Việc ông Tập sẽ giúp hòa giải xung đột ở Ukraine như thế nào thì còn phải chờ xem, nhưng một điều có thể chắc chắn từ cuộc điện đàm này là Trung Quốc đang muốn thể hiện vai trò lớn hơn trong một trật tự thế giới mà Bắc Kinh đang cố gắng định hình lại.
Quyết định sau 14 tháng
Lần gần nhất mà hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Ukraine điện đàm đã hơn 16 tháng trước khi hai ông trao đổi thông điệp chúc mừng dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương ngày 4-1-2022, tức vài tuần trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.
Cuộc điện đàm ngày 26-4 được nhiều bên mong đợi vì Trung Quốc vẫn chưa có cuộc tiếp xúc hay trao đổi nào với Ukraine kể từ khi bắt đầu xung đột, trong khi các quan chức của Bắc Kinh liên tục có các cuộc gặp mặt lãnh đạo cấp cao với chính quyền của Tổng thống Nga Putin.
Xét về vị thế, Trung Quốc có nhiều điều kiện để được coi là quốc gia duy nhất có đủ ảnh hưởng lớn với cả Ukraine và Nga để giúp đàm phán chấm dứt xung đột. Năm 2019, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine và là nhà nhập khẩu lúa mạch, bắp và quặng sắt hàng đầu của nước này.
Trong khi đó, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong 13 năm liên tiếp. Bắc Kinh là huyết mạch kinh tế quan trọng của Matxcơva để chống lại các biện pháp trừng phạt của phương Tây, bằng cách tăng cường nhập dầu mỏ từ Nga. Thương mại giữa hai nước đã tăng gần 40% trong quý đầu tiên của năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, tức khi cuộc chiến mới xảy ra.
Với những lợi thế như vậy nhưng việc Trung Quốc quyết định trở thành trung gian hòa giải sau khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra 14 tháng là một điều đã được tính toán kỹ lưỡng. Cuộc điện đàm cũng hé lộ một số quan điểm trung gian của Trung Quốc.
Trước hết, Trung Quốc không muốn vai trò hòa giải của mình gây tổn hại cho quan hệ song phương Trung - Nga. Kể từ khi "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga diễn ra tới nay, Trung Quốc luôn tuyên bố mình trung lập trong cuộc chiến và kiềm chế chỉ trích "hoạt động quân sự"của Nga ở Ukraine.
Điều này tiếp tục được thể hiện rõ trong bản thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về cuộc điện đàm, không hề nhắc tới "Nga" hay "chiến tranh".
Trung Quốc và vị thế "nhà hòa giải"
Một điểm nữa có thể thấy là Trung Quốc đang muốn định vị mình là một nhà hòa giải hòa bình của toàn cầu. Được khích lệ sau khi dàn xếp thành công thỏa thuận gần đây giữa hai quốc gia đối nghịch ở Trung Đông là Iran và Saudi Arabia, và đang để mắt đến việc đóng một vai trò giữa Israel và Palestine, Trung Quốc muốn tạo vị thế sang khu vực truyền thống của Mỹ và châu Âu.
Đây cũng là một phần của "Chiến lược an ninh toàn cầu" mới của ông Tập Cận Bình khi muốn hướng dẫn các nước thứ ba rời khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây bất cứ khi nào có thể.
Thứ nữa, Trung Quốc muốn "ghi điểm" với châu Âu bằng cách nhen nhóm hy vọng về cơ hội hòa bình ở lục địa già đối với các nước tại đây. Cuộc điện đàm được coi là nỗ lực nhằm hàn gắn quan hệ của Trung Quốc với châu Âu. Đã từ lâu Trung Quốc coi châu Âu với nhiều quốc gia có lợi ích khác nhau là một mắt xích có thể khai thác nhằm làm lung lay trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo.
Xuyên suốt diễn ngôn của cuộc điện đàm có thể thấy Trung Quốc đang muốn chủ động bảo vệ lợi ích của mình thông qua vai trò trung gian hòa giải. Mặc dù ông Tập nói về "hòa bình lâu dài", "đối thoại" và "tôn trọng chủ quyền", nhưng cách mà ông Tập thể hiện cho thấy Trung Quốc đang cố gắng định hình lại trật tự quốc tế mà ở đó Trung Quốc phải giữ một vai trò to lớn hơn và chống lại sự thống trị toàn cầu của Mỹ và các quốc gia đồng minh.
Đặc phái viên của Trung Quốc sẽ tới Ukraine là ai?
Đại diện đặc biệt của Chính phủ Trung Quốc phụ trách các vấn đề Á - Âu sẽ được cử đến Ukraine và "các nước khác để tiến hành trao đổi sâu sắc với tất cả các bên về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine". Đó là ông Lý Huy, người từng làm đại sứ Trung Quốc tại Nga từ năm 2009 - 2019.
Ông cũng từng được Tổng thống Nga Putin trao tặng "Huân chương Hữu nghị" vào năm 2019.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận