Bìa sách Ký ức một ảnh viện Sài Gòn - Câu chuyện Viễn Kính - Ảnh: C.N
Sống một cuộc đời bình thản, làm nghề một cách bình thản và đối diện với mọi biến động của thời thế theo một cách cũng hết sức bình thản.
Có lẽ sẽ chẳng có gì thú vị để nói về Đinh Tiến Mậu nếu như ông không nắm giữ trong mình một kho tàng quá khứ giá trị, đó là một gia tài khổng lồ những bức ảnh chụp lại vô số tên tuổi, nhan sắc lừng danh của nền văn nghệ Sài Gòn một thuở.
Và có lẽ rồi những câu chuyện xoay quanh hiệu ảnh Viễn Kính, nơi cho ra đời những bức ảnh đặc biệt kể trên rồi cũng sẽ chìm vào quên lãng nếu như không có sự hội ngộ giữa người đàn ông đặc biệt này với Nguyễn Vĩnh Nguyên, để rồi từ đó, một cuốn sách hết sức đặc biệt cũng được thành hình.
Kỹ thuật "chớp bóng" mới mẻ của phương Tây, khi đặt chân đến không gian nghề nghiệp đậm đặc tính làng xã truyền thống của người Việt đã tạo nên một mô thức đặc thù mà biểu trưng cụ thể chính là ngôi làng nhiếp ảnh có một không hai: Lai Xá.
Chính từ cái không gian làng nghề độc đáo ấy, nhân vật trung tâm cuốn sách - ông Đinh Tiến Mậu đã sinh trưởng cũng như khởi đầu cuộc hành trình gắn bó với nghề nhiếp ảnh cho đến gần trọn đời mình.
Cuộc hành trình trải dài qua thời gian, xê dịch qua nhiều không gian khác nhau trải dài từ Bắc đến Nam, từ những ngày khi ông còn là cậu bé học việc đầu tiên tại tiệm ảnh Hợp Dung tại Hà Nội cho đến khi đã trở thành chủ nhân của ảnh viện Viễn Kính có tiếng tại Sài Gòn.
Nhưng có lẽ trong tất cả cuộc hành trình của cuộc đời mình, điều gần như là cơ duyên lớn nhất và cũng là điều làm nên "tên tuổi" của ông chủ hiệu ảnh Viễn Kính đó chính là việc chụp hình cho những ngôi sao hàng đầu của nền văn nghệ Sài Gòn một thuở.
Chính cơ duyên và đặc thù mà hiếm ai có được trong công việc này đã giúp cho ông Đinh Tiến Mậu có được những đoạn ký ức và những câu chuyện vụn vặt nhưng đầy giá trị xoay quanh đời sống của những văn nghệ sĩ tài danh miền Nam.
Từng đoạn ký ức đó được tái hiện một cách sinh động và chân thực trong cuốn sách Ký ức một ảnh viện Sài Gòn thông qua các ghi chép hồi tưởng của chính bản thân nhân vật hay sự tìm hiểu góp nhặt của tác giả.
Tất cả không ngoài dụng ý khắc họa lại đời sống của những con người đặc biệt, thú vị và cần mẫn xung quanh ảnh viện ở buổi hoàng kim khi còn "dập dìu tài tử giai nhân" và ngay cả lúc nó chỉ còn là hồi quang quá khứ.
Tuy nhiên, theo một cách vô tình, dù ông Đinh Tiến Mậu lựa chọn cho mình và cơ ngơi của mình cách sống vô tư và cái thế đứng ngoài mọi biến động của thời cuộc thì một phần nào đó, vẫn phải chịu sự chi phối và phản ánh ít nhiều của thời cuộc.
Thông qua câu chuyện trên bước đường xê dịch với nghề của ông, người ta phần nào mường tượng ra được cái không khí sôi động, đầy biến chuyển của cả Hà Nội lẫn Sài Gòn thế kỷ trước.
Sự phù hoa nhưng cũng đầy nghĩa tình, gắn bó của các giai nhân từng "làm mưa làm gió" nền văn nghệ miền Nam, những biến đổi, khó khăn ban đầu sau ngày đất nước thống nhất.
Hay qua câu chuyện đời của vợ chồng ông bà chủ Viễn Kính, người đọc cũng hiểu hơn được phần nào đời sống của thị dân Sài Gòn một thuở với đầy đủ cung bậc êm đềm lẫn biến động.
Những biến động riêng trong cuộc đời của một nghệ nhân, một ảnh viện nhưng đồng thời cũng mang một phần khuôn mặt đời sống chung của một đô thị đã dãi dầu qua "lớp lớp phế hưng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận