Đồ họa: NGỌC THÀNH
Theo báo cáo Bộ Y tế về tình hình dịch COVID-19 ngày 23-2, ca COVID-19 tại nước ta lần đầu tăng lên hơn 60.300 tại 62 tỉnh, thành. Hà Nội tiếp tục là địa phương có số ca nhiều nhất với gần 7.500 ca.
Có đến 25 tỉnh thành ghi nhận từ 1.000 - 7.500 ca mắc mới, phần lớn số này ở khu vực miền Bắc, trong khi có đến 12/13 tỉnh thành Tây Nam Bộ ghi nhận dưới 100 ca/tỉnh thành/ngày.
Nhân viên y tế chăm sóc cho các trường hợp F0 đang điều trị tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Omicron làm số ca mắc có triệu chứng tăng lên, nhưng tỉ lệ chuyển nặng thấp
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 23-2, chuyên gia của Bộ Y tế cho hay số ca COVID-19 mới những ngày gần đây tăng cao, thậm chí số ca thống kê được chỉ là phần nổi của "tảng băng" bởi còn một tỉ lệ rất lớn ca mắc không triệu chứng, không được thống kê.
Số mắc mới tăng cao kéo theo số ca trở nặng có tăng hơn tuần trước khoảng 20%/tổng số ca nặng đang điều trị tại các cơ sở y tế.
Tuy nhiên, vị này cho rằng so với tổng số ca mắc mới, tỉ lệ ca nặng đang ở mức rất thấp. Qua giải trình tự gene để sàng lọc ngẫu nhiên ở cả 2 miền Nam Bắc đều ghi nhận chủng Omicron đang tăng dần, biểu hiện của chủng này là làm lây lan rất nhanh.
"Số ca COVID-19 có triệu chứng cũng tăng hơn trước đây, chiếm khoảng 50-60%, trước chỉ 20-30% ca mắc có triệu chứng, nhưng triệu chứng hiện nay phần lớn là sốt trong 1-2 ngày là hết, sau đó chỉ còn ho nhẹ. Tỉ lệ biến chứng nặng/tổng số phải nhập viện là thấp" - chuyên gia này phân tích.
Tiêm vắc xin Pfizer mũi 2 cho học sinh khối lớp 10, 11 Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chuẩn bị điều kiện, nhân lực, vắc xin để tiêm chủng cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi
Ngày 23-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký công điện 170 về việc tiêm vắc xin và một số biện pháp đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19 trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát nhưng còn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, khó dự báo.
Các cơ quan, đơn vị, người dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, cũng không lo sợ. Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các hướng dẫn của các bộ ngành.
Yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh, thành phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các bộ, ngành lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh và thần tốc hơn nữa việc tổ chức tiêm vắc xin mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành trong quý 1.
Tiêm mũi thứ 2 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, hoàn thành trong tháng 2. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo quản, địa điểm, nhân lực để tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ngay sau khi được cung ứng vắc xin.
Yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện hợp đồng mua vắc xin cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo nghị quyết của Chính phủ và các quyết định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra về giá, chất lượng đối với các loại vắc xin, thuốc, sinh phẩm, kit xét nghiệm…
Nhân viên y tế làm việc tại Trung tâm hồi sức COVID-19, Bệnh viện dã chiến số 14 (Q.Tân Phú) - Ảnh: DUYÊN PHAN
TP.HCM tiếp tục tổ chức dạy và học trực tiếp
Lãnh đạo Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM ngày 23-2 cho biết TP vẫn tiếp tục tổ chức dạy và học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Lãnh đạo Sở Giáo dục - đào tạo TP khẳng định "Học sinh TP.HCM chuẩn bị dừng học trực tiếp. Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM tổ chức họp khẩn để đưa ra quyết định" là thông tin giả mạo.
Hiện tại ngành giáo dục TP vẫn tiếp tục tổ chức dạy và học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục theo đúng kế hoạch của UBND TP đề ra.
Trong chiều 23-2, UBND TP.HCM cũng đã có văn bản khẩn gửi Sở Giáo dục - đào tạo, Sở Y tế, UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện về hướng dẫn kiểm soát dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục.
Hướng dẫn này nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị trường học trong bối cảnh số ca nhiễm tăng, trong đó số ca nhiễm cao ở hai bậc tiểu học và THCS.
Tình nguyện viên Trạm y tế lưu động phường Ô Chợ Dừa cấp phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà - Ảnh: HÀ QUÂN
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Ngày 23-2 Hà Nội ghi nhận 7.419 ca COVID-19, trong đó có 2.492 ca tại cộng đồng; 4.927 ca đã cách ly. Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh có 468 ca, Hoàng Mai có 423 ca, Sóc Sơn có 386 ca, Bắc Từ Liêm có 324 ca, Nam Từ Liêm có 316 ca, Long Biên có 312 ca, Hoài Đức có 309 ca. Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 221.274 ca.
- Để sẵn sàng ứng phó với tình hình khi số ca COVID-19 lên tới 10.000 ca mỗi ngày, tỉnh Quảng Ninh xây dựng phương án từ công tác tổ chức thu dung, cách ly, đến điều trị F0. Cụ thể, sẽ thực hiện theo 3 nguyên tắc: tại chỗ, phát hiện ở đâu thì cách ly, quản lý, điều trị ở đó; linh hoạt theo cấp độ dịch; phân tầng điều trị theo mức độ và nguy cơ của người bệnh để tổ chức điều trị cho bệnh nhân phù hợp.
- Sơn La đang triển khai mô hình điều trị F0 thể nhẹ tại nhà, góp phần giảm áp lực lớn cho các cơ sở điều trị tuyến trên. Trong 2 ngày qua, số ca COVID-19 trên địa bàn tăng mạnh với hơn 2.800 bệnh nhân, đa số ca mắc đều được phát hiện tại cộng đồng và đã tiếp xúc với nhiều người nên nguy cơ lây nhiễm cao.
Đến nay Sơn La phát hiện 14.876 ca COVID-19, trong đó có 5.564 ca khỏi bệnh.
- Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến nay, toàn tỉnh có 26.102 ca F0 có mã bệnh. Hiện đang thu dung điều trị 1.886 ca. Có 166 bệnh nhân tử vong, trong đó có 159 ca là già yếu, lão suy, mắc bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, suy tim mãn, suy thận mãn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn, ung thư giai đoạn cuối.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận