25/11/2013 02:49 GMT+7

Tìm lại sự sống

LÊ THỊ HỒNG (Cái Bè, Tiền Giang)
LÊ THỊ HỒNG (Cái Bè, Tiền Giang)

TT - Mới sinh ra, con đã cân nặng gần bốn ký. Chỉ bú sữa mẹ chưa đầy ba tháng, con nặng hơn tám ký. Con xinh đẹp như một thiên thần, cha mẹ đặt tên con là Nguyễn Ngọc Linh.

2Bh5FKOr.jpg
Nguyễn Ngọc Linh và mẹ -Ảnh do tác giả cung cấp

Con rất ngoan và học giỏi. Nhưng cuối năm học lớp 8, khi đi họp mặt tất niên cùng bạn, con gặp nạn do bất cẩn châm nhầm xăng vào bếp dầu hỏa. Thân thể con bị cháy như cây đuốc sống, bỏng rất nặng, phải chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).

Có bị bỏng mới thấu hiểu nỗi đau đớn như thế nào, vừa sợ nhiễm trùng máu, di chứng sẹo và co rút về thể xác vừa hoảng loạn về tinh thần. Nhìn con, mẹ như hóa đá không khóc nổi, đau như đứt từng đoạn ruột. Nhận ra con chỉ qua giọng nói, còn mặt mũi dị dạng nám đen, nứt nẻ sưng vù, máu tứa ra và cả người quấn băng trắng toát.

Bác sĩ bảo phải qua mười ngày mới biết có cứu sống được hay không vì con bị bỏng tới mười lít xăng khó lòng sống được. Những ngày đó trôi qua đối với mẹ vô cùng khủng khiếp vì con luôn bị biến chứng, lúc con lạnh run cầm cập, lúc lại sốt rất cao nên mê sảng. Người lở loét đầy máu và nước vàng. Ranh giới giữa sự sống và cái chết của con giờ đây mong manh như sợi tóc. Nhìn con gồng mình chống chọi, mẹ ước gì có phép mầu để mẹ gánh chịu thay con.

Mẹ cố gắng hết sức mình để giành giật sự sống cho con. Dù con tật nguyền, xấu xí cũng là núm ruột mà mẹ mang nặng đẻ đau. Hằng đêm mẹ cầu nguyện xin cho con ở lại bên mẹ, mất con mẹ làm sao sống nổi.

Nhờ sự tận tình cứu chữa của các y bác sĩ và nghị lực của con, con dần ổn định. Sau hơn hai tháng nằm viện, trải qua mấy lần phẫu thuật ghép da, con được xuất viện.

Ngày ra viện, con xanh mướt, hai người dìu mà vẫn không đi được, nước mắt ràn rụa đau đớn, máu nhỏ giọt khi con cử động. Mỗi ngày mẹ phải đưa con đến bệnh viện để tập vật lý trị liệu, rồi phải phẫu thuật vài lần nữa, lại chảy máu và nước mắt. Sau một năm kiên trì tập luyện, con đi học lại và thi đậu vào trường chuyên Tiền Giang, sau đó mấy năm đậu vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Một kết thúc có hậu như trong truyện cổ tích khi giờ đây con trở thành kỹ sư phần mềm công nghệ thông tin.

Mẹ vui mà nước mắt cứ chảy hoài, nước mắt của hạnh phúc. Mẹ sợ con không sống nổi rồi sợ con tật nguyền nhưng kỳ diệu thay, con đã đi trong đất chết tìm ra sự sống. Mẹ cảm ơn ông trời che chở cho con tai qua nạn khỏi, cảm ơn các bác sĩ đã tận tình cứu sống con, nhất là khoa bỏng Bệnh viện Chợ Rẫy đã sinh ra con lần nữa, cảm ơn các thầy cô hết lòng dạy dỗ để con không mặc cảm, học tập tốt và có nghề nghiệp vững vàng.

Tâm trạng mẹ giờ đây rất vui sướng, xin mọi người hãy chung vui với mẹ - một bà mẹ nhà quê nghèo khó.

Trẻ bị phỏng cần quan tâm, nâng đỡ tinh thần

Bác sĩ Nguyễn Bảo Tường - trưởng khoa phỏng tạo hình Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - cho biết điều trị phỏng không chỉ nhắm đến việc điều trị lành vết thương đơn thuần trước mắt mà còn phải theo dõi cả quá trình lâu dài. Tùy theo nguyên nhân, trẻ có thể bị phỏng đường hô hấp, phỏng sâu ngoài da... Vết phỏng khi bắt đầu lành sẽ làm cho trẻ ngứa ngáy, khó chịu, không ngủ được; có khi để lại những vết sẹo co rút tay chân, mặt mũi xấu xí... làm cho chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng nặng nề, có khi sống mà như không. Sau khi điều trị ổn định phải quan tâm đến chất lượng cuộc sống cho trẻ về lâu dài.

Đối với trẻ bị phỏng phải được quan tâm nhiều hơn, nâng đỡ tinh thần, động viên để trẻ còn đi học, sau này có việc làm. Nhiều khi việc phỏng của trẻ là vì tai nạn mà nguyên nhân là do người nhà gây ra nên chính người nhà cũng cảm thấy mình có lỗi, ray rứt, ân hận. Vì thế, trường hợp tai nạn của trẻ có nguyên nhân do người thân thì chính người thân của trẻ (ví dụ mẹ sơ ý để con té vào nồi canh nóng) cũng cần được nâng đỡ về tinh thần. Với những bé bị bỏng mà tuổi đã lớn, lúc đầu trong cơn đau đớn thì không sao nhưng khi tỉnh dậy trẻ dễ bị mặc cảm, buồn chán... khi nhìn gương thấy khuôn mặt, hình dáng mình bị xấu xí do sẹo phỏng. Tuy nhiên, với những bệnh nhân bị phỏng ngoài việc điều trị qua cơn nguy hiểm, trẻ còn được tập vật lý trị liệu để hồi phục chức năng, được bác sĩ tâm lý hỗ trợ, nói chuyện với người nhà, với trẻ để động viên, chia sẻ... để trẻ và người nhà vượt qua khủng hoảng về tâm lý. Việc chăm sóc về thể chất và tinh thần cho trẻ sẽ được bác sĩ hướng dẫn khi trẻ xuất viện về nhà.

L.TH.H. ghi

41koqY0z.jpg

__________

(*) Cuộc thi viết Nhật ký người mẹ còn gần một tháng nữa là hết hạn nhận bài. Mời bạn đọc tiếp tục truy cập tuoitre.vn/nhatkynguoime để theo dõi cuộc thi và gửi bài dự thi về email [email protected].

LÊ THỊ HỒNG (Cái Bè, Tiền Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên