14/02/2025 07:54 GMT+7

Tin bác sĩ mạng, mua thuốc online: Thật giả lẫn lộn

Qua mạng xã hội, giờ đây chỉ cần điện thoại thông minh, nhiều người có thể mua thuốc, thực phẩm chức năng giao tận nhà. Đánh vào tâm lý mua dễ, không phải khám bệnh, hàng loạt cá nhân, cơ sở mạo danh bác sĩ tung quảng cáo.

Tin bác sĩ mạng, mua thuốc online: Thật giả lẫn lộn - Ảnh 1.

Bệnh viện Trung ương Quân dội 108 cảnh báo giả mạo bác sĩ bệnh viện để bán thuốc - Ảnh: BVCC

Mặc dù các bác sĩ liên tục cảnh báo về việc mua thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc trôi nổi qua "chợ mạng", thế nhưng không ít người vẫn "tiền mất, tật mang" khi mua các sản phẩm này.

Mạo danh lãnh đạo bệnh viện, tự chế - dán mác thuốc

Mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã ban hành cáo trạng truy tố 16 bị can trong vụ án giả danh bác sĩ Bệnh viện Mắt trung ương, lừa hơn 2.500 người thông qua chương trình "hồ sơ vàng" để được mua thuốc ưu đãi, chiếm đoạt hơn 7 tỉ đồng.

Theo cáo trạng, từ tháng 4-2021, Nguyễn Hồng Dương thành lập Công ty cổ phần EHA Group để kinh doanh thực phẩm chức năng về mắt. Sau đó Dương rủ thêm nhiều người khác tham gia làm cùng.

Nhóm của Dương lập ra chương trình "hồ sơ vàng", sau đó gọi điện thoại cho khách hàng, giả danh là bác sĩ Bệnh viện Mắt trung ương, các bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố hoặc lãnh đạo, cán bộ của sở y tế các tỉnh để lừa tư vấn khám chữa bệnh và giới thiệu bán thuốc. Nếu khách hàng mua thuốc với số tiền càng nhiều thì sẽ được hỗ trợ khám mắt miễn phí trong vòng 10 năm và nhiều ưu đãi khác!?

Trước đó, Công an tỉnh Bắc Ninh cũng triệt phá một ổ nhóm với thủ đoạn tinh vi, khi giả danh bác sĩ tại các bệnh viện lớn để bán thuốc giả trên mạng Internet. Cơ quan chức năng đã khởi tố bắt giữ 26 đối tượng liên quan.

Để có thể lừa đảo người bệnh, nhóm này liên tục lập ra các fanpage giả mạo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103 để thu hút người bệnh. Khi người dân kích vào các fanpage trên, các đối tượng yêu cầu để lại thông tin, số điện thoại để "bác sĩ" gọi điện tư vấn.

Theo cơ quan điều tra, chỉ trong vòng hơn một năm, ổ nhóm đối tượng đã bán thành công gần 13.000 đơn hàng cho hơn 8.000 bị hại ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, thu về hơn 30 tỉ đồng. Tất cả các sản phẩm thuốc mà nhóm này bán đều do các đối tượng tự nghĩ ra tên và tự dán nhãn mác... tùy theo nhu cầu của người bệnh.

Tin bác sĩ mạng, mua thuốc online: Thật giả lẫn lộn - Ảnh 2.

Tang vật với nhiều thùng thuốc, thực phẩm chức năng, con dấu giả bị cơ quan chức năng thu giữ trong vụ lừa đảo - Ảnh: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN BẮC NINH

Đủ mánh khóe, chiêu trò

Những năm gần đây, hàng loạt bệnh viện tại Hà Nội, TP.HCM liên tục phát đi cảnh báo về việc bị mạo danh bán thuốc, thực phẩm chức năng, thăm khám chữa bệnh như: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Da liễu trung ương, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Chợ Rẫy...

Ngoài ra, không ít giáo sư, bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực phẫu thuật tạo hình, hỗ trợ sinh sản, ngoại khoa, da liễu... cũng bị "mượn" hình ảnh, tên tuổi để tư vấn sản phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc, quảng cáo cơ sở chăm sóc sức khỏe, thẩm mỹ viện.

Còn tại Bệnh viện Chợ Rẫy, một số cá nhân (bên ngoài) thường xuyên tạo ra các trang fanpage lấy tên là bác sĩ bệnh viện. Mặc dù bệnh viện đã có nhiều cảnh báo cộng đồng trên truyền thông nhưng các trang fanpage giả mạo cứ "mọc lên như nấm".

Thậm chí mỗi ngày bệnh viện đã nhận rất nhiều tin nhắn, cuộc gọi của khách hàng để xác minh, có trường hợp thông qua hình ảnh và sự tư vấn "chắc nịch" của các trang giả mạo là bác sĩ của bệnh viện 100% đã giao sức khỏe cho họ.

Để có được lòng tin khách hàng, các trang giả mạo này còn sử dụng hình ảnh tập thể khoa trong Bệnh viện Chợ Rẫy rồi cắt ghép đưa hình bác sĩ giả mạo đứng giữa, gây nên sự bức xúc không nhỏ cho các bác sĩ có mặt trong ảnh gốc.

Theo các bác sĩ, các quảng cáo giả mạo "có cánh" này thường tiếp cận những người dễ tổn thương như người già, người có điều kiện kinh tế thấp hoặc sống ở nông thôn. Họ thấy quảng cáo nhắc đến bệnh của mình thì mua.

Suy gan, suy tủy vì thuốc không rõ nguồn gốc

Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) từng tiếp nhận nữ bệnh nhân bị suy gan, suy tủy xương do sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc để điều trị bệnh.

Theo người nhà, bệnh nhân có tiền sử đau khớp, viêm mũi và đã mua thuốc trên mạng để điều trị. Thuốc này được mọi người truyền tai nhau là tốt nên một số người dân trong làng đã nhập về bán số lượng lớn với giá 10.000 đồng/gói.

Sau khi khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc thuốc thể Stevens-Johnson, suy gan, suy tủy xương thiếu máu giảm 3 dòng bạch cầu, tiểu cầu, hồng cầu, viêm loét dạ dày, tụt huyết áp.

Anh P.V.H. (Vĩnh Long), vốn là bệnh nhân suy thận độ 3, thăm khám và điều trị tại Bệnh viện Bình Dân, TP.HCM. Các bác sĩ hướng dẫn anh dùng thuốc để bảo tồn chức năng thận giúp ngăn chặn sự tiến triển của bệnh thận mạn tính. Tuy nhiên, bệnh nhân sau đó đã không tái khám theo lịch hẹn.

Sau đó, được người quen mách, anh H. đã uống cỏ mực và đậu đen xanh lòng mua trên mạng để trị bệnh, mỗi ngày uống khoảng một nắm cỏ mực và 2-3 muỗng đậu đen xanh lòng. Sau 3 tháng uống liên tục, anh H. rơi vào tình trạng suy thận nặng, cơn đau chân xuất hiện cũng có thể do tình trạng gout trên người suy thận.

Đây không phải là trường hợp duy nhất, bệnh viện đã liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp suy thận mức độ nặng do tổn thương thận cấp trên nền bệnh thận mạn, có liên quan đến các loại thuốc chưa rõ nguồn gốc trên mạng mua về để sử dụng.

Không được phép bán thuốc kê đơn qua mạng xã hội

Năm 2024, Luật Dược sửa đổi ban hành đã bổ sung nhiều quy định trong kinh doanh dược. Trong đó, quy định nếu kinh doanh thương mại điện tử, các cơ sở kinh doanh dược chỉ được bán thuốc trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, trang thông tin điện tử (còn gọi là website thương mại điện tử) bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến, không bán thuốc trên các nền tảng khác như mạng xã hội.

Tin bác sĩ mạng, mua thuốc online: Thật giả lẫn lộn - Ảnh 3.Bán thuốc online sẽ được phép kinh doanh trên nền tảng nào?

Luật Dược sửa đổi vừa ban hành đã bổ sung nhiều quy định trong kinh doanh dược. Trong đó bán thuốc online không được bán thuốc kê đơn, và chỉ được bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, website có chức năng bán hàng,...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên