15/01/2022 07:44 GMT+7

Tin sáng 15-1: TP.HCM dừng 4 bệnh viện dã chiến; yêu cầu sớm thanh tra mua sắm thiết bị chống dịch

L.ANH - X.MAI - TTXVN
L.ANH - X.MAI - TTXVN

TTO - Nghị quyết của Chính phủ sau phiên họp trực tuyến với 63 địa phương vừa diễn ra yêu cầu sớm triển khai thanh tra mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, xét nghiệm phục vụ chống dịch.

Tin sáng 15-1: TP.HCM dừng 4 bệnh viện dã chiến; yêu cầu sớm thanh tra mua sắm thiết bị chống dịch - Ảnh 1.

Nhân viên y tế làm việc tại Trung tâm hồi sức COVID-19, Bệnh viện dã chiến số 14 (Q.Tân Phú) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo đó, Chính phủ yêu cầu cơ quan thanh tra tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quan trọng của các ngành, các cấp, nhất là các ngành, lĩnh vực, địa phương có dấu hiệu vi phạm, dư luận xã hội phản ảnh tiêu cực, tham nhũng, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo; sớm triển khai thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch.

Chính phủ cũng cho biết chủ đề điều hành năm 2022 hướng đến chủ động thích ứng an toàn hiệu quả và phục hồi để phát triển sau đại dịch, trong đó có việc ưu tiên nguồn lực, tiếp tục thực hiện đồng bộ phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ngày 14-1, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo do ông Trần Văn Minh, phó tổng Thanh tra Chính phủ, làm trưởng ban và Tổ công tác đôn đốc, tổng hợp kết quả thanh tra chuyên đề mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch COVID-19.

Tin sáng 15-1: TP.HCM dừng 4 bệnh viện dã chiến; yêu cầu sớm thanh tra mua sắm thiết bị chống dịch - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

TP.HCM tạm ngưng hoạt động 4 bệnh viện dã chiến

Ngày 14-1, Sở Y tế TP.HCM có văn bản về việc sắp xếp lại hoạt động các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 trong giai đoạn nghỉ Tết Nguyên đán.

Từ ngày 19-1 cho đến khi có thông báo mới sẽ tạm ngưng hoạt động Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 3, 5, 10 và Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Người bệnh hiện đang được điều trị tại các bệnh viện trên nếu đủ điều kiện xuất viện thì cho xuất viện.

Đối với các bệnh viện dã chiến vẫn duy trì hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán, phân công nhân viên y tế luân phiên đến công tác tại bệnh viện từ nay đến ngày 15-2. 

Riêng Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 12 - đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận, điều trị, chăm sóc người nhập cảnh dương tính, người nhiễm biến chủng Omicron - sẽ điều động bổ sung nhân viên y tế từ các bệnh viện trên địa bàn đến luân phiên hỗ trợ.

Tin sáng 15-1: TP.HCM dừng 4 bệnh viện dã chiến; yêu cầu sớm thanh tra mua sắm thiết bị chống dịch - Ảnh 3.

Trạm ATM oxy tại Hà Nội chính thức đi vào hoạt động với 1.000 bình oxy hỗ trợ F0 tại nhà - Ảnh: THÀNH ĐOÀN HÀ NỘI

Tiêm vắc xin cho trẻ 5-11 tuổi phải đợi đầy đủ dữ liệu khoa học từ quốc tế

Thông tin từ Bộ Y tế cho hay, bộ này đã được Thủ tướng giao điều tra xã hội học về tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em 5-11 tuổi, trong đó có tính đến khả năng chấp nhận của cộng đồng.

Bộ Y tế cho biết với lứa 12-17 tuổi, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo tiêm chủng cho lứa tuổi này và đã có nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ triển khai, tuy nhiên đến nay WHO chưa có bất kỳ khuyến cáo chính thống nào về tiêm vắc xin cho trẻ từ  5-11 tuổi.

Bộ Y tế cũng cho rằng đang rất thận trọng, khoa học và khách quan, trên cơ sở tham khảo chương trình tiêm chủng của tất cả các nước và khuyến cáo của WHO.

Việt Nam đã triển khai tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 cho lứa tuổi 12-17 từ cuối năm 2021. Đến nay các tỉnh thành đã triển khai tiêm trên 14,13 triệu liều, trong đó có trên 8 triệu mũi 1 và trên 6,1 triệu mũi 2. Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin ở nhóm 12-17 tuổi là 89,9% và tỉ lệ bao phủ đủ liều cơ bản là 68,5%.

Tính đến ngày 15-1, đã có 33 tỉnh thành, phố bao phủ đủ liều cơ bản cho nhóm tuổi này.

Tin sáng 15-1: TP.HCM dừng 4 bệnh viện dã chiến; yêu cầu sớm thanh tra mua sắm thiết bị chống dịch - Ảnh 4.

Test nhanh COVID-19 ở Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Áp dụng công nghệ để quản lý, điều trị F0

95,1% bệnh nhân mắc COVID-19 ở thể nhẹ, không triệu chứng; tỉ lệ người bệnh triệu chứng trung bình (tầng 2) là 3,95%; tỉ lệ người bệnh nặng, nguy kịch (tầng 3) là 0,95%, trong đó số bệnh nhân nguy kịch là 36 người, chiếm 0,06%. 

Hiện nay, 95% số bệnh nhân ở thể nhẹ và không triệu chứng của Hà Nội chủ yếu điều trị tại nhà và các trạm y tế lưu động. Tuy nhiên, không ít ca F0 điều trị tại nhà phản ánh chậm được đáp ứng y tế, thiếu sự quan tâm, chậm được xét nghiệm, phát thuốc, tư vấn chưa đầy đủ.

Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải cài đặt phần mềm quản lý bệnh nhân COVID-19 vào smart phone tương tác liên tục để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân; giao các bộ phận chuyên môn thường xuyên tương tác để nắm bắt, hướng dẫn kịp thời cho các F0, chủ động kiểm tra không để người dân bức xúc.

Tin sáng 15-1: TP.HCM dừng 4 bệnh viện dã chiến; yêu cầu sớm thanh tra mua sắm thiết bị chống dịch - Ảnh 5.

F0 điều trị tại Bệnh viện dã chiến Phú Nhuận số 01, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành

- Hà Nội tối 14-1 thông tin 24 giờ qua ghi nhận thêm 2.993 ca dương tính mới, trong đó có 772 ca cộng đồng. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Gia Lâm (197); Bắc Từ Liêm (194); Long Biên (189); Đống Đa (184); Hoàng Mai (180); Nam Từ Liêm (178). Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 85.577 ca.

Tới hết ngày 13-1, 55.113 F0 đang được điều trị, cách ly tại Hà Nội, hơn 44.600 F0 theo dõi cách ly tại nhà, không có bệnh nhân chuyển độ tại cơ sở thu dung. Số ca tử vong trong ngày là 13 người, tổng số người tử vong do COVID-19 từ ngày 29-4 đến nay là 307 người.

- Vĩnh Phúc cho biết, trong ngày 13-1, toàn tỉnh ghi nhận thêm 215 ca COVID-19, trong đó có 143 ca tại cộng đồng. Tính từ ngày 1-1 đến 12-1, toàn tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận gần 170 ca dương tính có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với người trở về từ Hà Nội.

- Quảng Bình từ 6h ngày 13-1 đến 6h ngày 14-1 ghi nhận thêm 78 ca COVID19, trong đó có 68 ca cộng đồng. Tổng số người về từ vùng dịch dương tính là 755 ca. Tổng số ca COVID-19 của tỉnh đến nay là 4.692; số ca điều trị khỏi là 3.844, còn 256 bệnh nhân đang điều trị, 7 ca tử vong; 522 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại nhà.

- Tính từ 13h ngày 13-1 đến 13h ngày 14-1, Đà Nẵng ghi nhận 765 ca COVID-19; trong đó, 7 ca cách ly tập trung, 187 ca cách ly tại nhà, 72 ca trong khu phong tỏa, 499 ca cộng đồng. Trong ngày 13-1, các cơ sở y tế đang điều trị 2.515 bệnh nhân, 852 bệnh nhân điều trị tại nhà. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đánh giá, hiện nay Đà Nẵng vẫn chưa đạt đỉnh dịch và có thể đến những ngày giáp Tết mới đạt đỉnh.

- Ngày 14-1, Bình Thuận công bố cấp độ dịch ở cấp độ 1 (vùng xanh). Những ngày gần đây, số ca COVID-19 trên địa bàn có chiều hướng giảm. Ngày 14-1, Bình Thuận ghi nhận 103 ca COVID-19. Từ ngày 27-4 đến nay, toàn tỉnh có 27.735 ca COVID- 19. Hiện còn 2.093 ca đang điều trị tại các cơ sở y tế và tại nhà.

Tin sáng 14-1: Tỉ lệ tử vong bệnh nhân COVID-19 tại Hà Nội là 0,36%, vẫn kiểm soát được dịch Tin sáng 14-1: Tỉ lệ tử vong bệnh nhân COVID-19 tại Hà Nội là 0,36%, vẫn kiểm soát được dịch

TTO - Ngày 13-1, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm việc với Hà Nội về phòng chống COVID-19 và điều trị người bệnh trên địa bàn. Trong hơn nửa tháng nay, Hà Nội liên tục đứng đầu cả nước về số mắc mới hằng ngày (hiện xấp xỉ 3.000 ca mới/ngày).

L.ANH - X.MAI - TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: covid-19