Nhân viên y tế làm việc tại Trung tâm hồi sức COVID-19, Bệnh viện dã chiến số 14 (Q.Tân Phú) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Yêu cầu tiêm xong mũi 3 trong quý 1
So với các hướng dẫn trước đây, yêu cầu hoàn thành mũi bổ sung trong quý 1 là yêu cầu nhanh hơn 3 tháng so với trước (trước đây Bộ Y tế hướng dẫn cần hoàn thành mũi bổ sung/nhắc lại trong 6 tháng đầu năm).
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tiến hành rà soát, tìm kiếm người chưa tiêm đủ liều, khẩn trương tiêm và đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Quản lý, bảo vệ tối đa các đối tượng nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai) đảm bảo được tiêm chủng đủ liều, được tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, tốt nhất, bố trí tiêm tại nhà cho người đi lại khó khăn.
Tính đến sáng 12-1, cả nước đã tiêm được trên 163,5 triệu liều vắc xin, bao gồm cả trên 10 triệu mũi 3.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Hải Dương quy định "lạ": Dự tiệc cưới phải xét nghiệm COVID-19
UBND TP Hải Dương vừa có quy định điều chỉnh các biện pháp chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán, trong đó có điều chỉnh quy định hàng ăn phải xét nghiệm cho khách áp dụng từ sau dịp nghỉ lễ 1-1 vừa qua.
Hải Dương vẫn có yêu cầu "lạ": chủ các khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh lưu trú, kinh doanh tiệc cưới; các nhà hàng, quán ăn, uống lớn có công suất phục vụ từ 50 người trở lên phải tổ chức test nhanh COVID-19 hoặc kiểm tra kết quả xét nghiệm PCR của khách hàng (trong thời hạn 72 giờ), kết quả âm tính mới được tham dự.
Hà Nội xét nghiệm sàng lọc ngoài cộng đồng cho người dân - Ảnh: NAM TRẦN
TP.HCM: Tạo điều kiện học tập tốt nhất "bù đắp" lại cho học sinh
Ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết TP.HCM cố gắng khôi phục lại môi trường học tập bình thường.
Hiện nay học sinh từ lớp 7 trở lên đã đi học trực tiếp song song với học trực tuyến. Còn với các khối lớp từ mầm non đến lớp 6, phó chủ tịch TP yêu cầu Sở Giáo dục và đào tạo TP xây dựng kế hoạch sẵn sàng cho các em trở lại trường sau Tết Nguyên đán với phương châm "an toàn thì mới mở".
TP sẽ duy trì cả hai hình thức học trực tiếp và trực tuyến để đảm bảo học sinh tiếp thu kiến thức, được giao tiếp xã hội nhưng vẫn đảm bảo an toàn.
Theo phó chủ tịch TP, thế hệ học sinh hiện nay đã chịu thiệt thòi trong suốt 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Do vậy, cần tạo điều kiện học tập tốt nhất để bù đắp lại cho các em trong thời gian tới.
Tiêm vắc xin mũi 2 Pfizer cho học sinh khối lớp 10 Trường THPT Trưng Vương, quận 1, TP.HCM sáng 23-11 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều di chứng hậu COVID-19, kể cả người bệnh nhẹ
Ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết Việt Nam và thế giới đang nghiên cứu những di chứng hậu COVID-19. Có những di chứng đã được ghi nhận, dù đã khỏi bệnh khá lâu nhưng khứu giác, vị giác không trở lại bình thường. Có những trường hợp nặng hơn là tổn thương phổi, nội tạng.
Những di chứng này vẫn còn đang được nghiên cứu nên trước mắt phải giữ gìn để không bị mắc COVID-19. Những di chứng, hậu quả của COVID-19 còn gây nhiều tranh cãi, cần thời gian nghiên cứu, phân tích. Do vậy, phương án tốt nhất hiện nay là cố gắng giữ để không ai bị mắc COVID-19.
Dịp này, 400 trẻ mồ côi tại TP.HCM do đại dịch COVID-19 gây ra đã được nhận học bổng trong chương trình "Đồng hành cùng trẻ mồ côi vượt đại dịch" với số tiền là 5 tỉ đồng trong 5 năm.
Học bổng sẽ hỗ trợ trẻ mồ côi những điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện học tập, sinh hoạt để các em ổn định cuộc sống, ổn định tâm lý, bớt gánh nặng với mưu sinh, xoa dịu nỗi đau mất người thân, mất chỗ dựa của các em.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Công điện về thần tốc tiêm vắc xin và đẩy mạnh các biện pháp phòng COVID-19
Trước các diễn biến mới của dịch COVID-19 tại Hà Nội và một số địa phương, nhất là nguy cơ bùng phát do biến chủng mới Omicron, để tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là vào dịp Tết Nhâm Dần, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành công điện số 28/CĐ-TTg ngày 11-1-2022 yêu cầu:
1. Thực hiện nghiêm, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch, nhất là biện pháp 5K và đặc biệt là nâng cao ý thức người dân bảo vệ sức khỏe cùng các biện pháp ứng phó với biến chủng mới Omicron, tuyệt đối không lơ là chủ quan, mất cảnh giác; tăng cường việc điều trị tại nhà theo hướng dẫn kỹ lưỡng, chặt chẽ của Bộ Y tế đối với người mắc COVID-19 nhẹ và không có triệu chứng.
Thần tốc hơn nữa chiến dịch tiêm vắc xin, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; tổ chức các tổ lưu động khẩn trương tiêm vét vắc xin ngay tại nhà cho những người không thể đến nơi tiêm tập trung.
Nếu không đủ lực lượng để tổ chức khám chữa bệnh COVID-19, tiêm chủng và y tế cơ sở để điều trị tại nhà thì báo cáo ngay cho cấp có thẩm quyền để điều động lực lượng hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời.
2. Bộ Y tế chịu trách nhiệm bảo đảm đủ vắc xin và thuốc cho điều trị COVID-19, tập trung chỉ đạo quyết liệt việc sản xuất, tự chủ vắc xin trong nước nhanh nhất có thể và bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả;
Hướng dẫn cụ thể về việc thần tốc hơn nữa tổ chức tiêm vắc xin và tăng cường điều trị tại nhà;
Tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tham khảo ý kiến các chuyên gia về việc tiêm mũi tăng cường;
Quyết liệt hơn nữa trong công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, cá thể hóa trách nhiệm để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm trong phòng, chống dịch COVID-19.
3. Bộ Y tế chủ trì cùng với Bộ Giáo dục và đào tạo, các cơ quan hữu quan khẩn trương nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, trong nước về việc triển khai nhập khẩu, tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em dưới 18 tuổi bảo đảm an toàn, kịp thời, khoa học, hiệu quả.
Nhân viên y tế phường 7, quận Phú Nhuận thăm khám và phát thuốc cho các trường hợp F0 cách ly tại nhà - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Hà Nội tối 11-1 thông tin trong 24 giờ qua ghi nhận 2.884 ca COVID-19 mới, trong đó có 718 ca trong cộng đồng. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp Hà Nội phát hiện hơn 2.700 ca/ngày. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đống Đa (156); Thanh Xuân (141); Hoài Đức (123); Đông Anh (101)… Số ca cộng dồn tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 76.674 ca.
Tính đến hết ngày 10-1, thành phố có hơn 48.500 F0 đang được điều trị và cách ly, trong đó có 38.685 người (chiếm gần 80%) đang điều trị tại nhà.
- Lạng Sơn đề nghị người xuất cảnh qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị sẽ được kiểm tra nghiêm ngặt giấy chứng nhận xét nghiệm PCR trong 48 giờ tại 8 cơ sở xét nghiệm do Đại sứ quán/Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Việt Nam chỉ định.
- Yên Bái vừa yêu cầu rà soát số lượng người về quê ăn Tết và thực hiện lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 1 và thứ 3 với tất cả người trở về địa phương này vào dịp Tết Nguyên đán 2022. Các huyện, thị xã chuẩn bị các điều kiện để thực hiện cách ly, điều trị F0 thể nhẹ tại nhà và triển khai trạm y tế lưu động. Từ ngày 27-11-2021 đến nay, tỉnh đã ghi nhận 861 ca bệnh, trong đó điều trị khỏi 483 ca.
- Ngày 11-1, Hải Dương có văn bản điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Nguyên đán, trong đó đáng chú ý là yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống không phục vụ quá 50% công suất, không quá 20 người trong cùng một phòng ở cùng một thời điểm và phải đóng cửa trước 21h hằng ngày.
Từ ngày 12-10-2021 đến 16h ngày 10-1-2022, Hải Dương ghi nhận 4.765 ca COVID-19. Hiện còn 2.005 ca đang được điều trị tại các cơ sở y tế; 17.905 ca đang cách ly.
- Hậu Giang những ngày gần đây ghi nhận từ hơn 200 đến gần 500 ca COVID-19 mới/ngày, trong đó chủ yếu là ca cộng đồng. Tính đến chiều 11-1, tổng số người được tiêm vắc xin COVID-19 là 604.171 người, đạt 99,60%. Toàn bộ 75/75 xã, phường, thị trấn của Hậu Giang đang ở cấp độ dịch 3.
- Kon Tum tạm dừng hoạt động các điểm khai báo y tế phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn từ 0h ngày 12-1. Đến sáng 11-1, Gia Lai đã ghi nhận 1.583 ca dương tính, trong đó trên 900 người khỏi bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận