Có thể thấy kết quả này khá phù hợp với tình hình thực tế vừa qua, khi ít có các vụ việc nổi cộm có thể có những tác động ảnh hưởng lớn đến người được lấy phiếu tín nhiệm.
Việc lấy phiếu tín nhiệm không phải là mới mẻ, từng có 3 lần lấy phiếu tín nhiệm vào các năm 2018, 2014 và 2013. Đây là bước tiến đáng kể trong công tác xây dựng và củng cố bộ máy nhà nước.
Ý nghĩa lấy phiếu tín nhiệm là giúp cán bộ thấy được mức độ làm việc của mình được đánh giá qua các đại diện của dân.
Phải phấn đấu rèn luyện để vươn lên nếu có thiếu sót, nếu tốt rồi thì cần phát huy hơn nữa. Điểm quan trọng nhất là đánh giá năng lực, làm cơ sở để quy hoạch cũng như xử lý các trường hợp yếu kém, không đủ phẩm chất.
Những ý nghĩa nêu trên đòi hỏi việc lấy phiếu tín nhiệm phải được tiến hành một cách công tâm, có cái nhìn toàn diện, thấu đáo. Đây là điều mà lãnh đạo Quốc hội luôn nhắc nhở và cũng là yêu cầu của cử tri cả nước.
Tuy nhiên, theo như bà Trương Thị Mai - thường trực Ban Bí thư, trưởng Ban Tổ chức Trung ương - từng tổng kết các đợt lấy phiếu tín nhiệm lần trước cho thấy vẫn còn dấu hiệu nể nang, dĩ hòa vi quý, tinh thần phê và tự phê bình chưa cao, có biểu hiện lợi ích nhóm, thậm chí có người đạt phiếu tín nhiệm cao nhưng một thời ngắn sau lại bị kỷ luật. Kỳ vọng đợt lấy phiếu tín nhiệm lần này không còn những hạn chế đó nữa.
Không chỉ bà Trương Thị Mai, nhiều cử tri cũng có ý kiến tương tự. Nhiều cử tri nhận xét trên thực tế những người thuộc các ngành "chẳng động tới ai", ít liên quan đời sống dân sinh thì khả năng được tín nhiệm cao.
Trong khi đó, người năng nổ, không sợ đụng chạm hoặc cầm trịch các lĩnh vực "nóng", liên quan các nhu cầu sát sườn của dân thì có khả năng bị tín nhiệm thấp.
Cử tri còn cho rằng có cán bộ không dám nghĩ dám làm hoặc xử lý kém nhanh nhạy đối với những tình huống bất thường xảy ra nhưng vẫn qua được cuộc "sát hạch" lấy phiếu. Điều này vẫn thường thấy ở các cuộc lấy phiếu tín nhiệm cấp cơ sở.
Cử tri luôn mong mỏi không diễn ra tình trạng như vậy; lấy phiếu tín nhiệm phải hiệu quả, thực chất, tránh hình thức, tất cả những người ở "cung bậc" nào đều đúng với "cung bậc" ấy.
Trong việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm vừa qua, tuy không có ai nhiều phiếu tín nhiệm thấp tới mức phải từ chức hay miễn nhiệm nhưng vẫn có những người được cho là nằm "cuối bảng phong thần".
Buồn thì tất nhiên rồi, cốt yếu là phải tự kiểm điểm lại bản thân, khắc phục ngay hạn chế. Cần phải xem kết quả lấy phiếu tín nhiệm không phải chỉ là "tài liệu tham khảo", "xong rồi bỏ đó", mà đó là cơ chế để giám sát và cơ sở đánh giá cán bộ lãnh đạo, không "đủ tâm, đủ tầm" thì lập tức bị thải khỏi "cuộc chơi".
Những người cuối "bảng phong thần" phải nghiêm túc tìm cách làm tốt hơn và khắc phục hạn chế, tránh lần tới tiếp tục "đội sổ".
Cần cán bộ đủ đức và đủ tài là nhu cầu có thực của nhân dân. Có lẽ kỳ vọng lớn nhất của cử tri là đợt lấy phiếu tín nhiệm lần này sẽ tạo được sức lan tỏa tinh thần trách nhiệm, chấm dứt tình trạng né trách nhiệm, sợ trách nhiệm, thúc đẩy việc "xắn tay áo" thực hiện các chính sách hiệu quả trong thời điểm tình hình có nhiều khó khăn, góp phần đưa đất nước vượt qua các thách thức.
Qua đó phát huy năng lực, biểu dương cống hiến, đồng thời chế tài, hạn chế những cán bộ không làm tròn chức trách. Đây là yêu cầu của cử tri không chỉ với các đợt lấy phiếu tín nhiệm ở cấp Quốc hội mà còn ở cả các cấp cơ sở.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận