Phóng to |
Giáo sư Trần Văn Khê và nghệ sĩ Kim Nhụy - Ảnh: Gia Tiến |
Mang ước vọng đó, suốt một thời gian dài, giáo sư Trần Văn Khê và Hội quán các bà mẹ ở TP.HCM cứ mải miết đi tìm người hát ru đúng chất miền Nam còn sót lại giữa thế kỷ 21. Cuộc kiếm tìm ngỡ đã vô vọng thì vào một ngày cuối tháng 9-2012, ông đã gặp được người hò Đồng Tháp hay nhất - nghệ sĩ Kim Nhụy, người có giọng hò ngọt ngào mà ông đã nghe được và “để ý” từ năm 1957 từ một đĩa nhạc gửi từ VN sang Pháp.
Gặp gỡ bất ngờ
Sống lại những câu hò Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, hội trưởng Hội quán các bà mẹ, cho biết hội quán sẽ tiếp tục đồng hành cùng giáo sư Trần Văn Khê cũng như kết nối những nghệ sĩ, nghệ nhân hát ru trong dân gian để tổ chức những hoạt động làm sống lại hát ru, hò thông qua những buổi chuyên đề định kỳ thai giáo bằng âm nhạc dân tộc đầy tâm huyết dành cho các bà mẹ tương lai. Trong cuốn sách mới Thai giáo - khoa học của sự yêu thương trìu mến do BS Đỗ Hồng Ngọc cố vấn nội dung sẽ có thêm phần tuyển chọn những câu hò, lời ru dành cho các bố mẹ trẻ để tập hát ru con, kết nối tình mẫu - phụ tử. |
Ông nhớ lại: “Tôi sang Pháp từ năm 1949. Đến năm 1957 thì bạn bè trong nước có gửi cho tôi một đĩa nhạc. Đĩa Tiếng hát Việt Nam của NXB Mỹ Thuật Âm Nhạc, thu thanh năm 1957. Trong đĩa nhạc này, tôi đặc biệt chú ý đến bài hò Đồng Tháp - dân ca Nam bộ, trình bày: Kim Nhụy - Đoàn văn công Nam bộ. Trước khi đi Pháp, tôi biết hò Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ... chứ chưa biết hò Đồng Tháp. Tới chừng nghe Kim Nhụy hát, tôi thấy hò Đồng Tháp vô cùng uyển chuyển, ngọt ngào. Nói về các câu luyến láy thì hò Nam bộ chưa có chỗ nào uyển chuyển bằng hò Đồng Tháp. Tôi cầm đĩa hát đi giới thiệu cho nhiều sinh viên, nhiều người bên Pháp nghe. Ai cũng tấm tắc khen hay, nhiều người mượn đĩa để sao chép lại. Vậy là suốt mấy chục năm trời, tôi đi giới thiệu câu hò này ra nước ngoài mà không biết người hò đó là ai”.
Nghệ sĩ Kim Nhụy sinh ra ở xứ Bình Thành, Thanh Bình, Đồng Tháp. Mồ côi mẹ từ năm 2 tuổi, hằng ngày bà đi cắm câu, mót lúa, nghe các dì, các chị hát hò đối đáp với nhau trên đồng, trên sông riết rồi thuộc từng hơi hướng, làn điệu và hàng trăm câu hò. Phận con nhà nghèo côi cút nhưng bà rất sáng dạ. 8 tuổi bà qua nhà hàng xóm nghe ké băng cải lương thu thanh giọng ca của nghệ sĩ Phùng Há, Tư Bé, Tư Sạn. Nhiều tuồng cải lương dài ba giờ mà bà nghe vài lần đã thuộc nằm lòng. Năm 1945, Kim Nhụy đi theo kháng chiến, bà gia nhập Đoàn văn công tỉnh đội Long Châu Sa. Năm 1954 tập kết ra Bắc, bà gia nhập Đoàn cải lương Nam bộ. Năm 1957, Đài Tiếng nói Việt Nam mời bà về ban ca nhạc của đài. Theo nhận xét của nhạc sĩ Hồ Bông, nghệ sĩ Kim Nhụy là người đã đưa câu hò Đồng Tháp đến với người dân toàn quốc và thế giới. Bà là nghệ sĩ hát ru Nam bộ hiếm hoi có chất giọng mượt mà, ngọt ngào mà chứa chan tình cảm. Từ ngày về hưu đến giờ bà rất kín tiếng, sống thanh thản bên cháu con trong căn nhà nhỏ ở P.Tân Thuận Tây, Q.7, TP.HCM.
Nối dài câu hát
Thúy ơi! Chị thật là cảm động vì đã tìm lại được tiếng hát của má sau 55 năm. Suốt đêm qua chị cũng đã ngồi nghe lại giọng má hò trên trang web Những bài ca đi cùng năm tháng mà thương má quá. Chị cũng lục trên mạng YouTube, trong bộ phim Nổi gió sản xuất năm 1966, má chị có hát điệu Ru con Nam bộ mở đầu bộ phim đó. Về mặt tư liệu gốc thì tạm ổn. Vấn đề là thực hành để truyền thụ lại cho sắp nhỏ, chắc chị phải làm tiếp má chị rồi em ạ. Nếu không, ngày mai ai hò Đồng Tháp?
Đó là lá thư của chị Song Anh, con gái duy nhất của nghệ sĩ Kim Nhụy, viết cho chị Thanh Thúy, hội trưởng Hội quán các bà mẹ, sau buổi hội ngộ bất ngờ giữa giáo sư Trần Văn Khê và nghệ sĩ Kim Nhụy. Dù không nối nghiệp má, từng công tác trong ngành ngân hàng, nhưng điều đặc biệt là chị Song Anh cũng có giọng hò vô cùng ngọt ngào, sâu lắng. Nghe chị Song Anh hát ru Nam bộ, giáo sư Trần Văn Khê đã nhận xét: “Ở miền Nam, đa số các điệu ru thường bị lai cải lương. Mà hát ru trong cải lương thì chỉ như giả đò hát ru thôi. Nhưng nghe cháu Song Anh hát không hề bị sai chạy chỗ nào, đó là điều cực kỳ quý”.
Chị Song Anh kể: “Hồi tôi còn nhỏ, má rất hay hát ru tôi. Tới chừng tôi sinh con gái đầu lòng. Mấy tháng nghỉ hậu sản, nằm nhà ôm con là thời gian tôi học được nhiều điệu hò, bài hát ru của má nhất. Hồi nhỏ má chủ yếu dạy tôi bằng những điệu hò. Có khi câu hát chỉ đơn giản như vầy: Lên xe nhường chỗ bạn ngồi. Nhường nơi bạn dựa, nhường lời bạn phân... Qua giọng hò của má, tôi thấm được từng câu, từng lời, hiểu được cả những mong mỏi, gửi gắm và nỗi lòng của má”.
Trong buổi gặp gỡ với giáo sư Trần Văn Khê và nghệ sĩ Kim Nhụy, hình ảnh một cụ ông 92 tuổi ngồi trên xe lăn, hát hò đối đáp với một cụ bà 83 tuổi, cũng ngồi trên xe lăn là hình ảnh gợi nhiều cảm xúc. Thỉnh thoảng đến những đoạn lên quá cao hay xuống quá thấp, khi giọng hò của nghệ sĩ Kim Nhụy đã không còn chạm tới được những cung bậc ấy thì lập tức đã có giọng Song Anh đắp vào. Hai bàn tay chị nâng tập giấy in sẵn lời của các điệu hò cho má coi. Thỉnh thoảng khi thấy má ngập ngừng hắng giọng, chị lại nhẹ nhàng “nhắc tuồng” hoặc nhỏ nhẹ “để con hò phụ má!”. Góp sức “hò phụ” nghệ sĩ Kim Nhụy còn có cô cháu ngoại Minh Anh - con gái chị Song Anh. Nghe cô gái gần cuối thế hệ 8X cất giọng hát ru, người nghe có cảm giác giáo sư Trần Văn Khê hình như đã tìm thấy một ngọn lửa trong đống tro tàn đang bập bùng cháy.
“Hò ơ ơ... Bên kia sông bụi tre khô. Bên nây sông cây chuối ngã. Nhìn sau lưng bụi sả lại tàn. Đôi đứa ta sống trong hoàn cảnh nguy nan. Dang tay em níu áo bạn vàng. Dù sanh dù tử cũng một mình chàng mà thôi”. Mở đầu bộ phim Nổi gió của Hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1966 là giọng hò Nam bộ. Người hát là nghệ sĩ Kim Nhụy - lúc này đang công tác tại Đài Tiếng nói VN. Nổi gió là bộ phim truyện đầu tiên về cuộc đấu tranh của người dân miền Nam chống Mỹ. Dựng lại từ một vở kịch nổi tiếng của Đào Hồng Cẩm, Nổi gió trở thành một tác phẩm điện ảnh độc đáo, được yêu thích nồng nhiệt khi ra đời và vẫn còn được nhớ mãi tới ngày nay. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận