Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Advances, lớp lông giúp loài khủng long có thể thích nghi tốt trong thời kỳ núi lửa hoạt động và nhiệt độ giảm mạnh, nhanh chóng chiếm lĩnh các khu vực mà các loài bò sát không có lớp lông thống trị trước đó.
Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng không có sông băng nào tồn tại trên Trái đất từ cuối kỷ Trias (khoảng 230 triệu đến 200 triệu năm trước) đến đầu kỷ Jura và các khu rừng đã bao phủ lục địa sau đó. Tuy nhiên, nhóm nhà khoa học tìm thấy nhiều mảnh vụn băng trôi trong hồ ở lưu vực Junggar thuộc khu tự trị Tân Cương, Tây Bắc Trung Quốc. Các mảnh vụn có nguồn gốc từ địa tầng cuối kỷ Trias và đầu kỷ Jura. Điều này chỉ ra rằng có sự đóng băng theo mùa xảy ra ở các cực mặc dù không có sông băng.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy các hóa thạch dấu chân khủng long vẫn được bảo tồn tốt trong lưu vực, cho thấy khủng long sống ở các vùng cực từ cuối kỷ Trias đến đầu kỷ Jura và thích nghi với nhiệt độ lạnh giá theo mùa.
Theo nhà nghiên cứu Sha Jingeng thuộc NIGP, thông qua phân tích, các nhà khoa học phỏng đoán ban đầu khủng long có lông vũ, không phải để bay, mà có thể là để chống chọi lại với thời tiết.
Nhóm nghiên cứu cho rằng mùa đông núi lửa (là sự giảm nhiệt độ toàn cầu gây ra bởi tro núi lửa và những giọt axit sulfuric làm che khuất ánh nắng Mặt trời và tăng sự phản chiếu của bức xạ Mặt trời), diễn ra sau một vụ phun trào núi lửa lớn, kéo theo sự tuyệt chủng của nhiều loài vào cuối kỷ Trias.
Mùa đông núi lửa kéo dài trong nhiều năm đã tiêu diệt tất cả các loài bò sát lục địa không có lớp lông bảo vệ, có kích thước từ trung bình đến lớn. Do đó, chỉ khủng long có lông vũ mới có thể tồn tại.
Theo nhà nghiên cứu Sha Jingeng, khủng long gia tăng nhanh chóng trong kỷ Jura, lên gần gấp đôi. Kể từ đó, sinh vật này thống trị trên lục địa trong khoảng 130 triệu năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận