Bệnh viện điều trị COVID-19 ở Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Trước tình hình này, ngành giáo dục và đào tạo TP vẫn đang tiếp tục nỗ lực thực hiện kế hoạch tổ chức dạy và học trực tiếp. Thông tin này được ông Trịnh Duy Trọng - trưởng phòng chính trị tư tưởng Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM - thông tin tại buổi họp báo chiều 28-2.
Đại diện ngành giáo dục - đào tạo TP mong muốn y tế địa phương tăng cường phối hợp để nâng cao công tác phòng chống dịch bệnh và xử lý kịp thời các trường hợp F0, F1 tại trường học.
Đồng thời, hy vọng các bậc phụ huynh cộng tác với nhà trường trong việc thực hiện những biện pháp đảm bảo sức khỏe cũng như đề ra phương pháp học tập phù hợp cho trẻ em, học sinh.
Đối với việc xác nhận âm tính cho học sinh là F0 đang cách ly điều trị tại nhà, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - đề nghị phụ huynh phải báo ngay trạm y tế địa phương khi trẻ nhiễm COVID-19 để được ghi nhận, theo dõi, giám sát xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế và xác nhận hoàn thành thời gian cách ly.
Sau khi có kết quả âm tính và có giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly, trẻ mới có thể trở lại trường học.
Cùng ngày, giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết sở đang đề xuất với UBND TP.HCM cho phép những học sinh là F1 đã tiêm đủ liều vắc xin COVID-19, sau 5 ngày cách ly tại nhà theo dõi sức khỏe có thể tự test nhanh tại nhà, nếu kết quả âm tính có thể quay lại trường học trực tiếp.
Riêng học sinh là F1 chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19, sau thời gian hoàn thành cách ly tại nhà để theo dõi sức khỏe trong 7 ngày. Vào ngày thứ 7 nếu có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính tại nhà có thể được trở lại trường học trực tiếp.
Nhân viên y tế lấy mẫu cho người dân phường 3, quận Bình Thạnh - Ảnh: DUYÊN PHAN
Người bệnh không nên tự ý mua thuốc kháng virus
Ông Phạm Đức Hải - phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM - cho biết hiện nay thuốc kháng virus Molnupiravir đã có tại các nhà thuốc nhưng việc bán thuốc chưa phù hợp với Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Theo điều 3 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỉ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
COVID-19 thuộc danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm A. Tuy nhiên, điều 48 của luật trên cũng quy định: người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí.
Trong khi chờ Bộ Y tế trả lời, ông Hải nêu rõ không phải ai là F0 cũng phải sử dụng gói thuốc B và C, do đó người bệnh cần khai báo cho trạm y tế để được quản lý, chăm sóc, theo dõi đúng theo quy định. Hiện TP vẫn còn 36.000 liều Molnupiravir miễn phí.
Đối với các nhà thuốc, ông đề nghị chờ hướng dẫn đầy đủ của Bộ Y tế rồi mới tiến hành phân phối thuốc phục vụ người dân.
Tiêm vắc xin Pfizer cho học sinh tại Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh, TP.HCM chiều 29-10 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
29 tỉnh thành có 1.000 - gần 13.000 ca mắc mới/ngày
Tuần trước, con số này mới là 25 tỉnh thành và tuần này đã tăng lên thành 29. Hà Nội là địa phương có số mắc mới cao nhất nước, ngày 28-2 đã vượt 12.000 ca mắc trong ngày, Quảng Ninh đứng thứ 2 với trên 9.000 ca.
Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, hiện còn trên 1,3 triệu F0 đang được theo dõi, điều trị, trong số này có trên 1,1 triệu ca theo dõi, điều trị tại nhà, trên 110.000 ca theo dõi, điều trị tại các bệnh viện, trong số này có 3.800 ca nặng (có 383 ca thở máy).
So với trung bình 7 ngày trước, số ca bệnh mới ngày 28-2 tăng 34,7%, số ca nặng tăng 13,8%. So sánh tuần này với tuần trước, số ca mắc mới tăng 93,4%, số tử vong tăng 27,9%, số đang điều trị tại bệnh viện tăng 15,1%, số ca nặng, nguy kịch tăng 9,3%.
Tình nguyện viên hướng dẫn chị Nhung (quận Đống Đa) sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Chị Nhung có thể gọi số điện thoại bác sĩ hoặc nhắn qua Zalo để được tư vấn hoặc cấp cứu kịp thời - Ảnh: HÀ QUÂN
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Trong 12.850 ca COVID-19 mới phát hiện ngày 28-2 ở Hà Nội có gần 4.300 ca cộng đồng. Có hơn 6.200 ca đang điều trị tại bệnh viện, trong đó có hơn 1.000 ca nặng, nguy kịch. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (994), Sóc Sơn (951), Hoàng Mai (788), Bắc Từ Liêm (721), Hoài Đức (702)... Hiện có gần 1.200 ca điều trị tại các cơ sở thu dung; có 6.260 ca phải nhập viện điều trị.
Trong các ca nhập viện điều trị, có 1.121 ca mức độ nhẹ, không triệu chứng; có gần 4.000 ca có triệu chứng, mức độ trung bình (tăng hơn 16% so với trung bình 7 ngày trước). Số ca nặng, nguy kịch là 1.027 ca, tăng gần 20%; trong số này có 871 ca thở oxy, 54 ca thở máy không xâm lấn, 37 ca thở máy xâm lấn... Hà Nội cũng ghi nhận 21 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong do COVID-19 đến nay lên 1.064 người.
- Hà Nam ngày 28-2 ghi nhận 925 ca COVID-19, trong đó có 885 F0 được phát hiện thông qua sàng lọc y tế. Đây là ngày Hà Nam ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới cao nhất từ trước đến nay. Từ ngày 19-9-2021 đến nay, Hà Nam phát hiện 10.909 ca COVID-19 qua sàng lọc tại các cơ sở y tế.
Việc triển khai xét nghiệm diện rộng, sàng lọc tại các cơ sở y tế nhằm đánh giá nguy cơ lây nhiễm để phát hiện sớm những trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng, không để dịch bùng phát và lây lan rộng. Đã có 10.179 trong số 14.409 bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hà Nam khỏi bệnh và ra viện. Trong ngày 28-2, Hà Nam cũng ghi nhận thêm 2 bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong.
- Bắc Ninh tăng cường nhân lực cho trạm y tế khi số ca mắc COVID-19 tăng cao. Ngày 28-2, tỉnh ghi nhận 3.572 ca COVID-19, trong đó có 2.946 ca cộng đồng. Như vậy, từ ngày 4-10-2021 đến nay, Bắc Ninh ghi nhận 77.487 ca COVID-19.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 14 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 1; 8 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 2; 95 xã, phường, thị trấn cấp độ 3. Riêng các xã Việt Đoàn, Đại Đồng, Cảnh Hưng, Hoàn Sơn (huyện Tiên Du); xã Văn Môn, Yên Phụ, Yên Trung (huyện Yên Phong) và hai xã Đào Viên, Việt Hùng (huyện Quế Võ) ở cấp độ 4.
Test COVID-19 ở Sơn Trà, Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
- Những ngày vừa qua, số ca mắc COVID-19 ở Đà Nẵng tăng cao với 200 ca nặng hiện nay gây ra tình trạng quá tải tại bệnh viện dã chiến. Số lượng học sinh đến trường giảm so với ngày đầu tiên đi học lại. Các cấp học xuất hiện nhiều ca dương tính, trong đó có cả giáo viên, học sinh nên việc tổ chức học lại gặp nhiều khó khăn. Một số trường đã chuyển sang dạy học trực tuyến.
Đà Nẵng linh hoạt giao quyền quyết định cho các hiệu trưởng các trường học (khối THCS, tiểu học) có quyền chuyển đổi hình thức dạy trực tiếp sang trực tuyến nhằm đảm bảo sức khỏe cho giáo viên, học sinh.
Đại diện ngành y tế Đà Nẵng nhận định trong những ngày tới, số ca mắc COVID-19 sẽ tăng lên. Hiện nay, xuất hiện nhiều ca COVID-19 không khai báo, dẫn đến việc khó quản lý trong cộng đồng, nhân viên y tế cũng mắc COVID-19 tăng sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị F0 tại nhà và kế hoạch tiêm chủng mũi 3. Yêu cầu thu dung, điều trị F0 tại các bệnh viện tách đôi, bệnh viện chuyên khoa, tư nhân để giảm tải cho bệnh viện dã chiến.
Tính từ 13h ngày 27-2 đến 13 giờ 28-2, Đà Nẵng ghi nhận 1.128 ca mắc, trong đó có 928 ca cộng đồng. Hiện thành phố đang điều trị 1.838 bệnh nhân (trong đó có 268 ca nặng) tại cơ sở y tế, 45.784 bệnh nhân điều trị tại nhà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận