Tin học vỡ lòng làm khó “thế hệ tìm kiếm”

HOA KIM 03/11/2021 17:10 GMT+7

TTCT - Những khái niệm tưởng chừng là A-B-C của môn tin học lại đang dần trở nên lạ lẫm với thế hệ Z, những người được tiếp cận công nghệ theo cách hoàn toàn khác với cha mẹ hoặc anh chị mình.

 
 Minh họa: Holly Gibbs/Medium

Catherine Garland bắt đầu nhận ra điều bất thường vào năm 2017 trong lúc hướng dẫn các sinh viên sử dụng phần mềm dựng mô hình tuabin cho động cơ phản lực. Dù đã giải thích yêu cầu của bài tập rất rõ ràng, Garland thấy lạ khi hết sinh viên này đến sinh viên khác gọi cho cô than phiền về cùng một lỗi: phần mềm không tìm thấy tập tin của họ.

Điều làm cô ngạc nhiên hơn là vẻ hoang mang của các sinh viên khi cô hỏi họ đã lưu bài làm ở đâu trên máy. Kinh ngạc hơn, sau này Garland nhận ra, sinh viên không những không biết mình đã lưu bài ở đâu, mà họ thậm chí còn không hiểu cô đang hỏi gì.

Cấu trúc thư mục: đã lỗi thời?

Dần dà, như nhiều đồng nghiệp trong ngành giáo dục cũng đã “ngộ” ra, Garland đi đến kết luận mà ban đầu cô không dám tin là sự thật: khái niệm tập tin (file) và thư mục (folder) - những thứ mà đối với thế hệ đi trước là bài học vỡ lòng khi được dạy về máy tính - hoàn toàn vô nghĩa với nhiều sinh viên hiện đại thuộc thế hệ Z (9 - 24 tuổi).

2017 cũng là thời điểm các diễn đàn giáo dục STEM bắt đầu tràn ngập lời kêu cứu đến từ các giáo viên “bất lực” trong việc giải thích khái niệm tập tin và thư mục cho học trò của mình, theo trang The Verge. Bất kỳ người nào học cách sử dụng máy tính qua những phiên bản đầu tiên của hệ điều hành Windows đều biết cấu trúc thư mục như một chiếc tủ đựng hồ sơ, mà mỗi ngăn kéo có thể dẫn đến nhiều ngăn kéo khác. Cách tổ chức này cũng mang tính trực quan: một tài liệu cần được lưu giữ ở đâu đó và khi cần lấy nó thì phải biết nó nằm ở ngăn kéo/thư mục nào để tìm đến chính xác.

Vấn đề là, trong hình dung của các sinh viên Gen Z mà Garland tiếp xúc, dường như ổ cứng máy tính không phải là chiếc tủ có nhiều ngăn kéo mà là “một chiếc rổ duy nhất nơi mọi thứ được quẳng vào”. Joshua Drossman, sinh viên năm cuối Đại học Princeton (Mỹ), đồng ý với cách ví von này. “Dễ hình dung nhất là một chiếc giỏ đựng quần áo, nơi mọi thứ được để cùng nhau và bạn có thể rút ra những thứ mình cần bất cứ lúc nào” - Drossman giải thích.

Là một sinh viên kỹ thuật, Drossman dĩ nhiên chẳng lạ gì với cấu trúc thư mục. Nhưng khi tham gia một dự án nghiên cứu kéo dài 9 tháng mới đây, Drossman không còn cố gắng sắp xếp theo thư mục vì “số lượng file nhiều đến nỗi chúng trở thành một mớ bòng bong”. Tốt hơn là làm theo lối cũ: quẳng tất cả tập tin vào chung một thư mục lớn duy nhất.

Peter Plavchan, phó giáo sư vật lý và thiên văn tại Đại học George Mason (Mỹ), không giấu vẻ khó chịu vì thói quen này của các sinh viên. “Tôi là một người ám ảnh bởi việc sắp xếp mọi thứ, còn sinh viên thì không gặp vấn đề gì khi chứa 1.000 tập tin trong cùng một thư mục” - Plavchan nói với The Verge.

Aubrey Vogel bất lực khi cố tập cách sử dụng thư mục máy tính giống như thế hệ đi trước. Dù từ nhỏ đã được ông mình dạy cách lưu tập tin vào các thư mục khác nhau, Vogel cảm thấy thoải mái hơn khi gom lại còn 2 thư mục lớn cho tất cả mọi thứ: một dành cho việc học và cái còn lại dành cho công việc; những tài liệu chưa biết để vào đâu sẽ được quẳng vào một thư mục tạm để sắp xếp sau. “Tôi cũng muốn và đã cố gắng để sắp xếp chúng một cách ngăn nắp, nhưng rốt cuộc kết quả vẫn chỉ là một mớ lộn xộn” - Vogel nói. 

Thế hệ tìm kiếm

Tại sao lại có sự thay đổi này trong suy nghĩ của 2 thế hệ? Về phần mình, Drossman không chắc anh có câu trả lời thỏa đáng. “Tôi thậm chí còn không nghĩ về chúng (tập tin và thư mục) khi bắt đầu sử dụng máy tính lần đầu tiên” - anh nói.

Có thể lối ví von với tủ đựng hồ sơ mà nhiều giáo viên dùng để giải thích về cấu trúc thư mục máy tính đã không còn trực quan như họ nghĩ khi Gen Z lớn lên cùng những dịch vụ lưu trữ tài liệu trực tuyến như Dropbox, Google Drive hay OneDrive thay thế cho các tủ hồ sơ vật lý. Cũng có thể là do Gen Z được tiếp xúc với điện thoại thông minh và máy tính bảng trước cả khi họ biết sử dụng máy tính. Các ứng dụng phổ biến trong giới trẻ như Instagram, TikTok, Facebook và YouTube đều có cơ chế phân phối nội dung theo kiểu gợi ý sẵn. Việc tự lần mò trong mê cung cây thư mục chỉ để tìm đến thứ mình cần, vì thế không còn là bản năng của thế hệ này. “Khi tôi lướt Snapchat hay Twitter, các nội dung không tuân theo một trật tự cụ thể nào, nhưng tôi luôn biết chính xác vị trí mọi thứ” - Aubrey Vogel, sinh viên chuyên ngành báo chí Đại học Texas A&M (Mỹ), đưa ra ví dụ.

Một giải thích khả dĩ khác là trong thời đại mà mọi giao diện người dùng đều được tích hợp chức năng tìm kiếm chính xác và nhanh nhạy, người trẻ chưa bao giờ cảm thấy cần phải ghi nhớ các cây thư mục dài ngoằng để tìm đến một tập tin. Khi chiếc iPhone đầu tiên ra mắt, các sinh viên đại học ngày nay mới chỉ là học sinh tiểu học, và tuổi đời của họ cũng ngang ngửa thời gian Google tồn tại. Gen Z là thế hệ lớn lên cùng Google và không thể hình dung một thế giới không có công cụ tìm kiếm.

“Tôi lớn lên vào lúc mà nếu bạn có một tập tin, bạn phải học cách lưu nó và biết nó đã được lưu ở đâu. Hồi đó làm gì có chức năng tìm kiếm” - cô Saavik Ford, giáo sư Trường cao đẳng Cộng đồng Borough, Manhattan, nhớ lại. Còn với các sinh viên của Ford, khái niệm về một nơi chứa các tập tin là vô cùng mơ hồ. “Họ chỉ cần gõ vào thanh tìm kiếm là chúng xuất hiện” - Ford giải thích.

Theo Plavchan, tư duy mới mẻ của Gen Z tuân theo quy luật phát triển tự nhiên của công nghệ và không phải là điều quá đáng lo ngại. Và thời nào mà chẳng có khoảng cách thế hệ: thời Plavchan học đại học, một vị giáo sư đã cực kỳ sửng sốt và không hiểu vì sao các sinh viên của mình lại không biết cách hàn một con chip trên bo mạch chủ!

 
 Cách thành viên "thế hệ tìm kiếm" lưu trữ tập tin trên máy tính. Ảnh: boingboing.net

Gen Z có “mù” công nghệ?

Một nghiên cứu quốc tế năm 2018 về “năng lực sử dụng công nghệ thông tin và máy tính một cách hiệu quả” của học sinh lớp 8 kết luận chỉ 2% các học sinh được khảo sát đạt trình độ thành thạo tin học cao nhất theo thang đo của nhóm nghiên cứu.

Nhưng điều này không có nghĩa là kỹ năng tin học của Gen Z yếu kém, mà đúng hơn là thế hệ này đang lãnh hội những kỹ năng rất khác so với hình dung của thế hệ trước về thế nào là “rành” công nghệ. Một giảng viên đại học dù là chuyên gia về sắp xếp thư mục vẫn không thể hiểu cách “chơi Instagram” như các sinh viên của mình. “Bọn trẻ sử dụng máy tính theo cách này, còn thế hệ chúng tôi lại sử dụng máy tính theo cách khác. Đó là nguồn gốc của vấn đề” - Nicolás Guarín-Zapata, giảng viên môn vật lý ứng dụng tại Đại học EAFIT (Colombia), nói với The Verge.

Trên thực tế, những bài giảng tin học vỡ lòng ở các cấp nhỏ đang dần bị thay thế bằng những tiết học về “các kỹ năng của thế kỷ 21” cần thiết hơn cho thế hệ chưa biết thế giới không có Internet là thế nào. Vì thế mà nhiều giảng viên đại học đã bắt đầu lồng ghép tin học vỡ lòng vào đề cương môn học để giúp các sinh viên STEM không bị bỡ ngỡ trong quá trình làm quen với các phần mềm chuyên dụng. “Tôi bắt đầu [mỗi học kỳ] bằng một bài giảng ngắn về bộ nhớ, ổ cứng máy tính, giao diện người dùng và cấu trúc thư mục” - Guarin-Zapata nói. Lincoln Colling, giảng viên khoa tâm lý Đại học Sussex (Anh), cũng dành 2 tiếng mỗi khóa chỉ để giải thích cấu trúc thư mục. Để sinh viên dễ hiểu, ông tìm đủ cách liên hệ với thực tế cuộc sống, ví dụ như giao bài tập yêu cầu sinh viên tưởng tượng mình đang chỉ đường cho người lạ để họ tìm đến tập tin mong muốn.

Nhưng ngay cả việc giải thích cho sinh viên hiểu cũng không mấy dễ dàng. “Lứa chúng ta biết tập tin là gì, nhưng để giải thích cho người khác hiểu thì đúng là bó tay” - một giáo viên than thở trên một diễn đàn giáo dục và nhận được nhiều bình luận đồng tình từ những người đồng cảnh ngộ. Ford đã phải tìm đến sự trợ giúp của cộng đồng Twitter để giúp cô tìm ra phép so sánh dễ hiểu cho cây thư mục. Thú vị nhất trong số các phản hồi là lời gợi ý: “Cứ tịch thu điện thoại và cho chúng ngồi vào máy tính chạy Windows 98 là hiểu ngay ấy mà”.

Một số người khác như Garland thì lại tin rằng chính các giảng viên mới là người cần thay đổi cách suy nghĩ, và mô hình “giỏ đồ chung” mới là cách tốt hơn để nghĩ về việc lưu trữ trên máy tính hiện nay. Bản thân Garland cũng đã chuyển sang sử dụng chức năng tìm kiếm của máy tính để tìm mọi thứ, từ thời gian biểu công việc cho đến các tài liệu mà cô chẳng thể nào nhớ mình đã lưu ở đâu trong mớ thư mục như ma trận. “Tôi cảm thấy đống thư mục con này thật vô dụng” - cô nói.

Plavchan thì tin rằng các bài giảng về cấu trúc thư mục mà ông đang dạy sinh viên sẽ sớm trở nên không cần thiết. “Thế hệ sinh viên này rồi sẽ lớn lên và trở thành giáo sư. Họ sẽ viết ra những công cụ của riêng mình dựa trên một cách tiếp cận hoàn toàn khác với những gì chúng ta sử dụng ngày nay” - ông giải thích.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận