TTCT - Vụ tấn công khủng bố của hai anh em nhà Tsarnaev ở Boston đã mang đến cho thế giới nói chung, đặc biệt là người Mỹ nói riêng, một kinh nghiệm mới: làm thế nào chống chọi giữa cơn lũ thông tin trong thời buổi mà truyền thông xã hội vượt trước cả truyền thông chính thống. TTCT giới thiệu một vài câu chuyện đọng lại từ cuộc khủng bố Boston. 1. Khi diễn tiến về vụ đặt bom tại TP Boston, bang Massachusetts (Mỹ) tạm lắng xuống, những tranh luận và chỉ trích về tình trạng náo loạn của truyền thông Mỹ trong tuần qua lại bùng lên, tạo nên một giai đoạn khác cũng náo loạn không kém. Người cầm trịch chương trình truyền hình nổi tiếng The Daily Show Jon Stewart thẳng thừng chỉ trích Hãng tin CNN bộp chộp đưa tin sai sự thật. Tờ Los Angeles Times phàn nàn rằng các phương tiện truyền thông xã hội đã rơi vào tình trạng “rối ren mất kiểm soát”, làm nhiễu quá trình điều tra và gây tác động tiêu cực cho xã hội. Ngược lại, diễn đàn báo chí công dân nhanh nhạy thông tin như Reddit - nơi tổng hợp hình ảnh những cá nhân “đáng nghi ngờ” dựa trên hàng trăm ngàn hình ảnh từ các máy quay phim và chụp ảnh cá nhân trong ngày 15-4 - lại chế giễu báo chí chính thống vì nhốn nháo săn lùng tin tại hiện trường mà chẳng có hiệu quả gì mấy. Không phải nước Mỹ, đặc biệt là truyền thông chính thống Mỹ, không hiểu được tầm quan trọng của việc giảm thiểu độ nhiễu của thông tin, đặc biệt là từ sau vụ khủng bố 11-9. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh thông tin đến từ “đối thủ” mới là các mạng xã hội và diễn đàn công nghệ đã thật sự làm giới chính thống rối trí. Chiều 15-4, đang trên đường chở con gái đi tập thể dục, tôi nghe Đài phát thanh quốc gia NPR liên tục báo: “Xin nhắc lại, cho đến nay điều duy nhất mà chúng tôi được biết là đã có hai quả bom phát nổ tại cuộc chạy marathon ở TP Boston, nhiều người bị thương và có thiệt mạng. Chúng tôi sẽ cập nhật tình hình trong thời gian sớm nhất. Xin thính giả bình tĩnh và tiếp nhận các thông tin theo những nguồn tin chính thức, không bị chi phối bởi hàng loạt thông tin đang truyền tải trên các kênh truyền thông xã hội hiện nay”. Lúc đó là 3g45 chiều. Vậy mà đến cuối ngày hôm đó, NPR đã phải quay lưng với nguyên tắc của chính mình, sử dụng mọi loại nguồn tin có được để cung cấp cho thính giả. Cơn lũ thông tin đã cuốn toàn bộ hệ thống truyền thông Mỹ vào vòng xoáy bất định chỉ vài phút sau khi thảm kịch Boston xảy ra. 2. Công bằng mà nói, trong thời đại thông tin mà ai cũng có thể đóng vai trò tiếp nhận và cung cấp, việc chỉ trích truyền thông là một phản ứng vô lý. Một lúc nào đó trong những ngày qua, tôi nhận ra mình - cũng như hàng triệu người khác trong và ngoài nước Mỹ - chính là tác nhân không nhỏ của tình trạng náo loạn nói trên. Trong chiều 15-4, sau khi thả con gái tại phòng tập và chạy một mạch về nhà, tôi cuống cuồng mở điện thoại, máy tính và tivi ra rảo khắp các kênh bất kể chính thống hay không, rồi ngập dần trong cơn lũ thông tin cho đến lúc không thể không dừng lại được nữa. Những ngày sau, cũng như hàng triệu người khác, không phút rảnh tay nào mà tôi không tìm hiểu, trao đổi, chia sẻ và truyền bá thêm về diễn biến xung quanh sự kiện Boston. Điều đơn giản và căn bản nhất của tính chất truyền thông là không có người tiếp nhận thì sẽ không có người cung cấp thông tin. Những dòng tin vô căn cứ ban đầu sẽ tắt dần nếu không có nguồn khán giả nuôi sống chúng với nỗi đói khát lồ lộ, thể hiện qua giao thông trên Internet và bắt sóng/nối mạng truyền hình. Chúng cũng sẽ không có đất tồn tại nếu không được truyền bá theo những kênh cá nhân với tốc độ của hàng triệu cú nhấp chuột. Theo Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, lượng khán giả đến với Hãng truyền hình CNN trong vòng ba ngày sau sự kiện Boston tăng đột biến với tỉ lệ đến 194% so với cùng thời điểm một tuần trước đó. Dưới áp lực “chiều khách” nặng nề này, CNN đã phải dùng cả những nguồn tin không kiểm chứng được để mong có tin độc quyền, dẫn đến việc đưa tin sai lạc là cảnh sát đã bắt giữ được kẻ tình nghi một ngày ngay sau vụ đánh bom và thậm chí sau đó không buồn cải chính. 3. Trong tuần qua, như một phản xạ tự vệ để khỏi chìm trong cơn lũ thông tin, tôi đi tìm cho mình những “cái neo” cần thiết. Tôi tìm đọc về chuyện những người tham gia chạy marathon sau hai đợt bom nổ đã tiếp tục chạy một mạch đến các phòng cấp cứu để tiếp máu (tôi cần câu chuyện này để xoa dịu con bé nhà tôi hoảng hốt vì nghe nói có kẻ xấu vẫn đang ngoài vòng pháp luật và có một bạn gần tuổi đã chết vì bom). Tôi đọc - và giận dữ - về chuyện bạn bè của người này bảo “hắn nói tiếng Anh ít âm sắc nước ngoài, hắn luôn cố nhập cuộc với cuộc sống ở đây, hắn ăn mặc giống như một thanh niên Mỹ điển hình” (bản thân những bình luận kiểu này đã mang hàm ý phân biệt tinh vi). Cuối cùng, sau khi mọi ồn ào đã tạm lắng xuống, tôi chọn giữ lại cho mình câu nói của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc họp báo đêm 19-4 như một “mỏ neo” chính: “Trong thời buổi đưa tin tức thời như hiện nay, với sự hiện diện của tweets và blogs, chúng ta dễ bị cám dỗ vào việc bám lấy thông tin bất kỳ, và đôi khi đưa ra kết luận vội vàng. Tuy nhiên, khi một bi kịch như thế này xảy ra, khi an ninh của công chúng bị đe dọa cao độ, điều quan trọng nhất là chúng ta phải xử lý mọi việc cho đúng đắn. Đó là lý do vì sao chúng ta phải điều tra, vì sao chúng ta phải miệt mài thu thập bằng chứng, vì sao phải có tòa án. Đó là lý do vì sao chúng ta cần bảo đảm không đưa ra một phán quyết hấp tấp nào về động cơ của những cá nhân và đặc biệt là phán quyết về cả một nhóm người. Nói cho cùng, điểm tốt đẹp của Boston là thành phố này chào đón mọi người thuộc mọi tôn giáo, mọi dân tộc, đến từ mọi nơi trên thế giới. Khi tiếp tục tìm hiểu vì sao một thảm kịch như thế này xảy ra, hãy bảo đảm là chúng ta tiếp tục giữ cho được tinh thần đó”. Phóng to Tên nữ diễn viên Zooey Deschanel bị Fox 4 nhầm là tên của nghi can thứ hai Chẳng khác... cảnh sát truyền hình! Ngày 15-4, diễn đàn mạng Reddit đưa thông tin một sinh viên đang bị coi là mất tích từ Đại học Brown có tên Sunil Tripathi “có thể là một trong hai kẻ bị tình nghi” đặt bom tại Boston. Trong vòng một ngày sau đó, “cư dân” mạng Twitter đã truyền bá tên tuổi của sinh viên này, loại bỏ từ “có thể”, trở thành “kẻ bị tình nghi”. Một thành viên Twitter cho biết học cùng trường với Tripathi và nói sinh viên này “trông giống người trong hình” (dựa trên hình ảnh có độ phân giải thấp mà diễn đàn Reddit cung cấp). Tạp chí Atlantic số ngày 17-4 đã chỉ trích mạng Reddit là “khuấy động một cuộc săn người như thể cảnh sát truyền hình”! Tờ New York Post ngày 18-4 cũng công bố danh tính của Salah Barhoun, 17 tuổi, dưới tít bài “Những người mang balô”, hàm ý thanh niên này là một trong những người bị tình nghi đặt bom. Barhoun sau đó đã phải lên kênh truyền hình ABC thanh minh về sự vô tội của mình. Tối 19-4, khi cảnh sát bắt đầu cuộc truy đuổi hai nghi can, liên tục có thông tin sai về tên hai anh em nhà Tsarnaev. Khi nghi can thứ hai Dzhokhar Tsarnaev bị cảnh sát truy đuổi, kênh Fox 4 (đài địa phương của Fox tại Boston) thậm chí đã đưa nhầm tên của nữ diễn viên Zooey Deschanel của bộ phim truyền hình New girl là tên của nghi can. Một giả thiết đưa ra là do các nhà báo săn tin nghe thông tin trao đổi trên điện đàm của cảnh sát (rất phổ biến ở báo giới Mỹ) và ghi lại nhầm. Trong ngày 17-4, Hãng truyền hình CNN liên tục truyền đi trong 45 phút tin độc quyền về việc cảnh sát Boston đã bắt giữ một kẻ tình nghi. Nhiều hãng tin và mạng xã hội lấy nguồn từ CNN đã truyền bá tin tức này trong nửa ngày cho đến khi cảnh sát Boston chính thức phản ứng về việc đưa tin sai lệch này. Chỉ vài giờ sau khi hai vụ nổ bom xảy ra, các cơ quan chống gian lận trên mạng đã phải lên tiếng cảnh báo về hàng chục trang mạng quyên góp tài chính ủng hộ nạn nhân vụ đặt bom. Điều đáng nói là những trang từ thiện giả, cùng với các tài khoản từ thiện Twitter giả đã được truyền bá trong cộng đồng mạng ngay tức thì, có tài khoản được truyền bá lại đến 50.000 lần chỉ trong ngày 15-4. Phóng to www.newsru.com/pict/big/1557351.html... Chechnya không phải Cộng hòa Czech! Một nước hoàn toàn không liên can trong vụ tấn công khủng bố Boston đã phải lên tiếng vì bị hiểu nhầm. Đó là CH Czech, nước đã bị một số người Mỹ tưởng nhầm là Chechnya, nơi được cho là xuất thân của hai anh em nhà Tsarnaev. Sau khi tin tức về gốc gác Chechnya của hai kẻ tấn công được lan truyền, trên mạng xã hội Twitter đã xuất hiện những dòng tin nhắn như: “Ông bố gửi email khuyên các con đừng tới CH Czech”, hoặc: “Giờ sao đây, chiến tranh với CH Czech sao?”, “Nước Mỹ đã làm gì CH Czech, nước đó ở đâu?”. Đại sứ CH Czech Petr Gandalovic đã phải lên tiếng trên trang web của Đại sứ quán CH Czech ở Washington: “CH Czech và Chechnya là những chủ thể hoàn toàn khác nhau. CH Czech là một nước ở Trung Âu, còn Chechnya là một phần của Liên bang Nga”. Không chỉ thế, đại diện ngoại giao Czech tại Washington còn tranh thủ giới thiệu luôn rằng: “CH Czech là một đồng minh tin cậy và tích cực của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Và không nghi ngờ gì khi chúng tôi luôn đứng cạnh các đồng minh của mình”. (http://www.mzv.cz/washington/en/czech_u_s_relations/news/statement_of_the_ambassador_of_the_czech.html) Tags: Khủng bốĐánh bomThế giới không phẳngBostonKhủng bố Boston
Trung ương đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư THÀNH CHUNG 25/11/2024 Trung ương Đảng đã đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
4 người trong gia đình tử nạn ở Hà Nội: Các nạn nhân ôm chặt nhau dưới mương HỒNG QUANG 25/11/2024 Các nhân chứng cho biết khi họ tiếp cận nơi này, 4 người còn ngồi trên yên xe máy, ôm chặt nhau.
Sở Văn hóa và Thể thao: Xây mới Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng là 'rất cần thiết' NGUYÊN KHÔI 25/11/2024 Trước những ý kiến khác về việc triển khai dự án Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng, quan điểm của Sở Văn hóa và Thể thao ra sao khi trình báo cáo?
Phản ứng của Tổng thống Philippines sau khi bị cấp phó dọa ám sát TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Sau khi bị cấp phó Sara Duterte dọa ám sát, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos nói ông sẽ không cho phép điều đó xảy ra.