Tài khoản Michael viết: "Tin hay không tùy bạn, con cá mập này đang bơi trên đường cao tốc ở Houston, Texas"
Ngày 28-8, một người Mỹ tên Jason Michael gửi lên Twitter của mình hình ảnh đường phố ngật lụt với bóng một con cá mập thấp thoáng trong làn nước.
"Tin hay không tùy bạn, con cá mập này đang bơi trên đường cao tốc ở Houston, Texas" – tài khoản Michael viết
Từ cá mập vào phố đến sân bay ngật lụt
Tuy nhiên, theo Washington Post, đây là ảnh giả, đã được chỉnh sửa bằng phần mềm. Washington Post cũng thông tin thêm rằng tin đồn "cá mập vào phố" thường xuyên xuất hiện khi có mưa bão gây lũ lụt. Các tin đồn kèm hình ảnh tương tự từng xuất hiện khi bão Matthew hay Sandy quét vào nước Mỹ trước đó.
Vì thường xuyên xuất hiện nên tin đồn "cá mập vào phố" thường dễ bị phát hiện, song Washington Post cho rằng loại tin vịt này vẫn chưa chết vì lần nào cũng có người tin và chia sẻ. Ngay như tấm ảnh cá mập trên đại lộ Houston cũng đã có 6.000 lượt chia sẻ chỉ tính trong ngày 28-8.
Nữ nhà báo Mỹ nổi tiếng Katie Couric cũng đưa lên Twitter hình cá sấu nằm trên đường
Trước đó, hôm 27-8, nữ nhà báo Mỹ nổi tiếng Katie Couric cũng đưa lên Twitter hình ảnh chú cá sấu nằm trên mặt đường sũng nước, kèm chú thích "nhìn xem ai lạc vào nhà bạn tôi ở Houston này".
Tuy nhiên, ngay ở phần bình luận của tweet (tin nhắn) này, một người dùng tên AStillResisting đã "bóc mẽ" câu chuyện của nữ phóng viên bằng đường link đến bài báo cho thấy hình ảnh cá sấu này được chụp từ hồi tháng 4.
Thực tế, đây là bức hình phó cảnh sát trưởng Hạt Fort Bend (Texas) chụp cách đây 4 tháng, khi Texas cũng có mưa lớn vì bão.
Cũng trong những ngày bão Harvey, trên Twitter lan truyền tấm ảnh cho rằng sân bay Houston đã biến thành sông, với nước ngập nửa thân máy bay.
Ảnh mô phỏng, minh họa khả năng sân bay LaGuardia (New York) bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu
Thông tin này được xác minh là "tin vịt" và tấm ảnh đó thực tế là ảnh mô phỏng, nhằm minh họa khả năng sân bay LaGuardia (New York) có thể bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu trầm trọng đến mức nào vào năm 2100.
Đến ông Obama làm thiện nguyện
Khi bão Harvey "nhấn chìm" Houston, cựu tổng thống Mỹ Barack Obama đang làm gì, ở đâu? Một người dùng Twitter tên Aiden Benjamin ngày 27-8 khẳng định ông Obama cùng gia đình đang ở Texas, giúp phân phát bữa ăn cho nạn nhân bão, "trong khi (Tổng thống Donald) Trump đang chơi golf".
Tuy nhiên, Benjamin phải nhanh chóng xóa dòng tweet của mình vì bức ảnh kèm theo quá nổi tiếng để có thể phỉnh được ai.
Hình ảnh này chẳng liên quan gì đến bão Harvey hay Texas
Bức ảnh cả nhà Obama múc thức ăn nóng sốt vào đĩa của người nhận không hề được chỉnh sửa; nó là ảnh thật 100% nhưng bị dùng sai ngữ cảnh.
Đây thực chất là ảnh chụp hoạt động của ông Obama tại một cơ sở cho người vô gia cư nhân dịp Lễ Tạ ơn năm 2015, chứ chẳng liên quan gì đến bão Harvey hay Texas cả.
Một trường hợp "ảnh thật + câu chuyện giả" khác là tấm ảnh người đàn ông dùng tủ lạnh làm "thuyền" để giúp vợ và con trai di chuyển trong nước lũ.
Tấm ảnh này được đưa lên Twitter khi Houston bắt đầu bị lụt với chú thích đây là chuyện mới xảy ra. Tuy nhiên, một số tờ báo đã phát hiện ra hình ảnh này, dù đúng là chụp ở Houston khi có lũ, nhưng đó là hồi tháng 4-2016 chứ không phải vụ thiên tai đang xảy ra.
Hình ảnh này, dù đúng là chụp ở Houston khi có lũ, nhưng đó là hồi tháng 4-2016 chứ không phải vụ thiên tai đang xảy ra
Đùa không vui!
Nếu những trường hợp kể trên dù là tin vịt nhưng cũng không ảnh hưởng gì thật sự nghiêm trọng, còn có những tin giả khác liên quan đến bão Harvey để lại hậu quả nặng nề hơn.
Cụ thể, trong khi những người bị ảnh hưởng lũ lụt vô cùng cần giúp đỡ của chính quyền, thì trên Facebook và Twitter lại lan truyền số điện thoại giả của lực lượng Vệ binh quốc gia Mỹ.
Đoạn tin nhắn tin vịt trên Facebook khẳng định "Vệ binh quốc gia Mỹ đã được phái đến Texas. Nếu quý vị đang trong tình trạng khẩn cấp, hãy gọi số 1-800-527-3907. Vui lòng chia sẻ thông tin này".
Rất nhiều người đã lan truyền thông tin trên mà không biết rằng, khi gọi vào số đó, họ sẽ được kết nối với tập đoàn bảo hiểm Foremost Insurance.
Bản thân tập đoàn này cho biết họ là nạn nhân và không rõ ai đã dùng số điện thoại của hãng để làm tin vịt.
Một tin đồn ác ý khác được chia sẻ trên Facebook là thông báo dường như là của một quan chức Thành phố Corpus Christi (Texas) tên Lisa Oliver, cho rằng cư dân khi tránh lũ trở về phải xuất trình được giấy tờ cư trú thì mới được cho quay vào thành phố. Chính quyền Corpus Christi sau đó đã đính chính trên Facebook của mình đây là tin giả.
Trước đó, Facebook của Corpus Christi cũng đã phải bác tin đồn rằng thành phố sẽ cúp toàn bộ nước sinh hoạt để ứng phó với bão Harvey.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận