiêm liều nhắc lại? - Ảnh 1.

Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Bộ Y tế vừa có thông báo ý kiến của Thứ trưởng Trần Văn Thuấn sau cuộc họp rà soát tiến độ thử nghiệm vắc xin và thuốc điều trị COVID-19.

Theo đó, giao Cục Y tế dự phòng xây dựng hướng dẫn tiêm vắc xin COVID-19 mũi nhắc lại, vừa triển khai vừa nghiên cứu theo dõi như kinh nghiệm các quốc gia khác.

Cục Quản lý dược xây dựng, ban hành hướng dẫn tiêu chí cấp phép vắc xin COVID-19 sản xuất trong nước với chỉ định cho liều nhắc lại, hoàn thành trước ngày 30-3.

Cục Khoa học công nghệ và đào tạo hướng dẫn xây dựng Đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng liều nhắc lại đối với vắc xin COVID-19 sản xuất trong nước, theo dõi, kịp thời báo cáo những bất cập, khó khăn trong triển khai các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin, thuốc điều trị COVID-19 để xử lý kịp thời.

Vụ Kế hoạch - tài chính hướng dẫn các đơn vị thủ tục cấp kinh phí cho các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVID-19 sản xuất trong nước từ nguồn ngân sách nhà nước, định hướng đề xuất đề tài cấp quốc gia.

Đối với nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nanocovax, thông báo cho biết đã "đề nghị nhóm nghiên cứu và nhà sản xuất sớm cung cấp báo cáo dữ liệu nghiên cứu về hiệu lực bảo vệ làm giảm bệnh nặng và tử vong do COVID-19, chịu trách nhiệm về số liệu nghiên cứu, kịp thời bổ sung tiêm mũi tăng cường cho người tình nguyện".

Với nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin ARCT-154, Bộ Y tế đề nghị tổ chức nhận thử và nhà tài trợ hoàn thiện báo cáo kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Tin sáng 25-3: Có thể cấp phép Nanocovax, Covivac... để tiêm liều nhắc lại? - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

TP.HCM chưa cho phép F0 không triệu chứng đi làm nhằm tránh lây lan dịch

Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM ngày 24-3, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - chánh Văn phòng Sở Y tế TP - cho biết, các F0 vẫn là người bệnh và cần điều trị tại nhà hoặc bệnh viện.

TP.HCM có số ca tử vong giảm ở mức thấp nhưng số ca nặng chưa giảm bền vững mà lên xuống liên tục. Do đó, nếu số ca mắc COVID-19 tăng, chắc chắn ca nặng, ca tử vong sẽ tăng, đó là kinh nghiệm rút ra từ các đợt dịch trước đây.

Đại diện HCDC phân tích thêm, hiện nay F1 được đi làm khi đã tiêm đủ liều vắc xin COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 3 tháng kèm những điều kiện bắt buộc tuân thủ khi đi làm trực tiếp lại, để tránh nguy cơ lây nhiễm.

Bộ Y tế đề xuất cho F0 đi làm nhưng chỉ trong 2 tình huống và kèm theo một số điều kiện đặc biệt. Cụ thể, trên tinh thần tự nguyện, F0 có thể làm việc trực tuyến hoặc làm việc ở khu điều trị F0, thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng, chống lây nhiễm.

Trong ngày 24-3, TP.HCM đang điều trị 4.274 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 275 bệnh nhân là trẻ em dưới 16 tuổi, 84 bệnh nhân nặng đang thở máy, 5 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Tin sáng 25-3: Có thể cấp phép Nanocovax, Covivac... để tiêm liều nhắc lại? - Ảnh 3.

Tổ tiêm lưu động thuộc phường 9, quận 5, TP.HCM đến tận nhà tiêm cho người yếu thế, người cao tuổi - Ảnh: DUYÊN PHAN

Giải quyết kịp thời, chính xác, đầy đủ quyền lợi đối với người lao động bị mắc COVID-19 có đủ hồ sơ

Thời gian gần đây, số lượng hồ sơ giải quyết hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động bị mắc COVID-19 gia tăng nhanh và dự kiến tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Nhằm tạo thuận lợi, giải quyết kịp thời, chính xác hồ sơ đề nghị hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động mắc COVID-19, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu bố trí nhân lực, chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện về nguồn kinh phí, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp nhận giải quyết kịp thời, chính xác, đầy đủ quyền lợi đối với người lao động bị mắc COVID-19 có đủ hồ sơ theo quy định.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động gửi văn bản báo cáo, đề nghị Bộ Y tế có giải pháp xử lý một số vướng mắc, phát sinh nhằm tạo thuận lợi cho người lao động bị mắc COVID-19 trong việc thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Bộ Y tế đã có văn bản đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết về việc công nhận 7 loại giấy tờ có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, để cơ quan Bảo hiểm xã hội có căn cứ làm hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với các trường hợp này.

Trong thời gian chờ quy định mới sửa đổi, bổ sung hồ sơ làm căn cứ giải quyết hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động bị mắc COVID-19, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã sẵn sàng mọi nguồn lực, kịp thời chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám, chữa bệnh và các đơn vị liên quan để tiếp nhận, giải quyết kịp thời, chính xác, đầy đủ quyền lợi bảo hiểm xã hội đối với người lao động bị mắc COVID-19 theo quy định.

Tin sáng 25-3: Có thể cấp phép Nanocovax, Covivac... để tiêm liều nhắc lại? - Ảnh 4.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân nằm trong vùng đỏ ở phường 3, quận Bình Thạnh - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đà Nẵng đã qua đỉnh dịch COVID-19, số ca mắc giảm 6,6 lần

Đà Nẵng đã đạt đỉnh dịch vào ngày 28-2. Những ngày gần đây, số ca COVID-19 giảm 6,6 lần so với đỉnh dịch (trong đó, ca nặng giảm 3 lần và tỉ lệ tử vong cũng giảm). Công tác tiêm vắc xin mũi 3 mới đạt 75%, vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra, mặc dù vắc xin được cung cấp đủ. Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến tâm lý và người dân vẫn chưa hiểu hết vai trò của vắc xin.

Đà Nẵng sẽ tạm thời chưa sử dụng một số cơ sở y tế do chưa có nhu cầu, nhằm giảm dàn trải nguồn nhân lực và cơ sở vật chất. Tuy nhiên, các cơ sở này vẫn trong tình trạng sẵn sàng sử dụng để điều trị trong tình hình khẩn cấp. Đà Nẵng hiện có 845 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại cơ sở y tế, 18.764 bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại nhà.

Tin sáng 25-3: Có thể cấp phép Nanocovax, Covivac... để tiêm liều nhắc lại? - Ảnh 5.

Học sinh khai báo y tế và điền vào phiếu thông tin tiêm chủng tại Cung thể thao Tiên Sơn - Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành

- Hà Nội tối 24-3 vừa ghi nhận 12.485 ca COVID-19, giảm 20.000 ca so với mốc kỷ lục hôm 8-3. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (1.709); Đông Anh (1.153); Long Biên (712); Hoàng Mai (658); Sóc Sơn (641). Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 1.230.764 ca.

Hiện toàn TP có hơn 278.000 người mắc COVID-19 đang điều trị, theo dõi, giảm gần 20.000 ca so với hôm 22-3. Theo thống kê của Bộ Y tế, đến hết ngày 23-3, toàn TP Hà Nội chỉ còn hơn 2.100 ca COVID-19 điều trị tại các bệnh viện, trong đó có hơn 1.500 ca mức độ trung bình (giảm 26% so với trung bình 7 ngày trước), 400 ca nặng/nguy kịch (giảm hơn 28%).

- Quảng Bình từ 6h ngày 23-3 đến 6h ngày 24-3 ghi nhận thêm 2.877 ca COVID-19, trong đó 2.430 ca cộng đồng, 3 ca tử vong. Đến nay tổng số ca COVID-19 của Quảng Bình là 92.499, trong đó 65.423 bệnh nhân đã khỏi; hiện có 26.498 F0 điều trị tại nhà ; 504 người điều trị tại bệnh viện và 74 ca tử vong.

- Nghệ An từ 18h ngày 23-3 đến 6h ngày 24-3 ghi nhận 2.207 ca COVID-19. Trong đó có 470 ca cộng đồng. Các địa phương có số ca mắc cao nhất trong 12 giờ qua: TP Vinh, Yên Thành, Nghĩa Đàn, Diễn Châu, Nghi Lộc... Từ đầu mùa dịch đến nay Nghệ An đã ghi nhận 368.144 ca COVID-19, số F0 đã điều trị khỏi, ra viện là 282.780 ca, số ca tử vong là 157. Số F0 hiện đang điều trị là 85.207.

Tin COVID-19 chiều 24-3: Ca mới cả nước tiếp tục giảm, Hà Nội xuống 12.485 ca Tin COVID-19 chiều 24-3: Ca mới cả nước tiếp tục giảm, Hà Nội xuống 12.485 ca

TTO - Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 24-3 của Bộ Y tế cho biết có 120.000 ca mắc COVID-19 mới ghi nhận tại 62 tỉnh thành, giảm gần 8.000 ca so với hôm qua. Trong ngày, có hơn 164.700 bệnh nhân khỏi.

L.ANH - TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên