12/07/2010 07:33 GMT+7

Tìm thêm giải pháp chống ngập

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TT - Hàng triệu USD được đổ vào hàng loạt công trình chống ngập nhưng đến nay tình trạng ngập tại TP.HCM vẫn chưa giải quyết triệt để. Đã có những lo ngại các công trình chống ngập sẽ trở nên lạc hậu trước sự biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét.

3itlrV4g.jpgPhóng to

Đường 51, P.14, Q.Gò Vấp, TP.HCM bị ngập nặng sau cơn mưa ngày 9-6-2010 - hậu quả của việc làm cống thoát nước không đồng bộ - Ảnh: Quang Khải

KlX6Cmn7.jpgPhóng to

Ông Nguyễn Phước Thảo - Ảnh: Quang Khải

Ông Nguyễn Phước Thảo, giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP (viết tắt là trung tâm), cho rằng trong mười năm qua, TP đã triển khai hàng loạt dự án thoát nước. Đến nay đã đưa vào sử dụng 180km cống mới, xây dựng 180 đê bao... giúp giảm 149/258 điểm ngập trên toàn TP.

Tuy nhiên nhìn toàn thể, công tác chống ngập tại TP còn nhiều hạn chế lớn. Thứ nhất, các dự án cống thoát nước chỉ mới chiếm 1/4 so với quy hoạch. Thứ hai, dự án xây dựng đê bao chống triều cường mới ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Thứ ba, những vi phạm về công tác thoát nước như nâng đường chống ngập ở các khu dân cư hiện hữu và khu dân cư mới. Thứ tư, vấn đề nạo vét các kênh rạch - tuyến thoát nước cấp 1 chậm được tiến hành.

Trong bối cảnh đó, những trận mưa lớn trên 85mm ngày càng trở nên phổ biến, triều cường năm sau cao hơn năm trước (hiện 1,56m)... có thể làm hệ thống thoát nước bị quá tải.

* Thưa ông, liệu sau khi các dự án thoát nước lớn thi công xong thì TP.HCM không còn ngập nước?

- UBND TP giao trung tâm từ nay đến năm 2012 phải xóa được 96 điểm ngập hiện tại và khống chế điểm phát sinh ngập mới. Riêng trong năm 2010 trung tâm quyết tâm xóa 35 điểm ngập, giảm 40 điểm khác.

Riêng tiến độ các dự án đại lộ Đông - Tây, vệ sinh môi trường TP, cải tạo môi trường nước TP thì còn phụ thuộc rất nhiều các yếu tố nên chưa thể nói được. Tuy nhiên nhiều nơi trên thế giới người ta không còn tuyệt đối hóa vai trò của công trình nữa mà nâng cao vai trò giải pháp phi công trình. Trên cơ sở đó, việc chống ngập phải tích hợp ba giải pháp: bảo vệ - thích nghi - nhượng bộ. Chắc chắn ba giải pháp này đi song song mới giải quyết được vấn đề ngập một cách bền vững.

Đối với các dự án lớn đang triển khai được thiết kế trong điều kiện diễn biến khí hậu chưa phức tạp. Thiết kế cống chính có khả năng thoát nước đối với những cơn mưa có vũ lượng khoảng 85mm với tần suất tràn cống hai hoặc ba năm xuất hiện một lần. Nhưng hiện nay những cơn mưa trên 100mm xảy ra thường xuyên hơn thì đương nhiên năng lực cống không thể đáp ứng nổi. Vì vậy để giải quyết triệt để ngập trong điều kiện của biến đổi khí hậu chúng ta phải nhượng bộ. Nhượng bộ ở đây có nghĩa xây dựng hồ điều tiết để làm giảm gia tăng của hệ số chảy tràn khi có mưa lớn.

* Việc xây dựng hồ điều tiết đã được nhiều nhà khoa học đồng tình, ủng hộ qua nhiều hội thảo về chống ngập, nhưng với tình trạng đất chật người đông như ở TP.HCM hiện nay làm hồ điều tiết có khả thi hay không, thưa ông?

- Có nhiều giải pháp để chúng ta làm các hồ điều tiết. Nếu không có đất làm hồ điều tiết nổi thì chúng ta làm hồ điều tiết ngầm. Ở TP Barcelona (Tây Ban Nha) người ta làm hồ điều tiết cách mặt đất 15m chỉ có khả năng chứa 150.000m3 nhưng họ xây thành nhiều hồ tương ứng cho một cụm lưu vực. Ở Thái Lan, Indonesia có điều kiện giống như ta nhưng người ta đã làm được một số hồ điều tiết ngầm.

Hồ điều tiết có nhiều công dụng khác không chỉ riêng chống ngập như bổ cập cho nước ngầm, một phần chống lún. Về vấn đề này, trung tâm đang xây dựng đề án để tham mưu cho UBND TP điều chỉnh quy hoạch một số khu vực dành đất lại để làm hồ điều tiết (dự kiến tháng 8-2010 sẽ trình UBND TP), đặc biệt là những khu dân cư tập trung hoặc những dự án mới.

Ví dụ thông thường mỗi dự án có 44% diện tích đất dành cho xây dựng, trong 56% diện tích đất dành cho công cộng bắt buộc chừa lại một diện tích đất tương ứng làm hồ điều tiết. Phần đất dành lại cho hồ điều tiết bao nhiêu thì trung tâm đang tính toán. Trước khi dự án được thẩm định phải có ý kiến của trung tâm hướng dẫn về cách tính, giải pháp kỹ thuật về mặt kết nối hồ điều tiết với hệ thống cống thoát nước, chứ không phải nói làm hồ điều tiết là đào một cái hồ trồng cây xung quanh là xong.

Chúng tôi còn mạnh dạn nghiên cứu việc xây dựng hầm ngầm ở một số nơi công cộng, ví dụ như làm hồ điều tiết ngầm dưới sân vận động Thống Nhất. Vấn đề quan ngại nhất khi làm các hồ điều tiết dạng này là kết cấu công trình, nhưng với điều kiện hiện nay việc làm này không quá khó.

Ngoài ra, trung tâm còn kiến nghị mở rộng một số tuyến rạch coi đây là một dạng hồ điều tiết. Cụ thể đang nghiên cứu lại dự án mở rộng rạch Cầu Sơn, Cầu Bông. Trong nội thị, giải pháp đó là nạo vét kênh rạch, khơi thông dòng chảy, thay thế vỉa hè bêtông thành mảng xanh...

Nhiều khu dân cư vẫn tiếp tục bị ngập

Người dân than phiền nhiều đường hẻm bị ngập nước vì mặt đường Nguyễn Văn Luông, Phạm Văn Chí (Q.6) được nâng cao nên nước đổ vào trong hẻm. Theo Ban nâng cấp đô thị TP, thực tế các đường trong hẻm có cốt nền thấp hơn mực nước triều cường nên đã bị ngập.

Trong khi đó, nhiều bà con cư ngụ tại đoạn từ đường Đặng Văn Ngữ đến Phạm Văn Hai (Q.3, Q.Tân Bình) cho rằng mưa không lớn nhưng nhiều đường hẻm bị ngập là do đơn vị thi công thu hẹp cống thoát nước ra cửa xả kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đồng thời, trên tuyến đường ven kênh hướng từ Q.Tân Bình về Q.3 một bên đường là nhà dân, một bên đường đã đóng cừ kè bờ bị đổ xà bần cao khiến mặt đường nhựa ở giữa thấp hơn bị đọng nước, gây trở ngại cho xe cộ đi lại.

Giải thích về tình trạng các hẻm bị ngập nước, ông Phan Châu Thuận - giám đốc Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP.HCM lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè - cho biết là do gói thầu số 10 bị ngưng thi công nên chưa hoàn chỉnh hệ thống thoát nước ở hai bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Để giải quyết tình trạng ngập nước trong hẻm và ngập nước ở giữa đường ven kênh, ban quản lý dự án đã yêu cầu nhà thầu thi công gói thầu số 7A thực hiện ngay biện pháp tạm thời khơi thông dòng chảy để nước thoát xuống kênh. Còn ở những đoạn không thể khơi thông dòng chảy thì cho phép đục kè bêtông để tạo chỗ cho nước thoát ngay xuống kênh.

Ông Thuận cũng cho biết công trình đang thi công gặp khó khăn nhất là đường Lê Văn Sĩ, Nguyễn Kiệm vì chờ giấy phép thi công của ngành đường sắt nên chưa kết nối được tuyến cống thoát nước. Vì vậy có khả năng khu dân cư ở hai bên đường ray xe lửa sẽ còn bị ngập nước trong mùa mưa năm nay.

Thạc sĩ Hồ Long Phi (giảng viên bộ môn kỹ thuật tài nguyên nước Đại học Bách khoa TP.HCM):

Làm cống không đồng bộ, ngoại thành ngập như nội thành

Qua nghiên cứu cho thấy tình trạng ngập nước tại khu vực trung tâm TP.HCM đã giảm khoảng 20% so với năm 2007. Cụ thể năm 2007 khu vực trung tâm có 107 vị trí ngập, đến 2009 còn 88 vị trí, số lần ngập cũng giảm theo thời gian. Điều này có được do thời gian qua, TP đã triển khai hàng loạt dự án chống ngập, kiểm soát triều cho khu vực trung tâm.

Ngược lại, với tốc độ đô thị phát triển nhanh nhưng hệ thống thoát nước manh mún, nhỏ lẻ không đồng bộ nên tình trạng ngập nước ở ngoại thành gia tăng một cách đáng lo ngại về vị trí ngập cũng như số lần ngập trong năm. Trong năm 2007 ở ngoại thành có 115 lần ngập tại 18 vị trí. Đến năm 2009 số lần ngập tăng lên 253 tại 27 vị trí.

Qua nghiên cứu cho thấy tình trạng ngập đang gia tăng ở các quận ngoại thành như 7, 12, Thủ Đức và huyện Bình Chánh. Nếu chúng ta không có các giải pháp, đầu tư một cách đồng bộ và hợp lý thì tình trạng ngập ở nội thành sẽ lặp lại ở các khu vực ngoại thành trong tương lai không xa.

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên