Quả mìn định hướng được tìm thấy cạnh các di vật liệt sĩ - Ảnh: NGỌC QUANG
Những ngày tháng 7 này, phóng viên Tuổi Trẻ đã trèo lên những sườn núi đá để chứng kiến việc tìm hài cốt liệt sĩ lẫn trong đất đá, những quả mìn, đạn pháo...
"Các anh nhớ giẫm đúng bước chân tôi nhé, không được chệch ra ngoài đâu đấy". Cứ đi dăm bảy bước, thiếu tá Hoàng Vũ Dũng, đội phó đội tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ thuộc BCH quân sự tỉnh Hà Giang, lại nhắc chúng tôi.
“Lính mình trước khi hi sinh thường buộc dây thông tin vào chốt lựu đạn. Phòng khi địch tìm thấy, nó cầm sợi dây kéo là chốt lựu đạn bung ra. Ăn thua đủ cùng nhau.
Anh MẠC VĂN CẬN
Bao năm lặng im dưới ngàn tấn đá...
Đường lên núi đá càng lúc càng dốc đứng, không còn chỗ đặt dấu chân, đôi bàn tay phải bám vào các mấu đá nhấp nhô để đu người leo lên. Đi Hà Giang hàng chục chuyến, leo dốc đá tai mèo là chuyện quá quen với chúng tôi, nhưng leo trèo kiểu thế này là lần đầu chúng tôi biết đến.
Thiếu tá Dũng nói: "Anh em dừng nghỉ một tí, gần đến nơi rồi đó". Nơi mà anh Dũng nhắc đến chính là khu vực công binh và đội tìm kiếm hài cốt đang tìm kiếm anh em hi sinh trong cuộc chiến biên giới Vị Xuyên.
Có tiếng vọng từ lưng chừng núi: "Khoan, khoan đã, có anh em đang lên". Trông qua tán lá rừng, gần 20 anh em đang hè nhau dùng đòn bẩy vần một tảng đá chừng hơn tấn đang án ngữ trước một miệng hang đá. Chúng tôi men theo bờ đá cheo leo để tiếp cận. Những cây gỗ làm đòn bẩy lại được chèn nghiêng dưới tảng đá. Gần 20 người lính mồ hôi nhễ nhại hô rầm rập từng nhịp "hai, ba" để đẩy tảng đá ra miệng vực. Và "rầm", nó bị bẩy văng xuống vực, để lộ các di vật đã bị che kín hơn 30 năm qua.
Trên một mô đá cạnh hiện trường, chúng tôi thấy một vỏ biđông nhôm, vài mẩu vải quần áo được anh em tìm thấy tại đây, trước khi bẩy tung tảng đá. Nhóm công binh cẩn thận rà lại mặt bằng được lộ ra sau khi tảng đá bị hất bỏ. Một mớ dây điện thoại thông tin lộ ra sau các vụn đá.
Không kìm được xúc cảm, tôi chụp lấy sợi dây thông tin và kéo. Nhưng chưa kịp kéo, một bàn tay cứng như gọng kìm đã chụp ngay cổ tay tôi và tiếng nói rất đanh của người đeo lon đại úy: "Khoan". Tôi chỉ kịp buông sợi dây thông tin vừa phát lộ.
Người đại úy buông tay tôi và bảo: "Quên dặn các anh, lính mình trước khi hi sinh thường buộc dây thông tin vào chốt lựu đạn. Phòng khi địch tìm thấy, nó cầm sợi dây kéo là chốt lựu đạn bung ra. Ăn thua đủ cùng nhau". Hú vía. Vụ cầm dây kéo và lựu đạn nổ này ngay chiều hôm đó chúng tôi đã gặp được một nạn nhân tương tự khi vào Nậm Ngặt.
Người đại úy kịp chặn hành động vội vã của tôi là Mạc Văn Cận. Anh phụ trách nhóm tìm kiếm tại địa điểm này. Còn công binh dò mìn và phối thuộc tại đây là một đơn vị của BCH quân sự tỉnh Lào Cai tăng cường cho Hà Giang. Như tỏ ra thông cảm với hành động của tôi lúc nãy, anh Cận bảo: "Lên đây, từng bước chân đi đường cũng phải cẩn thận, huống nữa là ngay hiện trường thế này".
Quan sát khu vực dưới tảng đá, anh Cận bảo: "Thế nào cũng tìm thấy bom mìn và di vật chỗ này anh ạ!". Y như rằng tiếng máy dò mìn reo tín hiệu. Và chỉ dùng đôi bàn tay gạt nhẹ lớp đá lẫn đất, vài đầu đạn tiểu liên hiện ra, rồi một đoạn dây điện nhỏ màu xanh đỏ. Quay lại nhắc anh em cẩn thận, rồi một chiến sĩ công binh dùng bay khoét rộng cái hố nhỏ. Trời ơi, cả một quả mìn định hướng còn mới lồ lộ hiện ra. Do có lớp vỏ nhựa, loại mìn này khó được phát hiện bằng máy dò kim loại, những chân đế để dựng trái mìn vẫn vẹn nguyên.
Chiến sĩ đang vần tảng đá trên bình độ 400 để phát lộ các di vật liệt sĩ - Ảnh: V.DŨNG
Niềm khắc khoải nay đang nhen hi vọng...
Các chiến sĩ đội quy tập tiếp tục gạt nhẹ lớp đất, bật các tảng đá nhỏ cạnh đó lên để tiếp tục công việc. Một quả đạn B41 còn trong ống phóng được tìm thấy. Rồi những lớp quần áo, tăng võng hiện ra. Và sau khi tìm được ngần ấy di vật, lại một tảng đá hàng tấn chèn tiếp trước khu vực tìm kiếm thêm. Dường như vị trí này có vẻ là một hang đá nhỏ bị pháo đánh sập trong cuộc chiến Vị Xuyên.
Đốt một nén nhang, đại úy Cận kính cẩn cắm xuống nơi vị trí của những mảnh quần áo lính vừa được tìm thấy. Chuyện tìm kiếm hài cốt vẫn có những mách bảo mang màu sắc tâm linh khó lý giải.
Mới hơn 10h trưa, anh em đã thấm mệt. Mấy hôm nay thời tiết nóng lên đến 40 độ C, anh em phải ra hiện trường từ lúc 5h sáng. Tầm quá 10h trưa, sau hơn 5 tiếng đồng hồ đánh vật với những tảng đá nặng hàng tấn, không khí trên những sườn núi đá vôi như khô quánh lại. Dù có vài cành cây xòe ra như muốn tạo thêm chút bóng mát cho anh em chiến sĩ đang tìm kiếm nhưng nắng vẫn trút lửa xuống từng tấm lưng của lính. Vị trí hang đá anh em đang tìm kiếm hài cốt đồng đội ở đây là bình độ 400 ở sườn cao điểm 685.
Còn nhớ hồi tháng 3-2015, báo Tuổi Trẻ thực hiện chương trình "Tháng ba biên giới" ở Hà Giang, chúng tôi đã gặp những cựu binh của mặt trận Vị Xuyên từ năm 1984 đến 1989 cùng nhau về thắp hương cho đồng đội.
Nhạc sĩ Trương Quý Hải, một khách mời của chương trình đứng cùng chúng tôi ở đài hương tại cao điểm 468, đưa cánh tay chỉ lên các điểm cao 685, 772, 1509 mà anh nghẹn ngào: "Nhiều, còn rất nhiều anh em đồng đội chúng tôi còn nằm trên đó. Nếu chỉ quy tập hài cốt liệt sĩ như các nơi khác thì anh em đã được về nằm bên nhau rồi. Nhưng cả vùng này dày đặc mìn. Không thể dò tìm, quy tập được nếu không dọn dẹp hết mìn trên địa bàn này.
Mà địa bàn khu vực này đâu có phải là bình địa hay đất đồi. "Lò vôi thế kỷ", đó là một tên gọi khác của anh em chiến sĩ vệ quốc đặt cho miền chiến địa này. Dưới từng hốc đá, dưới từng hang sâu, từng hẻm núi, hài cốt anh em nằm lẫn với bom mìn". Và khi ấy, dường như trong tất cả chúng tôi đều chung một niềm tức tưởi: Có lẽ nào cuộc tìm kiếm đưa hài cốt anh em trở về là vô vọng?
Nhưng trở lại Vị Xuyên lần này, những gì chúng tôi đang chứng kiến với anh em công binh đang dò mìn, anh em đội quy tập đang cất bốc hài cốt đồng đội mà nỗi khắc khoải ngày ấy đã được thay thế bằng những niềm hi vọng...
Thượng tá Lương Đình Luyện, chính trị viên đội tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ thuộc BCH quân sự tỉnh Hà Giang, cho biết: "Tháng 7-2013, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt đề án về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến năm 2020 và các năm tiếp theo (gọi là đề án 1237), với mục tiêu hết năm 2020 cả nước tìm kiếm, quy tập được ít nhất 60% hài cốt liệt sĩ có thông tin.
Năm 2016, tỉnh Hà Giang có đề án rà phá bom mìn kết hợp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Tháng 4-2018, Bộ Quốc phòng có quyết định thành lập Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh Hà Giang. Ngày 8-7-2018, đội chúng tôi chính thức được thành lập, ra mắt với biên chế tổng cộng 18 người. Từ khi thành lập đến hết năm 2019 đội đã tìm kiếm được 43 hài cốt liệt sĩ. Và từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tìm được 33 hài cốt đồng đội".
****************
Sáu chiếc tiểu sành đựng hài cốt phủ cờ đỏ sao vàng với khói nhang hòa quyện và sáu chén cơm, sáu đôi đũa...
Kỳ tới: Về thôi nào, đồng đội ơi...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận