Cảnh trong vở Nữ ca sĩ hói đầu - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
NSND Lê Tiến Thọ - chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, đại diện đơn vị phối hợp tổ chức liên hoan - cho biết so với liên hoan lần 3-2016, liên hoan năm nay có thời gian thi dài hơn và số lượng đơn vị đăng ký dự thi cũng đông hơn. Các vở diễn có thời lượng 50-120 phút, khá đa dạng các thể loại từ cải lương, kịch nói, chèo tới múa rối, xiếc…
Đừng tham gia liên hoan để tìm huy chương
NSƯT Lê Chức - phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN, trưởng ban tổ chức liên hoan - cho biết tính đến ngày 30-9 có bảy đoàn nghệ thuật quốc tế thuộc bảy quốc gia xác nhận tham gia gồm: đoàn Hungary (vở Tháng tám), đoàn Israel (vở Bpolar), đoàn Ấn Độ (vở Macbeth Mirror), đoàn Hàn Quốc (vở Hai vạn dặm dưới biển), đoàn Trung Quốc (vở Câu chuyện về bức tranh cổ), đoàn Singapore (vở Ngôi đền quỷ ám) và đoàn Hi Lạp (vở Cánh đồng đẫm máu). Ngoài ra, ban tổ chức còn đang chờ phản hồi cuối cùng từ đoàn Tây Ban Nha.
Riêng nước chủ nhà Việt Nam sẽ có 14 vở diễn của 14 đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập tham gia gồm các vở: Nhật thực, Mơ rồng, Hà Nội của những giấc mơ, Thân phận nàng Kiều, Hai mươi, Niềm khát, Sự sống, Cậu Vanya, Ngàn năm mây trắng, Nỗi u sầu, Huyền thoại gò Rồng Ấp, Nữ ca sĩ hói đầu, Dưới nước là cát, Câu Kiều ru một đời người.
Vở Nhật thực của đoàn sân khấu thử nghiệm thuộc Nhà hát Thế giới trẻ - Sân khấu Sen Việt (TP.HCM) sẽ được biểu diễn sau lễ khai mạc, ngay tối 4-10 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Chia sẻ bên lề buổi họp báo giới thiệu về liên hoan diễn ra sáng 30-9 tại Hà Nội, ông Lê Tiến Thọ cho biết ông mong muốn các nghệ sĩ, nhà hát sẽ tham gia liên hoan với tinh thần cống hiến những sáng tạo mới mẻ cho nghệ thuật, vì nghệ thuật, đúng với "tư cách người nghệ sĩ"; đừng tham gia liên hoan chỉ để tìm kiếm huy chương phục vụ mục đích làm hồ sơ phong danh hiệu NSND, NSƯT.
Ông Thọ cho biết: "Mục tiêu của liên hoan là mong muốn tạo cơ hội giao lưu, học tập giữa sân khấu Việt Nam và thế giới. Tìm kiếm những thử nghiệm mới. Nâng cao cấu trúc, ngôn ngữ đạo diễn, hình thể, sự kết hợp tổng hợp những hình thức thể hiện trong một vở diễn".
Chấp nhận thành công ít, thất bại nhiều
Ông Lê Tiến Thọ cũng chia sẻ nỗi trăn trở trước thực trạng sân khấu hiện quá cũ từ đề tài tới nghệ thuật sân khấu; hoặc xu hướng ngược lại là không giữ được bản sắc khi "kịch thì cắm ca, kịch thơ cắm hát chèo"; hay tình trạng các đạo diễn khi có chút tiếng tăm thì lập tức chạy sô dựng vở khắp nơi một cách cẩu thả và nhàm chán.
Trong khi đó, nói thêm về chữ thử nghiệm, đạo diễn - NSND Trần Minh Ngọc, nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM, thành viên hội đồng giám khảo Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế lần 3, cho rằng cần có cái nhìn đúng đắn về thử nghiệm trong sân khấu; không gò bó, không định kiến, không áp đặt tư tưởng. Mọi người có thể tự do sáng tạo, từ đó đẻ ra những cuộc tranh luận, có người thích có người không thích, thậm chí có những "cái thử" không ai hiểu cũng chẳng sao.
Theo ông, vở sân khấu thử nghiệm không truy cầu sự thành công, không mang tính thương mại, không cần phải hút khách và có thể cũng không tồn tại lâu. Ông nhấn mạnh: "Khi làm thử nghiệm, nghệ sĩ phải chấp nhận thành công thì ít, thất bại thì nhiều để từ đó kiên trì, nhẫn nại tìm tòi những sáng tạo".
Thỉnh thoảng vẫn có sự nhầm lẫn giữa thử nghiệm và thể nghiệm. Ông Trần Minh Ngọc chia sẻ: "Thể nghiệm trong sân khấu có thể hiểu là phương thức biểu diễn có nghiên cứu tâm lý và ứng dụng diễn xuất người diễn viên vào nhân vật. Có nghĩa là người diễn viên có cảm xúc thật, họ lấy tình cảm của mình tạo tâm lý để đưa vào nhân vật".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận