Mới đây, nhiều trang cộng đồng sinh viên của các trường ĐH, CĐ tại TP.HCM đã chia sẻ những bài viết cảnh báo các chiêu trò lừa gạt việc nhẹ, lương cao dịp Tết.
Đặc biệt, có trang của một trường ĐH lớn tại TP Thủ Đức đề cập trường hợp sinh viên tìm trên mạng được việc ở một kho hàng của một sàn thương mại điện tử tại Long An, nhưng khi đến nơi đã bị những người xấu dụ dỗ đưa sang Campuchia. Sinh viên này sau đó may mắn đã về lại được Việt Nam.
Nhà trường vào cuộc
Những ngày này, các hội nhóm tuyển dụng lớn trên Facebook ghi nhận từ 10 - 20 bài tuyển dụng các bạn trẻ, sinh viên làm thời vụ dịp Tết với công việc đa dạng từ nhân viên dịch vụ cho đến các cộng tác viên online. Các đầu việc phổ biến như nhân viên có lương dao động từ 40.000 - 80.000 đồng/giờ trong những ngày Tết. Một số đầu việc ăn lương theo sản phẩm.
Anh Tô Thanh My, bí thư Đoàn trường Trường CĐ Công nghệ và Kỹ thuật Thủ Đức, cho biết năm nay nhà trường có bước kiểm tra nơi làm việc của những sinh viên đăng ký ở lại ký túc xá của trường và của ĐH Quốc gia TP.HCM để làm thêm dịp Tết.
Sinh viên sẽ phải xin giấy xác nhận từ nơi làm việc và một bộ phận của trường sẽ tiếp nhận, xác minh. Ngoài việc đảm bảo sinh viên đăng ký ở lại đúng mục đích thì nhà trường cũng hạn chế những rủi ro sinh viên bị một số đối tượng có thể lợi dụng lừa đảo mùa Tết.
Trong khi đó, anh Lê Xuân Thân, bí thư Đoàn thanh niên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho biết với những sinh viên có nhu cầu tìm việc, trường khuyến khích các bạn truy cập một trang web do nhà trường xây dựng, trên đó có đăng tin tuyển dụng bán thời gian và toàn thời gian.
Các tin tuyển dụng đều được bộ phận quan hệ doanh nghiệp của nhà trường xác minh trước khi cho đăng tải. Ngoài ra, phía Đoàn trường cũng có bộ phận tư vấn hỗ trợ sinh viên để có thêm kênh chính thống khác cho các bạn có mong muốn tìm việc liên hệ.
Cách nào chống bị lừa khi tìm việc?
Ông Võ Đỗ Thắng, giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, cho biết những nhóm lừa đảo việc làm online hiện rất chuyên nghiệp, có chân rết ở nhiều địa phương. Các nhóm vạch ra những kịch bản lấy được những thông tin ban đầu của nạn nhân. Thông tin này tiếp tục được luân chuyển qua các chi nhánh và bộ phận khác nhau để đưa nạn nhân vào bẫy và thực hiện chiếm đoạt tài sản.
Đặc biệt, theo ông Thắng, các nhóm lừa đảo này hiện đều có những bộ phận chuyên môn, tận dụng nhiều tính năng của digital marketing (tiếp thị số) và mạng xã hội để đẩy quảng cáo các bài đăng tuyển dụng sai sự thật.
Những người thiếu kinh nghiệm nhưng có nhu cầu tìm việc cao, trong đó có sinh viên, sẽ rất dễ sụp bẫy. Điển hình trong tuần rồi, đơn vị của ông Thắng tiếp nhận một trường hợp ở Thái Bình với số tiền bị lừa lên đến con số hàng trăm triệu đồng.
Với kinh nghiệm từng tiếp nhận nhiều vụ việc lừa đảo việc làm qua mạng, ông Thắng khuyên sinh viên có thể bỏ túi một số lưu ý khi tiếp cận thông tin tuyển dụng. Các trang đăng thông tin phải đưa địa chỉ công ty rõ ràng, phải có hình ảnh của đội ngũ công ty.
Đồng thời người đăng tin tức bộ phận nhân sự phải dùng Facebook "sống", nghĩa là Facebook của họ phải có thêm nhiều thông tin, hoạt động của công ty hoặc của cá nhân, chứ không chỉ toàn đăng những bài rao giống nhau.
Ông Thắng khuyên sinh viên không nên chỉ nhắn tin qua lại với bên tuyển dụng mà phải gọi điện thoại trực tiếp, đặc biệt rất nên gọi video. Những đối tượng lừa đảo thường không dám xuất hiện mặt khi gọi video, hoặc gọi video nhưng đeo khẩu trang, hoặc thường gọi dưới hai phút vì sợ nói lâu sẽ lộ.
"Chúng tôi từng tiếp cận với một đối tượng và đề nghị được gọi video. Đối tượng này hứa 10 phút sau sẽ gọi nhưng sau đó nói 20 phút sau sẽ có sếp gọi lại. Cuối cùng sau hai tiếng vẫn không liên lạc được. Như vậy là biết có vấn đề", ông Thắng nói.
Công an TP.HCM khuyến cáo
Mới đây, Công an TP.HCM đã khuyến cáo sinh viên cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ về lịch sử và hoạt động pháp lý của các công ty trước khi ứng tuyển và phỏng vấn.
Công an TP.HCM chỉ ra với các bẫy lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng đăng tin tuyển dụng hấp dẫn, khi nạn nhân liên hệ sẽ bị yêu cầu đóng trước các khoản phí như phí hồ sơ, phí đồng phục, phí tập huấn. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, các đối tượng sẽ cắt liên lạc.
Ngoài ra cũng có loại bẫy liên quan đến tuyển cộng tác viên online, làm nhiệm vụ. Với hình thức này, ban đầu đối tượng sẽ yêu cầu chuyển tiền để thực hiện những đơn hàng, nhiệm vụ giá trị thấp, được hoàn tiền hoặc chi hoa hồng nhanh, đúng cam kết để tạo lòng tin.
Những lần sau, đối tượng sẽ bằng nhiều cách chiếm đoạt tiền của nạn nhân như yêu cầu làm thêm nhiệm vụ sau với số tiền lớn hơn để lấy tiền nhiệm vụ trước nếu không sẽ không được thanh toán, hoặc đổ lỗi cho nạn nhân nhập sai cú pháp, thanh toán nhầm để từ chối thanh toán, hoặc đổ lỗi cho hệ thống dẫn đến đối tượng không thể gửi tiền cho nạn nhân.
"Cảnh giác trước các quảng cáo, chào mời việc nhẹ lương cao, đặc biệt là các công việc ở nước ngoài. Khi đi xin việc cần tìm hiểu kỹ thông tin về doanh nghiệp tuyển dụng, nội dung công việc", Công an TP.HCM cảnh báo.
Giữ sức khỏe, thêm trải nghiệm
TS Thái Doãn Thanh, phó hiệu trưởng Trường ĐH Công Thương TP.HCM, cho biết Tết năm nay trường có khoảng 30 sinh viên không về quê, đa phần các em là sinh viên ở lại làm việc xuyên Tết. Những em này sẽ được miễn phí thời gian ở ký túc xá trong thời gian Tết, đồng thời được nhà trường tặng thêm những phần quà, lì xì cho các em.
Ông Thanh lưu ý sinh viên dù ở lại làm thêm vì mưu sinh nhưng cũng cần quan tâm đến sức khỏe, không nên làm việc quá sức trong những ngày Tết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận