26/08/2017 10:06 GMT+7

Có thêm thông tin tìm kiếm các anh

ĐỖ QUYÊN - TRƯỜNG TRUNG
ĐỖ QUYÊN - TRƯỜNG TRUNG

TTO - “Đã có thêm nhiều kênh thông tin để tìm kiếm mộ liệt sĩ” - kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng cho biết như vậy sau loạt bài tìm mộ liệt sĩ ở sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Biên Hòa đăng trên Tuổi Trẻ.

Cô Phan Thị Tuyết - Ảnh: Đ.TRONG
Cô Phan Thị Tuyết - Ảnh: Đ.TRONG

Ông Thắng là người giúp Tuổi Trẻ có thông tin để đăng tải các bài viết nói trên. Và Tuổi Trẻ đã trân trọng trao đến ông giải thưởng Làm báo cùng Tuổi Trẻ tháng 7-2017 cùng với hai bạn đọc khác là cô giáo Phan Thị Tuyết (Bình Thuận) và ông Nguyễn Ngọc Thành (Đà Nẵng).

Không tìm các anh sẽ vô cùng ray rứt

Ông Nguyễn Xuân Thắng là thành viên quen thuộc của diễn đàn VMH Online - Lịch sử quân sự Việt Nam.

Từ sở thích sưu tầm ảnh địa lý, ông đã tìm thấy một bức ảnh chụp sân bay Biên Hòa và đưa lên trang mạng www.panoramio.com. Mười năm sau, ngày 3-10-2016, một người Mỹ tên Bob Connor đã bình luận cho bức ảnh.

Từ bình luận này, ông Thắng và ông Chế Trung Hiếu - một cựu chiến binh đang ở Hải Phòng - đã kết nối với ông Bob Connor, để rồi nhiều thông tin đã hé mở giúp cho cuộc tìm kiếm mộ liệt sĩ ở sân bay Biên Hòa được tiến hành.

Ông Thắng cho biết từ khi Tuổi Trẻ đăng bài “Phía đường băng, còn đó các anh nằm” và các bài khảo sát, tìm kiếm mộ liệt sĩ ở sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa, ông đã nhận được thêm nhiều thông tin.

Nhiều cuộc gọi, nhiều thư điện tử, trong đó có cả những phản hồi từ bạn đọc của Tuổi Trẻ, đã cho biết người thân mình hoặc chính mình là nhân chứng hay nghe kể về những nơi có mộ liệt sĩ trong trận chiến Tết Mậu Thân năm 1968.

Đến nay, ông đã xác định được 4-5 địa điểm khác và đang phối hợp với các địa phương để các cơ quan chức năng xác định, lên phương án tìm kiếm.

Ông Thắng tâm sự: “Gia đình tôi cũng đang tìm kiếm mộ người cậu của mình hi sinh năm 1972.

Chính vì thế, tôi biết việc tìm ra người thân, đưa họ về chôn cất, an táng đàng hoàng có ý nghĩa rất lớn với mỗi gia đình có người thân là liệt sĩ. Tôi đã không biết thì thôi, biết rồi thì phải làm tới nơi tới chốn, nếu không sẽ vô cùng ray rứt”.

Nói về mộ liệt sĩ ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, qua các kênh thông tin nói trên, ông Thắng cho biết có thể bước đầu xác định có ba khu vực cần khảo sát là trại Davis (phía tây nam Tân Sơn Nhất), khu vực trại Cổ Loa (Q.Gò Vấp), khu vực Bà Quẹo và khu Võ Thành Trang, ngã tư Bảy Hiền...

Ông Thắng trăn trở: “50 năm đã trôi qua rồi. Việc tìm kiếm mộ liệt sĩ hi sinh năm Mậu Thân cần làm nhanh nếu không sẽ càng khó xác định với tốc độ phát triển đô thị hiện nay.

Vì thế, các cơ quan chức năng và truyền thông cần đưa tin để kêu gọi những người tham gia trận đánh, tham gia mai táng và người dân sống từ khu vực Bà Quẹo đến cầu Tham Lương cung cấp thêm thông tin để xác minh, tìm hiểu và tiến hành tìm kiếm”.

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Ảnh: G.T.
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Ảnh: G.T.

Nỗi lo vết nứt ở hầm Hải Vân

Là người ở Thừa Thiên - Huế, làm việc tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Ngọc Thành qua lại hầm Hải Vân hằng tuần.

Khi thấy vỏ hầm có nhiều vết nứt chân chim, cộng thêm việc khai thác nổ mìn để mở rộng hầm giai đoạn 2, ông rất lo lắng.

Do xe phải chạy theo tốc độ quy định khi qua hầm nên ông Thành không có cơ hội tìm hiểu kỹ các vết nứt.

Trao đổi với những tài xế hay qua lại hầm, nhiều người cũng nói với ông là họ nghi ngờ về các vết nứt nhưng không biết hỏi ai để nghe giải đáp.

“Tôi nghĩ đây là công trình trọng điểm cấp quốc gia nên dù là vết nứt chân chim mình cũng phải hỏi cho tỏ tường.

Nhưng nếu tôi đi hỏi thì chưa chắc họ trả lời, mà có trả lời thì cũng chỉ mình tôi biết, nên tôi nghĩ đến việc báo tin này cho Tuổi Trẻ.

Báo có thể hỏi cùng lúc nhiều đơn vị để giải tỏa nghi vấn của chúng tôi, đồng thời cũng là cơ hội đánh động để những người có liên quan chú ý đến vấn đề này” - ông Thành nói.

Ông Thành kể mình gắn bó với báo Tuổi Trẻ khi còn ngồi trên ghế trường y tới giờ, khi đã về hưu. “Tôi đã vài lần báo tin cho Tuổi Trẻ và thấy các bạn phản ứng rất nhanh với thông tin từ bạn đọc” - ông Thành nhận xét.

Ông Nguyễn Ngọc Thành - Ảnh: T.T.
Ông Nguyễn Ngọc Thành - Ảnh: T.T.

Đã nói được bức xúc của nhiều người

Bài viết “Khi phụ huynh và giáo viên “chạy trốn VNEN”” đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 31-7 đã nhận được nhiều quan tâm từ bạn đọc với hơn 1.100 lượt thích và chia sẻ trên Tuổi Trẻ Online. Sau đó, ngày 9-8, Bộ GD-ĐT lên tiếng về chương trình này.

Tác giả bài viết, cô Phan Thị Tuyết (bút danh Khánh Ngọc) nói rằng khi viết bài này, cô đã nói lên được những bức xúc của nhiều giáo viên và phụ huynh.

Cô kể thời điểm đó có nhiều phụ huynh nhờ cô tư vấn chuyển trường học cho con họ vì cho rằng với mô hình trường học mới VNEN, học lực con họ tụt dốc thê thảm.

Là người trực tiếp giảng dạy theo mô hình này, cô Tuyết không phủ nhận mặt tích cực của VNEN, nhưng bên cạnh đó có nhiều bất cập, cụ thể như áp dụng một cách đại trà, rập khuôn, không phù hợp với một số địa phương và học sinh...

Cô cũng cho biết đồng nghiệp của mình ở nhiều nơi cũng than vãn với mô hình này nhưng họ không nói ra.

“Tôi viết bài này để nói lên những bất cập, những tồn tại mà nhiều người đã tai nghe mắt thấy nhưng không dám nói... để các nhà quản lý kịp thời điều chỉnh. Nếu không kịp khắc phục những hạn chế đó từ bây giờ, sau này sẽ bị phản tác dụng. Chính bản thân tôi đang giảng dạy nên thấu hiểu hơn ai hết về điều đó” - cô Tuyết nói.

ĐỨC TRONG

ĐỖ QUYÊN - TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên