Rùa Batagur trivittata từng được cho là đã tuyệt chủng - Ảnh: WCS |
Theo CBS News ngày 13-4, khoảng 60 con rùa sông Myanmar Batagur trivittata đã được thả ra tự nhiên trong vài tuần qua. Đây là một phần của chương trình kéo dài bảy năm nhằm hồi sinh loài rùa đầu xanh quý hiếm này.
Rùa Batagur trivittata được tin là đã tuyệt chủng cho mãi đến năm 2001, khi mai một con Batagur trivittata được hai nhà bảo tồn của Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) tìm thấy tại một ngôi làng nằm dọc sông Dokhtawady.
Hai nhà bảo tồn Steven Platt và U Win Ko sau đó phát hiện rùa Batagur trivittata còn sống được bày bán tại một khu chợ động vật hoang dã ở Trung Quốc và trong ao một ngôi chùa ở Mandalay.
Ba con rùa sau đó được đưa vào chương trình nuôi nhốt. Từ năm 2007, WCS và tổ chức bảo tồn loài rùa "Turtle Survival Alliance" bắt đầu chương trình sinh sản rùa Batagur trivittata trong điều kiện nuôi nhốt. Hiện nay chương trình này đã cho ra đời 600 con rùa trên khắp cả nước.
Mục tiêu cuối cùng của chương trình là thả rùa Batagur trivittata ra tự nhiên. Để đảm bảo chúng có thể tồn tại trong hoang dã, rùa được thả phải là những con đủ lớn (ít nhất 7 tuổi), khỏe mạnh và có khả năng thích nghi tốt với môi trường sống tự nhiên. Một số con được gắn thiết bị để các nhà khoa học theo dõi.
Thả rùa Batagur trivittata về tự nhiên - Ảnh: WCS - TSA |
Cùng với việc thả rùa, người dân địa phương cũng được thuê giám sát các khu vực rùa làm tổ nhằm bảo vệ trứng rùa.
Rùa sông Myanmar Batagur trivittata được giới khoa học mô tả lần đầu tiên năm 1835. Chúng từng được cho là tuyệt chủng từ năm 1935. Số lượng loài này giảm mạnh do tình trạng thu lượm trứng, săn bắn và suy thoái môi trường sống, trong đó có tác động từ các đập nước và hoạt động khai thác vàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận