13/10/2017 16:42 GMT+7

Tìm thêm được 1 thi thể vụ sạt lở đất ở Hòa Bình

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết trong chiều 13-10, lực lượng tìm kiếm cứu hộ đã tìm thêm được 1 thi thể trong vụ sạt lở đất tại thôn Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, Hòa Bình.

Tìm thêm được 1 thi thể vụ sạt lở đất ở Hòa Bình - Ảnh 1.

Ông Trần Quang Hoài thông tin về công tác ứng phó với đợt mưa lũ từ 10-10 đến 12-10 - Ảnh: VIỆT DŨNG

Như vậy, trong vụ sạt lở đất vùi lấp 18 người, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã tìm được 10 thi thể, vẫn còn 8 người còn mất tích. 

Chiều 13-10, phát biểu đầu cuộc họp thông tin về công tác ứng phó với đợt mưa lũ từ 10-10 đến 12-10, ông Trần Quang Hoài - ủy viên thường trực Ban chỉ đạo, tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) - đã dành lời cảm ơn của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tới các cơ quan báo chí, các phóng viên. 

"Chúng tôi chân thành cảm ơn các cơ quan báo chí, phóng viên đã đồng hành trong phòng chống thiên tai. Có những phóng viên dấn thân trong tác nghiệp cũng đã bị nạn mất tích như tại Yên Bái. Đó là những cố gắng rất lớn của đội ngũ phóng viên trong công cuộc bảo vệ người dân, tài sản trước thiên tai" - ông Hoài nói. 

Theo ông Hoài, trước tác động của biến đổi khí hậu, trong năm 2017, trên địa bàn cả nước đã liên tiếp xảy ra các trận lũ quét, sạt lở đất, bão mạnh số 10, đặc biệt là trận mưa lũ từ ngày 10-10 đến 12-10, và hiện đang tiếp tục đối diện với bão số 11 trên Biển Đông. 

"Trận lũ, sạt lở đất vừa qua là đợt thiên tai lớn, có khu vực đã mưa trên 500mm. Phạm vi trải dài từ Hà Tĩnh tới Sơn La, Yên Bái. Lượng nước về các hồ chứa rất lớn. Tại hồ Hòa Bình có lúc lượng nước về hơn 16.000mm/s, trong khi quy trình vận hành liên hồ cho phép tích nước lên tới 117m và trên sông có nơi lũ vượt báo động 3, đạt mức lịch sử" - ông Hoài thông tin. 

Ông Trần Quang Hoài nhận định về thiệt hại mưa lũ tại vùng núi phía Bắc - Clip: VIỆT DŨNG

Ban chỉ đạo nhận định đợt lũ lớn vừa qua có nguyên nhân từ mưa lớn, lũ trái mùa nên công tác vận hành liên hồ được triển khai khẩn trương, đảm bảo an toàn về hồ chứa và tham gia cắt lũ cho vùng hạ du. 

"Thủ tướng và các phó thủ tướng, các bộ ngành, địa phương và người dân đều đã vào cuộc, tất cả đã rất nỗ lực nhưng chúng ta vẫn phải gánh chịu thiệt hại lớn về người từ lũ, sạt lở đất và ngập úng ở đồng bằng" - ông Hoài nói. 

Theo ông Hoài, sau đợt mưa lũ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai mong muốn cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác nhất từ công tác chỉ đạo điều thành đến thiệt hại để thông tin tới người dân, tránh hoang mang. 

"Đặc biệt, với những việc đã làm được cần phát huy, việc tồn tại phải khắc phục, đặc biệt không để xảy ra tình trạng chủ quan tới đây" - ông Hoài nói. 

Theo Ban chỉ đạo, tại hồ Hòa Bình, đến chiều 13-1, mực nước đã về mức 115,28m, dưới mực nước dâng bình thường. Thủy điện Hòa Bình cũng đã đóng các cửa xả đáy. 

Thiệt hại về người có 93 người chết và mất tích, trong đó số người chết là 55 người, 38 người còn mất tích. 

Tại nơi sạt lở xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, Hòa Bình, lúc 13h chiều 13-10 đã tìm thêm được một thi thể. Vẫn còn 8 người mất tích.

"Công tác dự báo mưa có phải có vấn đề"?

Trước câu hỏi của báo Quân Đội Nhân Dân "nếu cứ nói mưa lũ lớn bất ngờ dẫn tới thiệt hại lớn thì công tác dự báo mưa có phải có vấn đề?", ông Hoàng Đức Cường - giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương - trả lời: 

"Dự báo khí tượng thủy văn luôn là bài toán khó cho các cơ quan trong nước và thế giới, dự báo mưa lại càng khó hơn. Địa hình đồi núi phức tạp dẫn tới việc dự báo mưa càng khó khăn hơn.

Trên thế giới cũng không có thông tin về định lượng mưa, dự báo mưa to, mưa nhỏ cũng đã khó nên dự báo mưa bao nhiêu mm càng khó hơn, dẫn tới những bị động nhất định.

Nhận thức rõ những khó khăn như vậy, nhận thức được vai trò quan trọng của nhận định mưa định lượng, dựa trên các phương tiện, công nghệ tính toán của Việt Nam, chúng tôi đã cố gắng đưa ra được thông tin định lượng mưa, và cũng có khuyến cáo cần tiếp tục cập nhận và sử dụng những thông tin từ những bản tin tiếp theo.

Đợt áp thấp vừa qua gây mưa lớn diện rộng từ Hà Tĩnh đến các tỉnh vùng núi phía Bắc. Với dự báo vừa rồi cũng đã nhận định tổng thể lượng mưa trước áp thấp và sau áp thấp gần sát với thực tế.

Tiếp nữa, việc dự báo mưa khó, việc ứng phó cũng khó, hoàn lưu sau bão thường thấy lượng mưa lớn nhất xảy ra vào nửa đêm và sáng. Vì vậy các bản tin dự báo vào buổi chiều là rất quan trọng. 

Tiếp theo bản tin buổi chiều, bản tin cập nhật tiếp càng quan trọng và quan trọng hơn nữa là hoạt động truyền tin.

Để khắc phục, chúng tôi thấy đây là bài toán khó nhưng dần từng bước cải thiện nhận định lượng mưa, đặc biệt là mưa cực đoan, trong đó có tăng cường các trạm đo mưa tự động, các ra đa, kết hợp các mô hình từ các nước để có những cảnh báo chính xác, tin cậy, sớm hơn chứ không đến mức đến chiều mới có thông tin dự báo cho đợt mưa vào rạng sáng hôm sau".

Ông Hoàng Đức Cường nói về cái khó của dự báo - Clip: VIỆT DŨNG

Chúng ta đang phải trả giá cho việc phá rừng đầu nguồn

Phóng viên Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: "Thực tế tình trạng lũ ống, lũ quét liên tiếp ở nhiều nơi, như ở Yên Bái, chỉ trong thời gian ngắn liên tiếp mấy trận lũ, mức độ khốc liệt như vậy có hay không nguyên nhân từ việc phá hoạt, mất rừng đầu nguồn thời gian vừa qua?".

Ông Trần Quang Hoài trả lời: "Chuyện phá rừng đầu nguồn là câu chuyện lớn. Hiện đi lên khu vực Sơn La có thể thấy rất rõ những khu rừng ngút ngàn trước đây đã bị cạo trọc để thay thế vào đó những lưng ngô.

Việc mất rừng đầu nguồn dẫn tới khó khăn rất lớn trong phòng lũ và chúng ta đang phải trả giá vì để trồng lại những khu nguyên sinh như vậy, để đúng là tấm giáp chắn giúp điều tiết nước phải mất hàng chục năm.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên