22/07/2022 06:28 GMT+7

Tin sáng 22-7: Dịch đang chồng dịch ở phía Nam; TP.HCM cấp căn cước cả thứ bảy, chủ nhật

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Cùng lúc phía Nam có dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng và COVID-19, dịch đang chồng dịch, nguy cơ quá tải hệ thống y tế; Hà Nội tăng gấp đôi mức phạt vi phạm hành chính về xây dựng; Giá thịt heo, gà, trứng đều tăng là các tin chú ý sáng nay.

Tin sáng 22-7: Dịch đang chồng dịch ở phía Nam; TP.HCM cấp căn cước cả thứ bảy, chủ nhật - Ảnh 1.

Giá trứng đang ở mức cao - Ảnh: N.TRÍ

TP.HCM: Giá thịt heo "bình ổn" tăng 6.000 - 22.500 đồng/kg

Theo Sở Công thương TP.HCM, dựa vào kiến nghị của doanh nghiệp và thực tế giá heo tăng nhanh thời gian qua, TP vừa cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn tăng giá bán lẻ thịt heo cho 8 chủng loại với mức tăng từ 6.000 - 22.500 đồng/kg tùy loại.

Cụ thể, thịt đùi heo từ 104.000 đồng tăng lên 111.000 đồng/kg; chân giò từ 110.000 đồng lên 122.000 đồng/kg; thịt nạc đùi, vai từ 155.000 đồng lên 165.000 đồng/kg; xương bộ heo từ 55.000 đồng lên 77.500 đồng/kg...

Những doanh nghiệp được áp dụng mức tăng giá trên gồm Saigon Co.op, Vissan, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty Feddy, Công ty chăn nuôi C.P - chi nhánh 3 tại Đồng Nai.

Ngoài giá bán trên, doanh nghiệp được quyền chủ động thực hiện thêm các khuyến mãi khác. Đại diện doanh nghiệp cho rằng mức tăng trên là hợp lý khi vẫn còn thấp hơn giá thị trường bên ngoài.

Theo ghi nhận, giá heo tại miền Nam ngày 21-7 ở mức 70.000 - 73.000 đồng/kg, tăng khoảng 16.000 đồng/kg so với mức đầu tháng 7. Giá gà công nghiệp vẫn đang neo cao với trên dưới 40.000 đồng/kg, giá trứng bán ra tại trại lập đỉnh: trứng gà bình quân 2.600 đồng/quả, trứng vịt 3.100 đồng/quả.

Hà Nội tăng gấp 2 mức phạt vi phạm hành chính về xây dựng

Với quy định vừa được HĐND TP Hà Nội thông qua và có hiệu lực thực hiện, hành vi thi công xây dựng không che chắn hoặc để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh, để vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định khi xây dựng nhà ở riêng lẻ hoặc công trình xây dựng khác sẽ bị phạt tiền từ 6 - 10 triệu đồng.

Mức phạt này là cao hơn mức áp dụng chung toàn quốc, bởi theo khoản 1 điều 38 nghị định 16/2022 chỉ phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng.

Hành vi tổ chức thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình lân cận, gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận nhưng không gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác sẽ bị phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng, trong khi theo khoản 2 điều 38 nghị định 16/2022 chỉ phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng...

Cảnh báo "dịch chồng dịch" tại khu vực phía Nam

Tại cuộc họp trực tuyến ngày 21-7 do Bộ Y tế tổ chức, báo cáo của Viện Pasteur TP.HCM cho biết đến thời điểm này, 75% số mắc sốt xuất huyết và 95% tử vong ở khu vực phía Nam (còn lại 25% ở miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên).

Tin sáng 22-7: Dịch đang chồng dịch ở phía Nam; TP.HCM cấp căn cước cả thứ bảy, chủ nhật - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương tiêm vắc xin COVID-19 trong lễ phát động tiêm chủng mũi bổ sung và nhắc lại tổ chức đầu tháng 7 - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Đến nay, tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết đã lên tới 64 ca, gần 1/2 là trẻ em dưới 15 tuổi. Tỉ lệ ca nặng/tổng số mắc là 2,66%, tỉ lệ tử vong/mắc là 0,07%, đều cao hơn so với các năm gần đây. TP.HCM có số mắc, số tử vong cao nhất, kế đến là Đồng Nai, Bình Dương, tỉnh An Giang đứng thứ 4 về số ca mắc và ca nặng, nhưng chưa ghi nhận ca tử vong.

Ngoài sốt xuất huyết, hiện Đồng Nai đang có số ca mắc tay chân miệng/100.000 dân cao nhất khu vực (141/100.000 dân), kế đến là TP.HCM và Bình Dương. Bên cạnh đó, số mắc COVID-19 đã tăng từ tuần 27 đến nay.

Viện Pasteur TP.HCM cảnh báo nguy cơ dịch chồng dịch tại khu vực phía Nam do sốt xuất huyết dù đã rất nghiêm trọng nhưng chưa đạt đỉnh, COVID-19 xuất hiện biến thể mới và tỉ lệ tiêm mũi nhắc thấp; dịch tay chân miệng, nguy cơ quá tải hệ thống y tế, tử vong tăng. Viện đề nghị triển khai ngay loạt hoạt động chống dịch và tăng cường tiêm mũi nhắc COVID-19.

Việt Nam tham gia đánh giá tăng khả năng chống chịu của hệ thống y tế

Việt Nam cùng với 7 quốc gia gồm Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Ba Lan và Nga cùng tham gia đánh giá về khả năng chống chịu của hệ thống y tế trước khủng hoảng. Đây là chương trình do Viện Chiến lược và chính sách y tế phối hợp với AstraZeneca thực hiện.

Bà Trần Thị Mai Oanh, viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế), đơn vị phối hợp thực hiện dự án, cho biết chương trình mong muốn sẽ cung cấp các bằng chứng có giá trị, trong việc xây dựng chính sách y tế giúp phục hồi hệ thống y tế sau đại dịch, chuẩn bị sẵn sàng khi dịch bệnh khác xuất hiện.

Công an TP.HCM làm việc cả thứ bảy, chủ nhật cấp căn cước gắn chip

Công an TP.HCM cho biết trong đợt cao điểm từ nay đến ngày 31-8, Công an TP yêu cầu các đơn vị chia ca, kíp làm việc cả thứ bảy và chủ nhật trong khung từ 7h đến 22h mỗi ngày, nhằm đảm bảo thời gian cấp ít nhất 15 giờ/ngày làm việc, phấn đấu đạt 250 căn cước công dân/máy/ngày. 

Tin sáng 22-7: Dịch đang chồng dịch ở phía Nam; TP.HCM cấp căn cước cả thứ bảy, chủ nhật - Ảnh 3.

Người dân chờ đợi làm căn cước công dân ở TP.HCM - Ảnh: MINH HÒA

Công an TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành tiến độ cấp căn cước công dân gắn chip, thực hiện tốt đề án 06; đồng thời khắc phục các sai sót trước đây khiến nhiều người dân chưa được nhận căn cước công dân.

Liên quan đến việc thẻ căn cước công dân mã vạch được cấp năm 2020 còn hạn sử dụng, hiện theo quy định pháp luật không bắt buộc người dân phải đổi căn cước công dân mã vạch sang căn cước công dân gắn chip. Tuy nhiên, Công an TP khuyến cáo người dân nên đổi vì căn cước công dân gắn chip có nhiều tiện ích hơn. 

Cụ thể, căn cước công dân gắn chip có tính năng ưu việt là tính bảo mật cao, tránh giả mạo, thuận lợi khi giao dịch, ký hợp đồng quốc tế do có song ngữ Anh - Việt...

Tin sáng 22-7: Dịch đang chồng dịch ở phía Nam; TP.HCM cấp căn cước cả thứ bảy, chủ nhật - Ảnh 4.
Tin sáng 22-7: Dịch đang chồng dịch ở phía Nam; TP.HCM cấp căn cước cả thứ bảy, chủ nhật - Ảnh 5.
Tin sáng 22-7: Dịch đang chồng dịch ở phía Nam; TP.HCM cấp căn cước cả thứ bảy, chủ nhật - Ảnh 6.
Tin sáng 21-7: Giá xăng có thể giảm sâu; Bình Dương phải thu hồi 6,1 tỉ đồng trợ cấp chi sai Tin sáng 21-7: Giá xăng có thể giảm sâu; Bình Dương phải thu hồi 6,1 tỉ đồng trợ cấp chi sai

TTO - Giá xăng dầu trong nước nhiều khả năng giảm sâu trong kỳ điều chỉnh chiều nay; Xét xử 'dì ghẻ' và cha ruột đánh chết bé gái 8 tuổi; Bộ Y tế họp với 63 địa phương bàn việc chống dịch và an toàn tiêm chủng... là những tin đáng chú ý sáng nay.



TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên