Phóng to |
Dịp giỗ Tổ, chỉ trong mười ngày đền Hùng đón hàng triệu lượt khách hành hương - Ảnh: Quốc Hội |
Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã thông qua quyết định này với số phiếu tuyệt đối 24/24 tại Paris (Pháp).
Từ Paris, TS Lê Thị Minh Lý (ủy viên Hội đồng di sản quốc gia) cho biết: "Những hồ sơ được ghi danh phải đáp ứng đủ các tiêu chí của UNESCO về sự nhận dạng di sản, về chức năng xã hội và ý nghĩa của di sản; việc đáp ứng mục tiêu bảo vệ di sản của công ước; vai trò của cộng đồng và nhà nước trong chương trình hành động bảo vệ di sản; sự cam kết của cộng đồng; các điều kiện chuyên môn liên quan đến bảo vệ di sản. Như mọi lần, Việt Nam may mắn vì hồ sơ đã được đánh giá tốt". |
Ngay sau khi chủ tịch kỳ họp Arley Gill, người Grenada, gõ búa thông qua hồ sơ của Việt Nam, nhiều đoàn đại biểu quốc tế đã đến chúc mừng và chia sẻ niềm vui với đoàn Việt Nam.
Không giấu được sự xúc động, đại sứ Dương Văn Quảng, trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, cho biết đây là một tin vui, một vinh dự đối với nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân tỉnh Phú Thọ nói riêng. Niềm vui này đối với tỉnh Phú Thọ còn tăng lên gấp đôi, bởi năm ngoái hồ sơ hát xoan của tỉnh này cũng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Việc "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" được UNESCO công nhận cho thấy thế giới thừa nhận và đánh giá rất cao đời sống tâm linh của người Việt Nam từ hàng nghìn năm nay. Theo đại sứ Dương Văn Quảng, trong bối cảnh hội nhập văn hóa, đa dạng văn hóa, việc "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" được công nhận chứng tỏ sức sống của văn hóa Việt Nam gắn với dòng chảy văn hóa hội nhập với thế giới.
Ông Hoàng Dân Mạc - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ chia sẻ: "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" thể hiện nền tảng tinh thần đại đoàn kết dân tộc và gắn kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam, luôn vượt qua khó khăn, thách thức trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, chống giặc ngoại xâm".
Ông cho biết để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của di sản này, Phú Thọ sẽ có rất nhiều việc phải làm, trước mắt là bắt tay ngay vào soạn thảo một chương trình hành động với nhiều nội dung, trong đó có việc trùng tu tôn tạo, gắn di sản văn hóa phi vật thể với di sản văn hóa vật thể tại đền thờ vua Hùng.
GS Ngô Đức Thịnh khẳng định với Tuổi Trẻ: "Tín ngưỡng thờ Hùng Vương khác với những di sản đã được công nhận trước đó. Tính độc đáo của tín ngưỡng này thể hiện rất rõ ở yếu tố thờ Hùng Vương chính là thờ Quốc tổ. Đây là hiện tượng không phải dân tộc nào cũng có. Trải qua thời kỳ lịch sử hết sức lâu dài, chúng ta đã xây dựng được một biểu tượng, cố kết cộng đồng dân tộc tạo nên sức mạnh hết sức to lớn trong quá trình lịch sử. Nền tảng của việc thờ Quốc tổ chính là tục thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam có từ xa xưa, từ đó phát triển thành việc thờ Quốc tổ của toàn dân tộc. Chúng tôi cố gắng nói rõ được ý nghĩa của biểu tượng Hùng Vương trong tiến trình phát triển hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Bởi hiện nay hiếm có dân tộc nào thờ quốc tổ như ở Việt Nam".
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương gắn liền với lễ hội đền Hùng được tổ chức vào ngày 10-3 âm lịch tại Phú Thọ. Ngày nay, đền Hùng được xây dựng tại nhiều nơi trong và ngoài nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận