Khách lựa mua trái cây tại Co.opmart Hải Phòng - Ảnh: TIẾN THẮNG
Xây dựng chỉ thị về giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi Thủ tướng về việc xây dựng, hoàn thiện dự thảo chỉ thị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn.
Với 4 nội dung lớn, dự thảo chỉ thị tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023 nhằm vừa giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng năm 2022 là 7-7,5%, tốc độ tăng CPI là 4%.
Phục hồi sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí, mở rộng thị trường… nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 95-100% kế hoạch giao, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm về hạ tầng…
Viện kiểm sát bồi thường cho 3 người với số tiền hơn 4,2 tỉ đồng
Báo cáo kết quả công tác năm 2022 của viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho hay trong kỳ ngành tiếp nhận, thụ lý giải quyết 46 trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trong đó bồi thường xong 3 trường hợp với tổng số tiền hơn 4,2 tỉ đồng, gồm 1 người ở Sóc Trăng, 2 người ở Hậu Giang.
2 trường hợp xác định hết thời hiệu bồi thường và đã hướng dẫn viện kiểm sát địa phương làm thủ tục xin lỗi, phục hồi danh dự. Ngoài ra đang xác minh 6 trường hợp
Với 11 trường hợp viện kiểm sát có trách nhiệm tham gia giải quyết thì Bộ Tài chính cấp kinh phí, địa phương đã chi trả cho người bị thiệt hại 2 trường hợp với số tiền là hơn 1,7 tỉ đồng.
Tòa án đã xét xử 6 trường hợp và đang nghiên cứu giải quyết 3 trường hợp.
Bô xít Tân Rai, Nhân Cơ mới đạt 20% mục tiêu công suất
Góp ý về hồ sơ quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Công Thương xây dựng, Bộ Tài chính cho rằng các kết quả thực hiện các quy hoạch về khoáng sản trước đây rất thấp.
Cụ thể, quy hoạch quặng bô xít mới có 2 dự án là Tân Rai, Nhân Cơ, tức là mới thực hiện quy hoạch đạt 25% về dự án và 20% về mục tiêu công suất.
Một góc tổ hợp bô xít Nhân Cơ - Ảnh: N.T.
Quy hoạch titan mới thực hiện được 27 dự án thăm dò, cấp phép 14 giấy phép, đạt hơn 50% mục tiêu đề ra, cấp phép 11/45 dự án khai thác đạt 25%, có 20/50 nhà máy chế biến đạt 40%.
Tương tự, quy hoạch với chì, kẽm cấp phép được 15/25 đề án thăm dò, khai thác tuyển quặng có 8/29 dự án; quy hoạch quặng sắt, quy hoạch cromit-mangan đạt 50% mục tiêu về công tác thăm dò; quy hoạch apatit đạt 50% về thăm dò, khai thác mỏ đạt 80%…
Trong khi đó, một số dự án khai thác mỏ không hiệu quả, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội và môi trường sinh thái như dự án mỏ Quý Xa (Lào Cai), dự án mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh)…
Việc khai thác chế biến sâu của hầu hết khoáng sản còn hạn chế, nên hiệu quả thấp, có tới trên 90% doanh nghiệp ngoài nhà nước và tư nhân có quy mô nhỏ tham gia khai thác, chế biến.
Đến năm 2030, khoảng 48 triệu người Việt có thu nhập trên 20 USD/ngày
Nghiên cứu mới của HSBC cho thấy Việt Nam sẽ có 48 triệu người thu nhập trên 20 USD mỗi ngày vào năm 2030, tính theo sức mua tương đương.
Hiện quy mô dân số có thu nhập trên 20 USD mỗi ngày của Việt Nam đứng sau Indonesia và Thái Lan. Tuy nhiên, vào năm 2030, các vị trí này sẽ thay đổi khi Việt Nam được dự báo sẽ có nhiều người kiếm tiền trên 20 USD/ngày hơn Thái Lan 38 triệu người, Philippines 43 triệu người, Malaysia là 20 triệu người.
Tăng trưởng chi tiêu của người Việt đạt được nhờ cải thiện thu nhập trong thời gian tới - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Mức tăng này đưa Việt Nam thuộc nhóm có mức tăng trưởng nhanh nhất về dân số kiếm được hơn 20 USD/ngày. Nhóm này còn gồm các nước như Bangladesh, Ấn Độ, Philippines và Indonesia.
Trong khi đó, nhóm tầng lớp trung lưu cao ở Việt Nam dự kiến tăng trưởng trung bình 17%/năm đến năm 2030. Đây là nhóm sẽ có thu nhập từ 50-110 USD mỗi ngày.
Nhờ tăng trưởng nhanh của dân số thu nhập trên 20 USD mỗi ngày lẫn tầng lớp trung lưu cao, mức tăng trưởng chi tiêu của thị trường Việt Nam là gần 8% mỗi năm. Tỉ lệ này thuộc nhóm dẫn đầu châu Á, cùng với Bangladesh và Ấn Độ.
Cục Quản lý dược đề nghị nhập khẩu 12 loại thuốc thiết yếu cho Bệnh viện Bạch Mai
Ngày 15-9, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi các cơ sở nhập khẩu thuốc, Bệnh viện Bạch Mai về việc đảm bảo cung ứng các thuốc thiết yếu cho điều trị.
Bệnh viện Bạch Mai thông tin hiện nay có 12 loại thuốc chuyên khoa (nội tiết, tim mạch, chống độc) dùng cho một số bệnh đặc biệt như suy tuyến thượng thận, ngộ độc kim loại nặng... không có sẵn, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc và khó khăn trong công tác cấp cứu, điều trị của bệnh viện.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Để đảm bảo việc cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời trong công tác điều trị, Cục Quản lý dược đề nghị các cơ sở nhập khẩu thuốc khẩn trương liên hệ, tìm kiếm các nguồn cung ứng đối với các thuốc để đáp ứng nhu cầu điều trị của Bệnh viện Bạch Mai.
Sau khi tìm được nguồn cung ứng, liên hệ với bệnh viện để xác định nhu cầu, ký hợp đồng, chuẩn bị hồ sơ đề nghị nhập khẩu thuốc gửi về Cục Quản lý dược và thực hiện nhập khẩu theo quy định.
Cục Quản lý dược cũng đề nghị Bệnh viện Bạch Mai phối hợp với các cơ sở nhập khẩu để tìm kiếm thêm thông tin về các nguồn cung ứng.
Nếu Bệnh viện Bạch Mai có được thông tin về nguồn cung ứng của các thuốc này, đề nghị bệnh viện cung cấp thông tin cho các cơ sở nhập khẩu thuốc hoặc cơ quan quản lý để có biện pháp kịp thời nhằm tăng cường cung ứng thuốc cho điều trị.
Khách Hàn Quốc đến Việt Nam nhiều nhất
Ông Lee Jae Hoon, trưởng Văn phòng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam (KTO), cho biết trong 8 tháng đầu năm, đã có khoảng 200.000 lượt khách du lịch Hàn Quốc đến thăm Việt Nam. So với năm ngoái, có thể thấy giao lưu du lịch quốc tế giữa hai nước đang dần hồi phục.
Khách Hàn Quốc ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tuy vậy, con số này thấp hơn so với thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam. Theo đó, chỉ trong tháng 8, Hàn Quốc là quốc gia có đông du khách đến Việt Nam nhất với hơn 173.000 lượt người, chiếm 35,7% tổng du khách quốc tế đến nước ta và tăng 120 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Còn nếu tính 8 tháng đầu năm, đã có gần 370.000 lượt khách Hàn đến Việt Nam, tăng 17,61 lần so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, theo ước tính của KTO, lượng khách du lịch Việt Nam đến thăm Hàn Quốc khoảng 80.000 người. Gần đây, mỗi tuần có đến 7.000 lượt khách nhập cảnh nước này thay vì chỉ 1.000 lượt/tuần ở thời điểm nước này mới cấp lại thị thực du lịch. Năm nay, Hàn Quốc kỳ vọng sẽ đón khoảng 150.000 lượt khách Việt.
Hiện Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định bãi bỏ việc test COVID-19 trước khi nhập cảnh đối với những người nhập cảnh vào nước này, và dự kiến quy định test COVID-19 sau khi nhập cảnh cũng sẽ sớm được bãi bỏ.
Nhà mạng, ngân hàng, taxi công nghệ hợp tác thúc đẩy Mobile Money
Viettel vừa công bố hợp tác với Cake - Ngân hàng số của VPBank và Be - Nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ, để thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ Mobile Money của Viettel, đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam.
Người dùng dịch vụ Mobile Money của Viettel (Viettel Money) có thể sử dụng các tính năng của Cake (vay tín dụng, gửi tiết kiệm…) ngay trên ứng dụng Viettel Money.
Có thể sử dụng các dịch vụ của Be như đặt xe, giao hàng, giao đồ ăn nhanh chóng, tiện lợi với hơn 300.000 tài xế cùng 11.000 quán ăn, nhà hàng hoạt động 3 miền Bắc - Trung - Nam…
Siêu thị tăng khuyến mãi, kỳ vọng kéo khách mùa tiêu dùng cao điểm
Theo siêu thị Lotte Mart, từ nay đến ngày 27-9 sẽ triển khai các chương trình khuyến mãi với mức giảm giá gần 40% cho nhiều sản phẩm thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu như ức gà nướng khuyến mãi còn 85.000 đồng/kg; dầu olive Tường An 500ml giảm còn 122.900 đồng/chai; thịt đùi heo Choice L giảm còn 99.000 đồng/kg, cốt lết heo Choice L giảm còn 109.000 đồng/kg...
Sau khi tăng nóng, giá dầu ăn thời gian qua có xu hướng chững và giảm lại - Ảnh: N.TRÍ
Từ ngày 15-9 đến 28-9, siêu thị Co.opmart áp dụng giảm giá đến 50% cho hàng loạt sản phẩm, tiêu dùng thiết yếu, thời trang như dầu ăn, sữa tươi, rau củ, thịt cá..; đặc biệt hàng loạt sản phẩm như ấm đun nước, bàn ủi, chảo, quần áo... được áp dụng chương trình đồng giá 199.000 đồng, và 299.000 đồng/sản phẩm.
Các siêu thị khác như MM Mega Market, Winmart... đang tăng dần các ưu đãi cho hàng loạt sản phẩm thiết yếu, trong đó có các sản phẩm tăng giá cao trước đó như dầu ăn, trứng gia cầm...
Đại diện các siêu thị cho biết dù đang tích cực làm việc và đề nghị nhà cung cấp xem xét giảm giá hàng hóa, tuy nhiên số lượng giảm và mức giảm hiện chưa nhiều.
Do đó, nhiều siêu thị chấp nhận giảm lợi nhuận để tăng khuyến mãi trong thời gian dài, đây là giải pháp nhằm chia sẻ với người tiêu dùng, kích thích sức mua, đặc biệt sắp vào mùa mua sắm cao điểm dịp cuối năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận