Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21-8, liên quan đến lĩnh vực văn hóa - thể thao và du lịch, câu chuyện phát triển du lịch đêm trong tổng thể phát triển kinh tế đêm tại các địa phương đã nhận được sự quan tâm của các đại biểu.
Không làm thì thiếu, làm lại thừa
Nêu ý kiến chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho hay phát triển sản phẩm du lịch đêm là một mô hình mới được quan tâm thời gian gần đây.
Tuy nhiên, thực tế mô hình du lịch đêm ở nhiều địa phương còn nghèo nàn, đơn điệu, chỉ là phố đi bộ, ẩm thực, hoạt động nghệ thuật - giải trí, lại đêm có đêm không, chủ yếu vào thứ bảy và chủ nhật.
Do đó, ông Hòa đề nghị bộ trưởng Bộ VH-TT&DL cho biết về các chính sách để du lịch đêm phát triển mạnh, sản phẩm đa dạng phong phú và giải trí lành mạnh, giữ chân du khách qua đêm nhằm kích cầu.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng khẳng định bộ đã có đề án về sản phẩm du lịch đêm trên cơ sở khuyến khích các địa phương nghiên cứu yếu tố quy hoạch để tính toán các dòng sản phẩm và đánh giá thị trường của khách, từ đó tạo ra các sản phẩm du lịch đêm phù hợp.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận thực tế từng đề cập là nhiều địa phương làm sản phẩm du lịch đêm nhưng "không làm thì thiếu, làm lại thừa vì du khách không đến".
Dù vậy, ông Hùng cho rằng trách nhiệm chính là chủ tịch UBND các tỉnh, HĐND các tỉnh chứ không phải của Bộ
VH-TT&DL đi làm sản phẩm du lịch. Chẳng hạn, bộ đã gợi ý TP.HCM dựa trên tài nguyên sông nước và dòng sản phẩm chủ lưu là kết hợp sông Sài Gòn kết nối thương cảng để tạo ra dòng sản phẩm.
Trên cơ sở như vậy, TP.HCM nghiên cứu và tạo ra tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ kết nối các sản phẩm trên dòng sông để có nơi cho du khách đến.
Theo ông Hùng, mỗi địa phương cần có cách làm sáng tạo, như tinh thần chỉ đạo trong chỉ thị 08 của Chính phủ và nghị quyết 82 là mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên nghiệp, đặc sắc buộc địa phương phải suy nghĩ.
"Còn nếu hỏi bộ trưởng về làm du lịch đêm thì chúng tôi có đề án, có khung rồi, gợi ý cách làm rồi. Chúng tôi không làm thay cho địa phương được", ông Hùng nêu rõ.
Cần có sản phẩm đặc thù
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, đại biểu Bùi Hoài Sơn (ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục) cho rằng dù du lịch Việt Nam rất phát triển nhưng du lịch đêm vẫn là một điểm yếu.
Bởi chưa có những mô hình tốt, sản phẩm phù hợp để phát huy tiềm năng và lợi thế của ngành. Trong khi đó theo ông Sơn, nghiên cứu trên thế giới cho thấy khách du lịch dành thời gian chính để tiêu dùng vào ban đêm.
Du lịch đêm lại giúp tăng tiêu dùng, mua sắm, góp phần tăng doanh thu và thuế cho Chính phủ, thúc đẩy sự phát triển và đầu tư trong ngành du lịch.
Đồng thời du lịch đêm có thể tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho cả người dân địa phương và du khách. Các hoạt động, nhà hàng, khách sạn và điểm tham quan mở cửa vào ban đêm tạo ra nhiều công việc mới và đa dạng, mang lại thu nhập cho cộng đồng địa phương.
Du lịch đêm cũng tạo nên một không gian văn hóa mới và độc đáo, cho phép du khách tương tác với văn hóa bản địa, giúp quảng bá và bảo tồn văn hóa truyền thống, nghệ thuật, ẩm thực của địa phương. "Ngoài ra, du lịch đêm mang lại trải nghiệm mới mẻ cho du khách.
Một số điểm đến chỉ thực sự tỏa sáng, sống động vào ban đêm với ánh sáng, âm nhạc và hoạt động đặc biệt, giúp tăng cường trải nghiệm du lịch, tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ cho du khách", ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, Bộ VH-TT&DL đã ban hành đề án khuyến khích các địa phương nghiên cứu và phát triển sản phẩm du lịch đêm là một động thái tích cực, giúp khai thác tiềm năng du lịch của mỗi vùng, đem lại lợi ích bổ sung và kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
Tuy nhiên, phát triển sản phẩm du lịch cần dựa trên quy hoạch và đánh giá thị trường, tránh tình trạng cung vượt quá cầu. Xác định đúng nhu cầu và sở thích của du khách là yếu tố then chốt để phát triển các sản phẩm du lịch thành công.
"Chính các lãnh đạo địa phương là người phù hợp nhất để đánh giá tiềm năng, lập kế hoạch và thực hiện các sản phẩm du lịch phù hợp với đặc thù của từng vùng.
Vì vậy, thừa hay thiếu, hiệu quả hay không hiệu quả của các sản phẩm du lịch đêm đều đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng và chặt chẽ. Điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt với những nơi chưa có kinh nghiệm trong quản lý du lịch", ông Sơn nói.
Hà Nội: nhiều sản phẩm du lịch đêm nhưng...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Thanh Tú - giám đốc marketing Công ty Bestprice - nhận định từ năm 2023 trở về đây các sản phẩm du lịch đêm tại Hà Nội đã được đầu tư, chăm chút hơn.
Nếu thời điểm trước năm 2023, nhắc đến du lịch đêm ở Hà Nội gần như chỉ có chợ đêm Đồng Xuân. Hiện du khách có nhiều sản phẩm để trải nghiệm hơn như các tour đêm tại Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám...
"Tuy nhiên, các sản phẩm này dường như mới chỉ dừng lại ở mức trải nghiệm du lịch tối, sản phẩm du lịch đêm cần kéo dài hơn đến sau 23h cho đến sáng hôm sau.
Ban đêm, du khách thường có nhu cầu thư giãn nhiều hơn, sự hào phóng khi mở hầu bao cũng lớn hơn. Phát triển tốt sản phẩm du lịch đêm sẽ giúp nâng cao mức chi tiêu của du khách", ông Tú nhận định.
Theo ông Tú, TP.HCM đang là nơi phát triển sản phẩm du lịch đêm đa dạng và đúng nghĩa nhất bởi cứ ra đường là có chỗ để ăn, để đi chơi.
"Đời sống về đêm ở TP này khá sôi động. Du khách cũng rất dễ xác định nhu cầu và địa điểm cần đến. Họ có khu phố vui chơi giới trẻ, khu phố ẩm thực hay muốn nghe nhạc, uống bia thì lên phố Bùi Viện", ông Tú nói.
Do vậy, thay vì triển khai ồ ạt các sản phẩm du lịch đêm, ông Tú cho rằng mỗi địa phương nên đầu tư có trọng tâm, xác định điểm nhấn, điểm đặc biệt của mình để qua đó truyền thông quảng bá.
Chẳng hạn, các sản phẩm du lịch đêm Hà Nội đang thiên về văn hóa và nhận được sự quan tâm của du khách thì nên tiếp tục có các sản phẩm theo hướng này.
Có sự phân khu, gọi tên sản phẩm đặc trưng của từng khu vực, ví dụ khu phố Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến là nơi cho các sản phẩm sôi động; khu sản phẩm văn hóa gồm Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám...hay khi nhắc đến khu phố ẩm thực thì du khách phải nghĩ ngay đến Tống Duy Tân hay Ngũ Xã.
TP.HCM: phát triển kinh tế gắn với du lịch
Sau một thời gian chuẩn bị, phố thương mại ẩm thực đêm Sky Garden (phường Tân Phong, quận 7) sẽ chính thức ra mắt ngày 30-8 tới đây với kỳ vọng tạo ra khu phố có tính đồng bộ và đặc trưng riêng, hỗ trợ phát triển kinh tế đêm của quận. Trước đó TP cũng đã có một số phố ẩm thực đêm nhưng chịu nhiều áp lực trong tổ chức và đón khách.
Theo bà Nguyễn Thị Bé Ngoan - phó chủ tịch UBND quận 7, khác với các phố ẩm thực đêm khác, sản phẩm mới của du lịch quận 7 không phải là phố đi bộ nên giao thông vẫn được triển khai, không bị phân luồng hay hạn chế thời gian.
"Quận xác định phát triển kinh tế đêm gắn với phát triển du lịch nên việc chuẩn hóa phố thương mại ẩm thực đêm sẽ khai thác được tiềm năng, lợi thế sẵn có của điểm đến, hướng mục tiêu gia tăng mức chi tiêu, thời gian lưu trú của du khách...", bà Ngoan cho biết.
Ngoài phố ẩm thực này, quận 7 còn có kế hoạch mở rộng thêm hai khu vực kinh tế đêm mới. Trong đó có khu phố đi bộ, thương mại - ẩm thực và văn hóa tại hồ Bán Nguyệt - cầu Ánh Sao Phú Mỹ Hưng (phường Tân Phú) với diện tích 9.000m2.
Một khu tương tự tại đường số 11N - khu cư xá Ngân Hàng (phường Tân Thuận Tây). Các địa điểm này đều được xây dựng với định hướng trở thành những điểm đến cao cấp, hấp dẫn thực khách trong và ngoài nước.
Tại địa bàn trung tâm quận 1, các chính sách "mở cửa" kinh tế cũng đang được nơi này tập trung. Theo đó, UBND quận 1 đã trình đề án "Triển khai một số giải pháp định hướng phát triển kinh tế đêm trên địa bàn quận 1" lên UBND TP.HCM.
Đề án này xác định các sản phẩm kinh tế đặc trưng của kinh tế ban đêm ở quận 1 là ẩm thực, chiếu phim, thể thao...
Dù đang có một số khu vực đang thí điểm về kinh tế đêm như phố Tây Bùi Viện, công viên 23-9... nhưng lãnh đạo quận đang hướng đến thêm nhiều sản phẩm tiềm năng như trải nghiệm lịch sử, văn hóa, hoạt động giải trí.
Tương tự, đến địa bàn quận 5 người dân và du khách tới TP.HCM đã quen dần với nhiều khu ẩm thực đêm sôi động, trong đó dấu ấn là "Lễ hội Chợ Lớn Food Story" thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp tham gia, các phố ẩm thực đêm mới liên tục ra mắt tạo không gian giải trí tham quan, vui chơi, mua sắm cho người dân trên địa bàn và khách du lịch.
Tại hội nghị giao ban công tác phát triển du lịch TP.HCM mới đây, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - cho biết ngành du lịch TP.HCM đang xem xét đánh giá lại các sản phẩm, trong đó mạnh dạn đề xuất không giới hạn thời gian với kinh tế đêm, thay vì vẫn theo quy định đóng cửa của địa phương là 12h đêm và 2h sáng.
Khánh Hòa sẽ tập trung phát triển kinh tế đêm
Thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức một số chợ đêm tại Nha Trang, mở cửa đến 0h nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan và mua sắm của người dân và du khách khi đến với phố biển. Đó là chợ đêm ở công viên cầu Trần Phú (phường Vĩnh Thọ, TP Nha Trang) mở cửa từ 17h30 đến 0h mỗi ngày và chợ đêm tại đoạn nối giữa đường Hùng Vương và Trần Phú (gần tháp Trầm Hương, quảng trường 2 Tháng 4).
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Tấn Hải - phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa - cho biết các chợ đêm ở TP Nha Trang đều hoạt động tốt, thu hút được sự quan tâm của du khách đến từ các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc... "Sắp tới chúng tôi sẽ cố gắng phát triển thêm các chợ đêm ở phía bắc TP Nha Trang và một số khu vực trên địa bàn TP" - ông Hải cho hay.
Trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã phê duyệt đề án phát triển kinh tế ban đêm đến năm 2030, tập trung phát triển kinh tế đêm sau 22h. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ hình thành các dịch vụ vui chơi giải trí, phố đi bộ, phố chuyên ẩm thực, quán bar, pub ven biển...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận