Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Moon Jae In tại Phủ tổng thống ở Seoul - Ảnh: REUTERS
Kết thúc chuyến thăm chính thức Hàn Quốc kết hợp dự thượng đỉnh ASEAN - Hàn Quốc từ 24 đến 28-11 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hàng loạt thông tin khả quan trong mối quan hệ song phương Việt - Hàn xuất hiện.
Điểm sáng đầu tư
Hãng thông tấn Yonhap ngày 28-11 cho biết Bộ trưởng Tài chính Hong Nam Ki khẳng định sẽ ủng hộ các dự án hợp tác tư nhân với Việt Nam. Đây được xem là tín hiệu mới nhất về việc thúc đẩy mối quan hệ song phương Việt - Hàn.
Trong tháng 7, Hàn Quốc đã mở một trung tâm hợp tác tại Hà Nội với mục đích trợ giúp các công ty Hàn Quốc tham gia những dự án hạ tầng lớn ở Việt Nam, bao gồm dự án sân bay.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Hàn - Việt trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Phúc, ông Hong Nam Ki cho rằng Hàn Quốc và Việt Nam "cần nâng cấp quan hệ hợp tác", gọi Việt Nam là một đối tác then chốt của Hàn Quốc trong bối cảnh Seoul muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế với ASEAN.
Trong chiến lược của mình, gồm chính sách hướng nam mới của Tổng thống Moon, Hàn Quốc muốn giảm lệ thuộc vào các thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc bằng cách đa dạng hóa lựa chọn hợp tác kinh tế.
Tại diễn đàn trên, ông Hong cũng cho rằng Việt Nam và Hàn Quốc cần tăng tốc trong quan hệ đầu tư và thương mại. Hiện Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với vốn đầu tư tích lũy đạt 62,6 tỉ USD tính tới cuối năm 2018. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Hàn Quốc với tổng kim ngạch 68,3 tỉ USD vào năm ngoái, sau Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 28-11 cũng có cuộc gặp với ông Lee Jae Yong, phó chủ tịch Công ty Samsung. Ông Lee khẳng định Samsung đang tích cực triển khai dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.
Khi R&D đi vào hoạt động trong năm 2022 tại Hà Nội, Samsung cam kết tuyển dụng 3.000 kỹ sư Việt Nam làm việc. Đây cũng là tín hiệu tốt cho thấy sự cam kết của Samsung trong việc đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
Vai trò Việt Nam với Triều Tiên
Bên cạnh những số liệu ấn tượng về hợp tác kinh tế mà báo chí Hàn Quốc làm đậm những ngày qua, mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Việt Nam còn mang ý nghĩa chiến lược đối với chính sách ngoại giao của Seoul.
Theo thông tin từ cuộc hội đàm giữa Tổng thống Moon Jae In và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 27-11, ông Moon đã đề nghị Việt Nam tiếp tục giúp đỡ trong việc thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, hay xa hơn là việc hàn gắn quan hệ liên Triều, là một trong những ưu tiên của chính quyền ông Moon. Việt Nam, trong khi đó, đã đóng góp vào vai trò này, đặc biệt sau khi tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội đầu năm 2019.
Trả lời Tuổi Trẻ mới đây, đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan cũng cho rằng để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, việc đưa Triều Tiên đến vũ đài quốc tế vô cùng quan trọng. Ông Park cho rằng ASEAN là kênh liên lạc quan trọng giữa cộng đồng quốc tế và Triều Tiên.
Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) mà Triều Tiên bắt đầu tham gia từ năm 2000 là cơ chế hợp tác an ninh duy nhất trong khu vực Bình Nhưỡng đang tham gia. Hai lần thượng đỉnh Mỹ - Triều lịch sử cũng đều được tổ chức tại các nước thành viên ASEAN.
Trong mắt Hàn Quốc và nhiều nước, Việt Nam vốn dĩ là cầu nối trong các mối quan hệ hợp tác chính trị - kinh tế của khu vực. Ngoài việc tạo điều kiện cho đàm phán Mỹ - Triều, Việt Nam cũng là quốc gia năng nổ trong việc kết nối hiệu quả ASEAN với những đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ...
Trong năm 2020, thời điểm đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Việt Nam càng được kỳ vọng sẽ phát huy vai trò kết nối của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận