Nhân viên y tế làm việc tại Trung tâm hồi sức COVID-19, Bệnh viện dã chiến số 14 (Q.Tân Phú) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Với kế hoạch này, đến ngày 12-2 học sinh toàn bộ 63/63 tỉnh thành sẽ đến trường học trực tiếp, tạm ngưng gần 8 tháng học trực tuyến, học qua truyền hình kéo dài chưa từng có.
Theo Bộ Giáo dục - đào tạo, hiện cả nước có 14 địa phương đang cho học sinh đi học trực tiếp, 30 địa phương học trực tiếp kết hợp trực tuyến, 19 địa phương còn đang học trực tuyến hoặc qua truyền hình.
Bộ Giáo dục - đào tạo đã mở hội thảo tham vấn các chuyên gia về việc sớm cho học sinh đến trường học trực tiếp, các ý kiến đều đồng thuận sớm cho học sinh đến trường học trở lại.
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết đã có những điều kiện, căn cứ để đưa trẻ trở lại trường học an toàn. Tỉ lệ tiêm vắc xin COVID-19 cho người từ 18 tuổi trong top cao nhất thế giới, tỉ lệ ca bệnh nặng, số ca tử vong thấp.
Kinh nghiệm chống dịch của các địa phương, ý thức của người dân được nâng cao, tỉ lệ tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 tuổi cao, dự kiến hoàn thành tiêm mũi 2 cho trẻ từ 12-17 tuổi sau Tết Nguyên đán.
Về lộ trình mở cửa đón khách du lịch quốc tế, từ tháng 11-2021 Chính phủ đã cho phép thí điểm cho đón khách trở lại tại 5 địa phương và đến tháng 1-2022, mở cửa du lịch tại 2 địa phương nữa là TP.HCM và Bình Định.
Từ cuối tháng 11-2021 cho đến hết ngày 23-1-2022, Việt Nam đón 8.500 khách du lịch quốc tế, chủ yếu đến từ Nga, Hàn Quốc, Singapore, một số ít ở Anh, Mỹ, cơ bản bảo đảm được về mặt y tế, an toàn dịch bệnh và các quy định thí điểm đón khách du lịch quốc tế.
Các ý kiến tại hội thảo cũng đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn mới về thích ứng an toàn với dịch (hướng dẫn 4800 sửa đổi) để phù hợp tình hình hiện nay.
Về lộ trình mở lại toàn bộ hoạt động du lịch, cần tích cực mở rộng hoạt động thí điểm đón khách quốc tế, những địa phương đã hoàn thành tiêm 3 mũi vắc xin COVID-19 cho người dân thì có thể đón khách quốc tế.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
TP.HCM: Ca COVID-19 trong 24 giờ ở mức 2 con số, có tổng cộng 88 ca Omicron
Theo báo cáo Bộ Y tế, trong 24 giờ (tính từ 16h ngày 23-1 đến 16h ngày 24-1) TP.HCM ghi nhận 97 ca COVID-19 mới, đứng vị trí 38 trong tổng số 61 tỉnh, thành có ca COVID-19 trong thời gian này. Đây được xem là ngày có số ca nhiễm thấp nhất (ở mức hai con số) từ những ngày đầu đợt dịch thứ 4 đến nay.
Ông Nguyễn Hồng Tâm - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - cho biết hiện TP có 88 ca nhiễm COVID-19 với biến chủng mới Omicron, thêm 15 ca so với ngày 23-1. Trong đó có 5 ca cộng đồng thuộc chuỗi ca nhiễm từ hành khách nhập cảnh tại Cam Ranh (Khánh Hòa).
Đa số các ca nhiễm biến chủng mới đều có triệu chứng nhẹ với các biểu hiện sốt nhẹ, đau họng, ớn lạnh. Số ngày kể từ khi phát hiện dương tính đến lúc âm tính của các bệnh nhân trên là từ 6 - 7 ngày.
Về hoạt động tiêm vắc xin liều bổ sung và nhắc lại tại TP, HCDC cho biết vẫn đang tiếp tục diễn ra ở 22 quận huyện và TP Thủ Đức. Đặc biệt, những người dân chưa tiêm vắc xin COVID-19 liều bổ sung và nhắc lại chỉ cần đến trực tiếp điểm tiêm và đăng ký, dù không có tên trong danh sách tiêm chủng vẫn được tiếp nhận và tiêm vắc xin.
Lực lượng tuyến đầu chống dịch đi xuồng tham quan đầm dơi nghệ ở huyện Cần Giờ, TP.HCM chiều 28-10 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Giá vé xe Tết từ TP.HCM về các tỉnh tăng không quá 60% so với ngày thường
Thông tin về công tác vận tải hành khách dịp Tết Nguyên đán, ông Bùi Hòa An - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết hiện TP đã hoạt động vận tải hành khách đường bộ theo tuyến cố định trở lại 315 tuyến trong tổng số 418 tuyến đã hoạt động trước dịch bệnh (đạt 75,35%) thuộc 50 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Dự báo lượng hành khách đi lại cao điểm năm nay tối đa chỉ bằng 50% số khách trong dịp Tết 2020 (thời điểm chưa có dịch bệnh COVID-19).
Về giá vé, phần lớn với mức tăng giá không quá 40% đối với các tuyến từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây, Tây Ninh và không quá 60% các tuyến từ TP.HCM đi các tỉnh còn lại so với giá kê khai ngày thường. Giá cước Tết năm nay tương đương với giá cước Tết năm 2021.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Hà Nội tiêm chủng xuyên Tết
Hà Nội vừa có yêu cầu rà soát, thống kê, lập phương án các trường hợp trong độ tuổi nhưng chưa được tiêm chủng, người từ chối tiêm trên địa bàn, tổ chức các điểm tiêm cố định, lưu động, thực hiện chiến dịch cao điểm tiêm chủng xuyên Tết Nguyên đán từ ngày 1 đến 28-2.
Lãnh đạo Hà Nội cũng yêu cầu đẩy mạnh truyền thông, vận động người dân tham gia tiêm chủng dịp Tết Nguyên đán, tiếp tục rà soát người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, người có nguy cơ cao không thể đến các điểm tiêm chủng để tổ chức tiêm tại nhà.
Bên cạnh đó, rà soát tiêm đủ liều vắc xin cho trẻ từ 12 tuổi trở lên để không bỏ sót, chuẩn bị cho học sinh đến trường an toàn, phấn đấu hoàn thành việc tiêm phủ mũi 3, mũi bổ sung, mũi nhắc lại trong quý 1-2022.
Hà Nội xét nghiệm sàng lọc ngoài cộng đồng cho người dân - Ảnh: NAM TRẦN
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Hà Nội ngày 24-1 cho biết trong 24 giờ ghi nhận 2.801 ca COVID-19 (giảm 170 ca so với ngày trước đó) với gần 650 ca cộng đồng. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Gia Lâm (113); Đống Đa (110); Đông Anh (98); Hoàng Mai (98); Nam Từ Liêm (91); Thanh Trì (90).
Từ ngày 29-4 tới nay Hà Nội ghi nhận 114.578 ca COVID-19 với 469 ca tử vong. Tính đến hết ngày 23-1, thành phố có 68.560 F0 đang được điều trị và cách ly, trong đó tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 là 142 người; Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là 223 người; tại các bệnh viện của Hà Nội là 3.497 người; cơ sở thu dung điều trị thành phố là 878 người (giảm mạnh); cơ sở thu dung quận, huyện là 5.222 người và có 58.598 người theo dõi cách ly tại nhà.
- Từ 6h ngày 23-1 đến 6h ngày 24-1, Quảng Bình ghi nhận thêm 167 ca COVID-19, trong đó có 96 ca cộng đồng, 71 ca trong khu cách ly. Đến nay tổng số ca COVID-19 của Quảng Bình là 5.701 ca; tổng số ca khỏi là 4.579; toàn tỉnh hiện có 647 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại nhà; 403 ca đang điều trị tại bệnh viện; 7 người tử vong.
- Đến chiều 24-1, Quảng Trị ghi nhận trên 4.000 ca COVID-19, trong đó có hơn 500 ca đang điều trị và 5 ca đã tử vong. Số người trên 18 tuổi trên địa bàn tỉnh được tiêm 2 liều vắc xin COVID-19 đạt gần 100%. Quảng Trị đã gỡ bỏ hai chốt kiểm tra y tế phòng, chống dịch COVID-19 trên quốc lộ 1A đoạn qua huyện Hải Lăng và ga Đông Hà ở thành phố Đông Hà.
- Để biết được địa phương quan tâm thuộc nguy cơ nào, người dân truy cập vào bản đồ COVID-19 https://capdodich.yte.gov.vn/map. Tại đây, tìm kiếm địa phương bằng cách chọn trong danh sách ở góc trên của màn hình. Tiếp đến, chọn cấp độ hành chính quận/huyện/thành phố/thị xã và theo dõi chi tiết bên bảng thống kê cấp độ dịch theo từng xã/phường/thị trấn phía bên trái.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận