12/08/2022 06:32 GMT+7

Tin sáng 12-8: Hỗ trợ giáo viên dân lập 2,2-3,7 triệu/người; TP.HCM điều chỉnh giao thông để sửa cầu

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Đề nghị xây dựng Luật phát triển công nghiệp để xử lý các điểm nghẽn cho phát triển; Hỗ trợ giáo viên tiểu học, mầm non phải nghỉ việc phòng chống dịch 2,2-3,7 triệu/người; TP.HCM điều chỉnh giao thông để sửa cầu... là tin đáng chú ý sáng nay.

Tin sáng 12-8: Hỗ trợ giáo viên dân lập 2,2-3,7 triệu/người; TP.HCM điều chỉnh giao thông để sửa cầu - Ảnh 1.

Sản xuất hàng dệt may tại một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Hòa Khánh, Đà Nẵng - Ảnh TẤN LỰC

Đề nghị xây dựng Luật phát triển công nghiệp

Bộ Công thương vừa có tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật phát triển công nghiệp, cho rằng sau 35 năm đổi mới và mở cửa, nền kinh tế Việt Nam đã dần trở thành một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp của thế giới, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp trung bình cao toàn cầu. 

Với 4 ngành chính trong công nghiệp gồm khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất phân phối điện - khí và cấp thoát nước, Bộ Công thương đánh giá tăng trưởng công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu, giá trị gia tăng thấp; nội lực yếu và phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp FDI; liên kết doanh nghiệp FDI với trong nước còn lỏng lẻo, công nghiệp hỗ trợ còn kém phát triển, trình độ công nghệ thấp…

Trong khi đó, có nhiều hạn chế vướng mắc trong chính sách phát triển công nghiệp tại Việt Nam, như chưa thể chế hóa đồng bộ, đầy đủ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy phát triển công nghiệp, đặc biệt là ngành trọng điểm chế biến, chế tạo. Quy định về nâng cao sức cạnh tranh cho ngành công nghiệp còn rời rạc, hiệu lực pháp lý thấp…

Việc xây dựng Luật phát triển công nghiệp sẽ nhằm tạo lập công cụ phát triển ngành đồng bộ, kiến tạo các chính sách đột phá xử lý điểm nghẽn cơ bản trong phát triển công nghiệp, đẩy mạnh phân công phân cấp…

Từ 11-8, TP.HCM điều chỉnh giao thông để sửa cầu Bình Phước 1

Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết kể từ ngày 11-8 tạm thời điều chỉnh tổ chức giao thông qua cầu Bình Phước 1 trên quốc lộ 1 (quận 12) để sửa chữa cây cầu này. Cụ thể, cấm ôtô tải và ôtô khách trên 16 chỗ đi qua cầu Bình Phước 1 (hướng từ quận 12 qua TP Thủ Đức). Lộ trình thay thế là đi cầu Bình Phước 2.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng vừa chấp thuận phương án điều chỉnh tổ chức giao thông trên quốc lộ 13 theo đề xuất của Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, thời gian thực hiện kể từ ngày 20-8.

Cụ thể, cấm ôtô rẽ trái từ quốc lộ 13 vào đường Hiệp Bình trong khoảng thời gian từ 6h đến 9h và từ 16h đến 19h. Lộ trình thay thế: quốc lộ 13 - quay đầu tại giao lộ quốc lộ 13 - Đinh Thị Thi - quốc lộ 13 - Hiệp Bình.

Cấm ôtô quay đầu xe tại giao lộ quốc lộ 13 - đường số 4 trong khoảng thời gian từ 6h đến 9h và từ 16h đến 19h. Lộ trình thay thế: quốc lộ 13 - quay đầu tại giao lộ quốc lộ 13 - Đinh Thị Thi hoặc quốc lộ 13 - Nguyễn Thị Nhung - quốc lộ 13.

Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động: Gần hết thời hạn mới chi được 11,23%

Sáng 12-8, Bộ Lao động - thương binh và xã hội tổ chức Hội nghị giao ban đôn đốc các địa phương thực hiện quyết định 08 (gói 6.600 tỉ đồng) của Thủ tướng về hỗ trợ tiền thuê nhà ở cho người lao động.

Tin sáng 12-8: Hỗ trợ giáo viên dân lập 2,2-3,7 triệu/người; TP.HCM điều chỉnh giao thông để sửa cầu - Ảnh 2.

Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình giải thích quyết định 08 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (gói 6.600 tỉ đồng) - Ảnh: HÀ QUÂN

Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo nhiều bộ ngành, địa phương nhằm chỉ ra nguyên nhân, giải pháp nhanh chóng hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà, nhất là khi trung ương đã tạm ứng cho các địa phương 70% ngân sách thực hiện.

Theo báo cáo của Cục Việc làm (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), tính tới 11-8 chỉ có hơn 1 triệu người lao động đã nhận tiền hỗ trợ (trên 728 tỉ đồng). Con số này đạt 11,23% so với dự kiến, trong khi Thủ tướng yêu cầu hoàn thành giải ngân gói 6.600 tỉ đồng trong tháng 8-2022.

Thực tế có 4 địa phương gồm Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Phú Yên chưa thực hiện chi tiền hỗ trợ thuê nhà. Một số địa phương dự kiến đối tượng rất lớn nhưng việc giải ngân vẫn rất thấp như Kiên Giang (0,23%), Hải Phòng (0,2%). Nhiều tỉnh khác đã chi tiền hỗ trợ nhưng "nhỏ giọt" trên dưới 1% như Quảng Ngãi, Nghệ An, Vĩnh Long, Thanh Hóa…

Yêu cầu giảm thời gian sử dụng đường cất - hạ cánh, nâng năng lực khai thác sân bay Tân Sơn Nhất

Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Hồ Minh Tấn vừa ký hướng dẫn tạm thời nhằm nâng năng lực khai thác sân bay Tân Sơn Nhất. Quyết định này có hiệu lực từ 7h (giờ Hà Nội) ngày 6-10-2022.

Tin sáng 12-8: Hỗ trợ giáo viên dân lập 2,2-3,7 triệu/người; TP.HCM điều chỉnh giao thông để sửa cầu - Ảnh 3.

Khách làm thủ tục lên máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: T.T.D.

Theo đó, mục tiêu của hướng dẫn này là giảm thời gian sử dụng đường cất - hạ cánh nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng đường cất - hạ cánh. Đồng thời thống nhất điều hành, kiểm soát máy bay từ sân đỗ, tránh tình trạng máy bay phải chờ trong khu vực sân đỗ và trước khi lên đường cất - hạ cánh.

Giáo viên tư thục phải nghỉ việc do dịch COVID-19 được hỗ trợ 2,2 - 3,7 triệu/người

Nghị quyết 103 vừa được Chính phủ ban hành hướng dẫn hỗ trợ cho giáo viên, quản lý, nhân viên các trường mầm non và tiểu học tư thục, dân lập, trường trong hệ thống SOS phải nghỉ việc từ tháng 5 đến hết năm 2021 để phòng chống dịch COVID-19, ngoại trừ những người đã được hỗ trợ theo nghị quyết 68 năm 2021.

Cụ thể, mức hỗ trợ là 3,7 triệu đồng/người với giáo viên, nhân viên chưa được nhận hỗ trợ tại địa phương; 2,2 triệu đồng/người đối với người đã được nhận hỗ trợ của địa phương.

Trước đó, trong năm 2020 - 2021, do dịch COVID-19 nhiều trường tiểu học, mầm non phải đóng cửa kéo dài, nhiều giáo viên trường dân lập, tư thục đã phải nghỉ việc...

Thiếu giáo viên tiếng Anh, tin học ở tiểu học, môn âm nhạc, mỹ thuật ở THPT

Hôm nay 12-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học mới. Trong năm học 2021-2022, ngoài việc duy trì chất lượng giáo dục đại trà, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh đến thành quả nổi bật trong giáo dục mũi nhọn. Tại các kỳ Olympic quốc tế, khu vực có 37/39 học sinh đoạt giải.

Tuy nhiên, cũng có nhiều hạn chế được thừa nhận: Chất lượng dạy học đại trà ở một số địa phương, cấp học gặp khó khăn trong tình thế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ảnh hưởng nặng nề nhất là cấp học mầm non. 

Việc biên soạn sách giáo khoa theo chương trình mới xảy ra những bất cập về nội dung, tiến độ chọn và tập huấn sử dụng sách. Mạng lưới trường lớp còn chưa đáp ứng nhu cầu học tập ở nhiều địa phương. 

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên vẫn tồn tại, đặc biệt là tình trạng thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học ở cấp tiểu học, thiếu giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật ở cấp THPT là thách thức lớn khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Năm học sắp tới, sẽ tiếp tục thực hiện song song cả chương trình phổ thông năm 2000 (chương trình cũ) và chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cả ba cấp học, triển khai thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới và triển khai chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THCS, THPT vừa ban hành. 

Từ năm học 2022-2023, cũng bắt đầu thực hiện lộ trình bổ sung trên 65.900 biên chế giáo viên giai đoạn 2022-2026

Tin sáng 12-8: Hỗ trợ giáo viên dân lập 2,2-3,7 triệu/người; TP.HCM điều chỉnh giao thông để sửa cầu - Ảnh 4.
Tin sáng 12-8: Hỗ trợ giáo viên dân lập 2,2-3,7 triệu/người; TP.HCM điều chỉnh giao thông để sửa cầu - Ảnh 5.
Tin sáng 11-8: Xăng có thể giảm thêm; Việt Nam nghiên cứu làm thuốc trị đậu mùa khỉ Tin sáng 11-8: Xăng có thể giảm thêm; Việt Nam nghiên cứu làm thuốc trị đậu mùa khỉ

TTO - Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp về phục hồi sau đại dịch; Chiều nay giá xăng có khả năng giảm thêm khoảng 1.000 đồng/lít; Xem xét đề xuất tiếp tục hỗ trợ lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp... là những tin tức đáng chú ý sáng nay.




TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên