Ảnh: thetyee.ca TTCT - Trong mùa dịch này, chắc ai cũng đã đọc các bài đăng theo kiểu “Hành động ngay, không khéo thì chết”, “COVID-19 thực ra chỉ như bệnh cảm thôi”, “hạ thấp tỉ lệ nhiễm bệnh xuống ngưỡng cho phép là ảo tưởng có thể gây chết người (cách duy nhất để cứu nguy thế giới)”… Các status có nội dung đại khái thế này thường đi cùng đủ loại số liệu, lời trích, biểu đồ có vẻ dựa trên khoa học thống kê. Tương tự, nhiều loại bài, post đã xuất hiện do bình luận viên nghiệp dư viết hoặc là người nổi tiếng, hoặc chỉ là người bình thường cảm thấy mình tự nhiên nhiều sáng kiến. Loại bài này thường nói lại những tin đồn vớ vẩn đã bị bác bỏ như “COVID-19 là âm mưu của Trung Quốc muốn thống trị thế giới”, “quân đội Mỹ đã âm thầm thải COVID-19 ở Vũ Hán” và “muốn tự bảo vệ khỏi COVID-19 thì chỉ cần cầu nguyện, uống 20 viên tinh dầu thông đỏ, nhào lộn 100 lần mỗi ngày, ăn trứng luộc”… Tất cả bình luận kiểu này là dấu hiệu của DKE-19, một căn bệnh dễ truyền nhiễm có thể làm suy yếu chiến dịch ứng phó với đại dịch. Mỗi chúng ta cần phải hành động ngay hôm nay để giúp hạ thấp tỉ lệ nhà dịch tễ học lang vườn và số bài bình luận lá cải, nếu không thì có thể khiến mọi người lâm nguy. DKE-19 DKE (Dunning-Kruger Effect, tức hiệu ứng Dunning-Kruger) là trạng thái tâm lý trong đó con người thiếu hiểu biết về sự thiếu hiểu biết của bản thân, tức không biết là mình không biết, hay giống một khái niệm triết học châu Á: “sự vô minh”. Mặc dù một số dòng virus DKE thường lưu hành theo mùa, một số dòng đột biến rất độc hại như DKE-19 có vẻ đang bùng phát và có nguy cơ trở thành đại dịch. Đọc xong bài này, bạn sẽ hiểu rõ: (a) DKE-19 có thể đến với bạn ngay hôm nay. (b) DKE-19 đến nhanh theo cấp số nhân, nó bắt đầu từ từ, sau đó phát triển nhanh chóng, nhanh như chớp và “chết rồi, chắc tuần sau Việt Nam toàn là “corona zombie” chảy nước dãi chạy lung tung khắp nơi”. (c) Khi DKE-19 tới, bảng tin mạng xã hội của bạn sẽ bị tin đồn nhảm và số liệu giả - bài phân tích dỏm đầy nghẹt. (d) Nhân viên y tế sẽ bật khóc. Nhà báo nghiêm túc có thói quen lành mạnh là kiểm tra mọi sự việc diễn ra trước khi viết bài có thể sẽ kiệt sức. (e) Chỉ có cách duy nhất để đề phòng là giữ khoảng cách trên mạng xã hội. Không phải ngày mai, mà ngay hôm nay. (f) Chuyện này có nghĩa là phải xem xét lại nguồn thông tin trước khi bạn chia sẻ bài về COVID-19, bắt đầu từ bây giờ. Câu cửa miệng của bạn từ nay phải là “Suy nghĩ, kiểm tra, rồi mới đăng lên” hoặc nôm na là “dùng não”, rồi mới “bấm share”. Triệu chứng và lây lan Triệu chứng DKE-19 thường xuất hiện 3-5 ngày sau khi người ta phát hiện “dịch tễ học” không phải lĩnh vực nghiên cứu về những bản dịch văn chương quá kém. Nó cũng có thể xuất hiện ở một số người chợt nhớ lại toán cấp 2 và vì nhận ra đồ thị hàm số y = x2 nên tưởng mình cũng là Ngô Bảo Châu. Các triệu chứng khác nhau tùy từng bệnh nhân, nhưng người bị thường có xu hướng nhận xét cực đoan, bịa ra biểu đồ mới bằng Photoshop hoặc bình luận vớ vẩn và liên tục về số người bệnh COVID-19, kiểu: “Wow! Ý mới vượt qua Trung Quốc trên danh sách số người nhiễm”, “Việt Nam đã tụt hạng thứ 86 nè, hay quá”… Mặc dù nhiều bệnh nhân DKE-19 chỉ bị nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng, vụ bùng phát dịch DKE-19 gần đây chỉ ra người bị nặng chủ yếu là những người dành hơn 45 phút/ngày để lang thang trên Facebook. Những người này khả năng cao không phải nhà khoa học hay nhân viên - công chức y tế gì ráo. DKE-19 là virus đồng loại với đống bài phân tích tài chính hạng bét từng gây ra bong bóng tiền điện tử năm 2018, hay hàng chục ngàn post dự đoán sự suy đồi của nền văn hóa Việt Nam sau khi Ngọc Trinh dự buổi tiệc mặc đầm ít vải. Bệnh truyền từ người sang người bằng nhiều cách khác nhau. Có người lây qua nghe và nói lại chuyện tào lao, có người dùng chung “kim tiêm” tài khoản Facebook tin giả, cũng có người lây bệnh vì định đùa vui nhưng rồi quá đà. Virus này thường xuất hiện trong những nguồn tin nửa thật nửa giả, vì vậy mà phát hiện thật khó. DKE-19 cũng có thể lẩn khuất trong các trang có chủ đích xấu trên mạng hoặc trong báo lá cải bị mốc. Rối loạn thần kinh liên quan đến DKE-19 có nhiều dấu hiệu khác nhau: một số người thì mặc áo mưa hay quần áo bảo hộ để đi siêu thị, một số khác thì tắm gội bằng cồn sau khi nhìn thấy kẻ khác không đeo khẩu trang qua cửa sổ. Lệnh cách ly xã hội được ban bố gần đây nhằm mục đích ngăn chặn COVID-19 có hậu quả là nhiều người thường ngày có nhiều công việc phải lo bỗng dưng có nhiều thời gian hơn để làm anh hùng bàn phím. Với tư cách là nhà khoa học tự phong, tôi cứ cho rằng số lượng bài post tào lao có khả năng còn tăng nhanh hơn chớp, nên mọi người tốt nhất phải rất đề phòng.■ Vài điều bạn có thể làm ngay để giúp hạ thấp tỉ lệ tin tức nhảm nhí trong mức cho phép: - Giữ “khoảng cách mạng xã hội” ít nhất 2m. Tạm ẩn hay bỏ theo dõi bạn bè nào mải miết “nghiền ngẫm” những chuyện hoang tin, thích bình phẩm về “miễn dịch bầy đàn” cứ như chuyên gia dịch tễ, hoặc đăng bài về việc sản xuất văcxin bằng trứng luộc. - Thử phản biện nguồn tin bạn đang đọc: Tác giả của bài viết hay biểu đồ trước mặt là người mẫu, nghệ sĩ hài hay nhà bình luận ngồi không trong mùa dịch? Người đó có kiến thức chuyên môn không mà nóng lòng muốn cho người ta biết ý kiến về một tình trạng y tế phức tạp đang diễn biến nhanh chóng? Nếu câu trả lời là có hết, khả năng cao bạn sắp nhiễm DKE-19 rồi đó! Tags: COVID-19Tin nhảmTin nhảm mùa dịchTình trạng khẩn cấp y tế
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Tin tức sáng 22-11: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu TUỔI TRẺ ONLINE 22/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu; Quốc hội thảo luận 2 dự luật thuế quan trọng; Năm 2025, ngành y tế TP.HCM ưu tiên nâng cấp và xây mới ba bệnh viện xuống cấp...