19/10/2016 18:34 GMT+7

​Tìm lại tư liệu Học sinh miền Nam trong lịch sử

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Buổi gặp mặt các Cựu học sinh miền Nam vừa diễn ra sáng 19-10 tại TPHCM, đánh dấu sự ra đời một tập sách đồ sộ: Học sinh miền Nam - tư liệu và kỷ niệm.

Sách do NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành - Ảnh: L.Điền
Sách do NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành - Ảnh: L.Điền

Theo nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh - cựu học sinh miền Nam, chủ biên công trình đồ sộ 870 trang nói trên, Học sinh miền Nam là nhóm xã hội ra đời như một hệ quả của việc đất nước Việt Nam bị chia đôi từ năm 1954.

Nếu hiểu theo ý nghĩa hành chính, Học sinh miền Nam là những người sinh ra ở miền Nam được đưa ra miền Bắc từ 1954 đến 1975 hoặc sinh ra ở miền Bắc nhưng có cha mẹ là người miền Nam tập kết sau Hiệp định Geneve.

Tập sách Học sinh miền Nam - tư liệu và kỷ niệm này ra đời từ ý tưởng của các cựu Học sinh miền Nam trường số 2 và trường số 8 (trong lịch sử có khoảng trên 20 trường Học sinh miền Nam), chính nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh (Cao Văn Dũng) lên đề cương và bắt tay thực hiện.

Sách tập hợp 100 đầu tư liệu chính thống hiện còn lưu giữ tại các Trung tâm lưu trữ có liên quan đến Học sinh miền Nam, và một phần là các bài viết “kỷ niệm” do chính người trong cuộc còn ghi nhớ về bè bạn, thầy cô của Học sinh miền Nam.

Quá trình sưu khảo công phu này là một đóng góp lớn cho học giới, bởi qua đó, hình hài nhóm xã hội Học sinh miền Nam hiện lên sống động theo nhiều chiều kích. Không chỉ các vấn đề tổ chức, những biến động theo thời cuộc chiến tranh dẫn đến trường học phải dời sang Trung Quốc…, còn là các xung đột, mâu thuẫn, những vụ kỷ luật, các sự cố lớn nhỏ do Học sinh miền Nam gây ra… đều có thể tìm thấy dấu vết.

Bác sĩ Lê Thị Thu - vợ của họa sĩ Huỳnh Phương Đông - kể lại câu chuyện đi B và gửi con lại cho trường Học sinh miền Nam. Ảnh: L.Điền
Bác sĩ Lê Thị Thu - vợ của họa sĩ Huỳnh Phương Đông - kể lại câu chuyện đi B và gửi con lại cho trường Học sinh miền Nam. Ảnh: L.Điền

Đến nay, nhóm bạn Học sinh miền Nam đều đã lớn tuổi, gặp nhau nói về thân phận, có người nhìn ra Học sinh miền Nam đến nay có mấy Thủ tướng, Bộ trưởng, Tướng, Thứ trưởng… nhưng cũng có người hiện đang chạy xe ôm. Nhưng kỷ niệm và tin yêu vẫn còn đó. 

Như câu chuyện bác sĩ Lê Thị Thu chia sẻ tại buổi ra mắt sách. Bác Thu là vợ của họa sĩ Huỳnh Phương Đông (tên thật là Huỳnh Công Nhãn, nghệ danh là tên của con trai), kể rằng: Năm 1972 cấp trên của cô quay lại chiến trường miền Nam, chồng cô lúc đó là họa sĩ Huỳnh Phương Đông cũng đang ở miền Nam, cô đành gửi hai con nhỏ vào trường Học sinh miền Nam. Khi đó Phương Đông 10 tuổi, Phương Mai (nữ) mới 13. Không có người thân chỉ đành gửi người bạn trông giùm. Khi vượt Trường Sơn vào nam lòng nhớ con quay quắt, lo lắng khôn nguôi không biết con có hòa nhập được không, sống thế nào… Và sau ngày thống nhất, gặp lại hai con khỏe mạnh, trưởng thành, thì hết sức cảm động.

“Cám ơn thầy cô, nhà trường và các bạn của Mai, Đông đã giúp đỡ, sống với nhau những năm tháng khó khăn đó”, bác Thu phát biểu.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên