Tìm việc: không nên khư khư "đúng chuyên ngành"
Phóng to |
Lúc học đại học, em chỉ được đào tạo một chút kiến thức về văn hóa, kinh tế, chính trị, luật kinh tế, quan hệ của Việt Nam với một số nước, tiếng Anh... Nhưng sau khi tốt nghiệp em thấy rất mơ hồ khi đi xin việc.
Em từng làm cho một trung tâm ngoại ngữ, nhưng sau đó nghỉ để tìm một công việc mới, nhưng em thấy rất khó trong quá trình tìm việc. Vậy theo anh chị, em có nên học thêm nghiệp vụ nào khác để bổ trợ cho ngành em đã học không?
Em rất thích một công việc có môi trường giao tiếp bằng tiếng Anh. Ngoài bằng cử nhân quốc tế học và chứng chỉ TOEIC 565 điểm, em có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Em đã tìm việc trên mạng và trên báo, nhưng không có công việc nào phù hợp với ngành học và khả năng hiện nay của em.
Mong anh chị tư vấn giúp. Xin cảm ơn!
(Xuân Diệu)
- Chào bạn. Khi tìm việc, bạn đừng cứng nhắc chỉ tìm công việc đúng chính xác với chuyên ngành của mình, nhất là ngành học của bạn không nhiều người biết lắm. Nếu bạn cứ mãi loay hoay nghĩ là việc này không phù hợp, việc kia không phù hợp, không có công việc nào phù hợp với chuyên ngành của mình... thì bạn sẽ mãi đi loanh quanh mà không có đích đến.
Theo tôi, bạn có thể tìm những việc có yêu cầu tiếng Anh, đặc biệt là đòi hỏi giao tiếp với người nước ngoài, ví dụ tiếp tân, dịch vụ khách hàng, nhân viên kinh doanh ngành nhà hàng khách sạn, du lịch, các công ty xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu giao thương nhiều với nước ngoài. Trung tâm đào tạo ngoại ngữ cũng là một lựa chọn khá phù hợp.
Đúng là tiếng Anh chỉ là một công cụ hỗ trợ trong công việc, tuy nhiên nó rất quan trọng vì có thể giúp bạn giao dịch thuận lợi, dễ dàng, chính xác. Hiện nay số sinh viên mới ra trường biết tiếng Anh nhiều nhưng không phải ai cũng có thể giao tiếp lưu loát, sử dụng tiếng Anh thành thạo trong công việc, nếu bạn thể hiện được kỹ năng này thì bạn cũng đã rất khác biệt so với các ứng viên khác.
Bên cạnh tiếng Anh, để làm tốt các công việc văn phòng còn cần phải biết sử dụng vi tính văn phòng thành thạo. Các kỹ năng giao tiếp, đối nhân xử thế, giải quyết vấn đề nhạy bén tế nhị, biết tổ chức sắp xếp công việc khoa học và nhanh chóng cũng là những kỹ năng không thể thiếu.
Nếu không có điều kiện về kinh tế, bạn không nhất thiết phải học thêm một chuyên ngành nào, chỉ cần cố gắng tìm một công việc và chú tâm nhẫn nại làm thật tốt công việc đó thì cơ hội thăng tiến và những cơ hội khác sẽ dần dần mở ra đối với bạn.
Đừng câu nệ việc lớn hay nhỏ, cứ có công việc để trải nghiệm, rèn luyện khả năng thích ứng, có thu nhập để tiếp tục lấy ngắn nuôi dài. Dần dần qua từng công việc, bạn sẽ tự nhận biết mình phù hợp với những việc như thế nào để rồi từ từ tìm hướng đi lâu dài cho mình.
Hiện nay bạn mới ra trường, mọi thứ đều mới mẻ, bạn cần thời gian để trải nghiệm, khám phá. Bạn có quyền mắc sai lầm, có quyền sửa sai. Đừng vội đòi hỏi mình phải chọn được công việc như ý mà hãy cố gắng làm sao dù nhận việc gì bạn cũng làm tốt nhất có thể để đạt được sự hài lòng của nhà tuyển dụng, từ đó năng lực của bạn được đánh giá cao khiến bạn trở nên tự tin, vui vẻ và thích công việc đó hơn.
Chúc bạn thành công!
Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề lương bổng, kỹ năng nghề nghiệp, phỏng vấn xin việc... bạn đọc gửi về chương trình "Tư vấn việc làm" tại địa chỉ: [email protected] . Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận