17/10/2017 18:09 GMT+7

Tìm ra 'vũ khí' chống vi khuẩn kháng thuốc

ĐỒNG LỘC (Nguồn: Businessinsider, Nature, Infectious Diseases Society of America)
ĐỒNG LỘC (Nguồn: Businessinsider, Nature, Infectious Diseases Society of America)

TTO - Từng được xem là thành tựu vĩ đại của y học, kháng sinh trở thành mối lo lớn khi ngày càng có nhiều loại vi khuẩn trở nên kháng kháng sinh.

Tìm ra vũ khí chống vi khuẩn kháng thuốc - Ảnh 1.

Vi khuẩn kháng thuốc đang là nỗi lo của giới y khoa - Ảnh: Getty Images

Sự ra đời của các loại thuốc kháng sinh từng được biết đến như một thành tựu vĩ đại của y học. Phát minh này đã cứu sống vô số sinh mạng bệnh nhân bị các bệnh nhiễm khuẩn mà trước đây y giới phải bó tay.

Nhưng do việc lạm dụng quá mức, từ việc bác sĩ thường xuyên chỉ định dùng kháng sinh cho những bệnh nhân chỉ bị nhiễm khuẩn nhẹ, bệnh nhân không dùng đúng và đủ liều lượng kháng sinh theo chỉ định, cho đến việc sử dụng quy mô lớn trong chăn nuôi gia súc gia cầm trên thế giới làm thải dư lượng kháng sinh ra môi trường và tồn đọng trong sản phẩm thịt tiêu dùng... đã gây những tác hại khôn lường.

Vi khuẩn ngày càng mạnh hơn

Theo các nhà nghiên cứu, bản năng sinh tồn và thích ứng của các loại vi khuẩn (bacteria) cực kỳ mạnh, con nào sống sót qua đợt điều trị bằng kháng sinh, nhiều khả năng chúng sẽ kháng được những loại kháng sinh khác và sẽ di truyền khả năng đó cho các thế hệ sau. 

Theo thời gian, sức đề kháng của vi khuẩn ngày càng mạnh hơn.

Theo dự báo, từ năm 2050 hàng năm sẽ có 10 triệu người chết vì vi khuẩn kháng thuốc.

Businessinsider

Tìm ra vũ khí chống vi khuẩn kháng thuốc - Ảnh 3.

Theo ước tính, đến năm 2050 số người chết do vi khuẩn kháng thuốc là 10 triệu người - Nguồn: Wellcome Trust‎

Cơ chế sản sinh của vi khuẩn rất nhanh, chỉ cần 20 phút là đủ có một thế hệ kế thừa. Với hàng chục ngàn thế hệ vi khuẩn sinh sản trong chỉ một năm và nhiệm vụ duy nhất của chúng là tìm mọi cách thích ứng để sinh tồn, thì dễ hiểu tại sao các loại kháng sinh lại mau chóng bị đề kháng (lờn thuốc). 

Việc sản xuất các loại kháng sinh mới không bắt kịp khả năng thích nghi của vi khuẩn, nên "khiên ngày càng dày chắc mà giáo thì mau mòn mũi".

Nhà khoa học người Scotland tìm ra kháng sinh penicillin vào năm 1928, ông Alexander Fleming, từng cảnh báo sớm muộn vi khuẩn cũng sẽ đề kháng với kháng sinh. Và đúng như ông dự báo, penicillin chỉ bắt đầu sử dụng để điều trị nhiễm khuẩn vào năm 1940 trên một số ít bệnh nhân, nhưng sau đó ít lâu xuất hiện một số vi khuẩn có khả năng đề kháng với thuốc này.

Kế đó, tetracycline được áp dụng vào điều trị năm 1950, chỉ 9 năm sau là xuất hiện dòng vi khuẩn kháng thuốc Shigella; erythromycin ra thị trường năm 1953, đến 1968 xuất hiện vi khuẩn đề kháng.

Tìm ra vũ khí chống vi khuẩn kháng thuốc - Ảnh 4.

Khi kháng sinh được sản xuất trên quy mô công nghiệp, giá thuốc ngày càng rẻ và kháng sinh càng được sử dụng rất rộng rãi, càng làm cho sự đề kháng của vi khuẩn phát triển nhanh hơn.

Điển hình là methicillin ra đời năm 1960 và bị kháng vào 1962; levofloxacin ra đời năm 1996 và xuất hiện ca kháng thuốc đầu tiên cùng năm; linezolid ra năm 2000, đến năm sau là bị kháng; tương tự là trường hợp của daptomycin ra năm 2003 và bị kháng vào 2004.

Hiện nay, vấn đề các dòng vi khuẩn ngày càng có sức đề kháng cực mạnh, kể cả với những loại kháng sinh thế hệ mới nhất, đang là mối lo ngại hàng đầu của cộng đồng y khoa thế giới. Sự việc đã phổ biến đến mức y học đã dùng từ "siêu bọ" (superbug) để nói về chúng.

Hi vọng mới từ việc "lấy độc trị độc"

Tìm ra vũ khí chống vi khuẩn kháng thuốc - Ảnh 5.

Frederick Twort - người tìm ra thể thực khuẩn Ảnh: Wikipedia

Việc bào chế kháng sinh thế hệ mới để "đi trước đón đầu" nhằm đối phó hiệu quả với cơ chế đề kháng của vi khuẩn là điều không hề dễ dàng. 

Nhiều hãng bào chế dược phẩm lớn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong quá trình phát triển một loại kháng sinh mới như: việc nghiên cứu quá tốn kém và đòi hỏi rất nhiều thời gian, nhân lực (1), chọn lựa công thức phối hợp dược chất cho hiệu quả nhất, mất nhiều thời gian thử nghiệm lâm sáng, các quy định khắt khe từ cơ quan quản lý dược phẩm quốc gia, mức lợi nhuận đem lại không cao... 

Do đó, hầu hết các hãng bào chế đã ngưng việc nghiên cứu thêm những thế hệ kháng sinh mới. Một số hãng quay sang những giải pháp khác, trong đó có một giải pháp đã xuất hiện từ lâu gọi là "Liệu pháp thể thực khuẩn" (bacteriophage therapy, thường gọi tắt là phage theraphy).

Từ năm 1915, nhà vi khuẩn học người Anh Frederick Twort đã phát hiện ra những thể thực khuẩn đầu tiên. Đây là một dạng virus có thể gây bệnh, đồng thời cũng có thể tiêu diệt các loại vi khuẩn khác. 

Tìm ra vũ khí chống vi khuẩn kháng thuốc - Ảnh 6.

Hình ảnh vi khuẩn dưới kính hiển vi - Ảnh: Dr Graham Beards/Wikipedia

Trong những năm 1920 và 1930, việc sử dụng "virus chữa bệnh" (bản chất của liệu pháp thể thực khuẩn) đã được nhiều bác sĩ Mỹ áp dụng trong điều trị cho những bệnh nhân bị nhiễm khuẩn. 

Mặc dù vậy, sự xuất hiện của nhiều loại thuốc kháng sinh được coi là sử dụng đơn giản và hiệu quả hơn sau đó đã dẫn đến việc từ bỏ liệu pháp điều trị này ở Mỹ và nhiều nước Tây Âu.

Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, các nước XHCN bị cấm vận ngặt nghèo nên không thể tiếp cận các nguồn kháng sinh tốt nhất của các nước phương Tây. Vì thế, Liên Xô đã đầu tư rất lớn vào nghiên cứu liệu pháp thể thực khuẩn, dùng virus để tiêu diệt các vi khuẩn có hại thay cho nguồn kháng sinh thiếu hụt. 

Hiện giờ liệu pháp này vẫn đang được áp dụng rộng rãi ở Nga, Georgia và Ba Lan, dù khá hiệu quả nhưng lại không được phổ biến ở những nước khác. Lý do? Người ta sợ những thứ gì dính dáng đến virus.

"Như tên lửa bắn chính xác mục tiêu"

Tìm ra vũ khí chống vi khuẩn kháng thuốc - Ảnh 7.

Các nhà khoa học đang hi vọng có thể dùng virus chỉnh sửa gene để tiêu diệt vi khuẩn kháng thuốc - Ảnh: Getty Images

Các loại kháng sinh có phổ rộng tiêu diệt được nhiều dòng vi khuẩn, nhưng đồng thời cũng tiêu diệt cả những vi khuẩn có ích trong cơ thể con người, vì thế lại tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn kháng thuốc.

Ngược lại, liệu pháp thể thực khuẩn dùng virus đã được chỉnh sửa gene để tấn công chỉ một dòng vi khuẩn nhất định, vì thế không gây ảnh hưởng đến sự an toàn của con người và không bị đề kháng như thuốc kháng sinh.

Các khoa học gia đã ví von rằng: "Kháng sinh phổ rộng giống cây búa tạ phá hủy mọi thứ xấu lẫn tốt, liệu pháp thể thực khuẩn thì giống như tên lửa có điều khiển bắn chính xác đúng mục tiêu đã chọn".

Cộng đồng châu Âu (EU) rất quan tâm đến liệu pháp này và đã đã chi ra 3,8 triệu euro (5,2 triệu USD) tài trợ cho công trình nghiên cứu Phagoburn của các bác sĩ Pháp, Bỉ và Hà Lan về điểu trị các dòng vi khuẩn đại tràng (Escherichia coli) và trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) gây nhiễm trùng các vết bỏng.

Tuy thế, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc phát triển liệu pháp điều trị này trên thế giới, do các hãng bào chế dược phẩm e ngại vấn đề pháp lý khi đăng ký sở hữu bản quyền trí tuệ của một phát minh cũ cách đây trăm năm.

Nhưng rõ ràng liệu pháp "dĩ độc công độc" dùng sản phẩm của tự nhiên này mở ra một tương lai tốt đẹp cho việc bảo vệ sức khỏe con người.

Thế giới sắp cạn kiệt kháng sinh hiệu quả

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo thế giới sắp cạn kiệt những loại kháng sinh có hiệu quả. Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, nhấn mạnh rằng nếu tình hình này không kịp thời cải thiện, loài người sẽ trở lại thời kỳ trước khi tìm ra kháng sinh.

Vào thời kỳ đó, những bệnh nhiễm khuẩn thông thường không có thuốc trị, và mỗi lần phải phẫu thuật là mỗi lần bệnh nhân đối diện với nguy cơ tử vong do nhiễm khuẩn hậu phẫu.

Hiện nay, hàng năm ước tính toàn thế giới có đến 700.000 người chết vì bị nhiễm khuẩn kháng thuốc. Các nghiên cứu về vấn đề này đưa ra cảnh báo rằng từ 2050, hàng năm sẽ có 10 triệu người chết vì nguyên nhân trên.

Bạn có biết?

Các loài virus có mặt từ khi xuất hiện sự sống trên trái đất và có thể là tổ tiên xa xưa nhất của con người. Virus giúp xây dựng bộ gene của tất cả các loài, bao gồm con người. Bộ gene của chúng ta chứa đến 50% ADN từ retrovirus (virus chứa vật chất di truyền là phân tử ARN).

Ngoài ra, virus có thể mở đường cho việc hình thành nhiều enzyme sao chép DNA, đóng vai trò thiết yếu cho sự phân chia và phát triển của tế bào.

Tìm ra vũ khí chống vi khuẩn kháng thuốc - Ảnh 10.

(1) Theo nghiên cứu của Hiệp hội bệnh nhiễm khuẩn Hoa Kỳ (IDSA), để nghiên cứu và sản xuất ra 1 loại kháng sinh mất bình quân 10 năm và tốn chi phí khoảng từ 800 triệu đến 1,7 tỉ USD).

ĐỒNG LỘC (Nguồn: Businessinsider, Nature, Infectious Diseases Society of America)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên