Lúa Nàng Thơm Chợ Đào có hạt to, mẩy - Ảnh S.L
Không có giống lúa nào để thóc 6 tháng, đem đi chà gạo nấu cơm vẫn còn thơm như giống này. Từ mạ, thân lúa, bông lúa, thóc đến cả khi gặt xong thì rạ giống Nàng Thơm Chợ Đào cũng có hương thơm đặc trưng.
PGS.TS Võ Công Thành
Tiệm gạo Bảy Sánh bán chạy từ trước tết, mỗi ký gạo Nàng Thơm Chợ Đào có giá đến 24.000 đồng, vừa được chà xong, cho vào bao là chuyển đi cho kịp mối đặt trước. "Lâu rồi, giống gạo tiến vua này mới lại có giá và được quan tâm dữ vậy", ông Sánh nói.
Gạo tiến vua... bán chẳng ai mua
Ngược dòng thời gian, theo Đại Nam thực lục, năm 1938, vua Minh Mạng đã "định lại lệ chở nộp thóc vua dùng ở Gia Định, thóc này ở 7 xã thôn huyện Phúc Lộc, bông thưa gặt muộn, theo lệ cũ mỗi năm phải nộp 100 hộc, nay đổi làm 50 hộc" (Viện Sử học, 2007, tập năm, Đại Nam thực lục, NXB Giáo Dục, trang 288).
Huyện Phúc Lộc thuộc khu vực Cần Đước nay, có nghĩa từ hai thế kỷ trước giống gạo vùng đất mỗi năm một mùa nhiễm mặn này đã về hoàng triều.
"Lịch sử ghi chuyện tiến vua đã minh chứng cho chất lượng gạo rồi. Còn tên Nàng Thơm Chợ Đào gắn với chuyện truyền miệng khác", ông Bảy Sánh mở đầu chuyện kể qua nhiều thế hệ.
Rằng thuở trước, khu vực rạch Đào có cô tiểu thư tên Thơm, con phú hộ, đem lòng yêu anh nông dân nghèo nhưng bị gia đình cản vì không môn đăng hộ đối. Anh chàng buồn bã, bỏ xứ đi lập nghiệp. Nàng tiểu thư buồn mà chết.
Nhiều năm sau, chàng trai về, ra thăm mộ nàng giữa ruộng thì phát hiện xung quanh có nhiều cây lúa cao khác biệt so với lúa quanh đó. Gạo được nấu ra cơm thơm lừng. Chàng trai trồng giống dòng lúa đó và gọi bằng chính tên người yêu: Nàng Thơm.
Dân trong vùng thấy giống ngon trồng theo, thương lái khắp nơi đổ về Chợ Đào mua gạo quý thơm ngon và gọi luôn là gạo Nàng Thơm Chợ Đào.
"Cơm gạo này sôi lên đã thơm ngào ngạt. Đặc biệt, hạt cơm để nguội vẫn dẻo, để qua đêm vẫn không bị thiu, không khô cứng lại. Mà giống gạo này chỉ trồng được ở khu vực quanh con nước rạch Đào, đem đi nơi khác thì chất lượng gạo không còn được đảm bảo", ông Bảy Sánh cho biết.
Gạo ngon và nức danh vậy, nên từ 15 năm trước nhiều nhà khoa học về xã Mỹ Lệ để nghiên cứu, phát triển thương hiệu lúa Nàng Thơm Chợ Đào.
Đến năm 2014, Văn phòng sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (United State Patent and Trademark Office) còn cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền thương hiệu...
Thế nhưng đó cũng là thời điểm giống lúa ngon này rơi vào thoái trào nghiêm trọng chất lượng. Từ 6-7 năm trước, gạo Nàng Thơm Chợ Đào đã có giá 25.000 - 30.000 đồng/kg, gấp đôi so với giá trung bình các loại gạo ngon trên thị trường.
Nhiều công ty xuất khẩu lúa gạo tìm đến, ký hợp đồng mua. Để rồi khi ra gạo thì tìm cách... hủy hợp đồng bởi thứ gạo mà họ thu được nấu ra cơm cứng ngắc, khô queo, không còn thơm nữa. Người dân xã Mỹ Lệ cũng chán nản lúa Nàng Thơm, tìm các giống lúa khác về trồng.
Lúa Nàng Thơm Chợ Đào thu hoạch từ Mỹ Lệ, Cần Đước, được đem về Trường đại học Cần Thơ nghiên cứu - Ảnh: SƠN LÂM
Nhà khoa học tìm lại hương vị Nàng Thơm
Đến năm 2016, tin vui lại đến với những người "ghiền" cơm thơm, dẻo. Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước cùng Vụ Khoa học và công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật ký kết hợp đồng với Trường đại học Cần Thơ thực hiện công trình khoa học: Khai thác và phát triển nguồn gen giống lúa Nàng Thơm Chợ Đào tại Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, Long An.
"Có thể nói đây là gen lúa tốt số 1 của Việt Nam nên những người thực hiện nhiệm vụ quỹ gen cấp quốc gia mới đầu tư một công trình lớn, toàn diện như vậy" - PGS.TS Võ Công Thành (Trường đại học Cần Thơ, chủ nhiệm đề tài) nhấn mạnh từ "số 1".
Từng làm trưởng bộ môn di truyền giống ở Trường đại học Cần Thơ nhiều năm và đã "kinh qua" không biết bao nhiêu đề tài về cây lúa, ông Thành hoàn toàn dựa trên khoa học khi nói giống lúa Nàng Thơm Chợ Đào là giống lúa tốt số 1.
Cũng theo ông Thành, giống Nàng Thơm Chợ Đào khi xưa có thời gian sinh trưởng rất dài, dao động trong khoảng 155 - 180 ngày.
Do đó, nó thường trổ vào mùa "ngày ngắn đêm dài", tức khoảng tháng 10, 11 âm lịch. Chiều cao cây lúa cũng "ngất ngưởng" so với các giống khác, từ 1,5m đến 1,8m.
Hạt lúa thon dài, eo cong và có đuôi nhọn hơi quớt lên rất dễ nhận biết. Ngay cả hạt gạo cũng không lẫn với các dòng khác khi mang một nhân màu trắng đục lớn, gọi là hạt lựu hay lựu lòng, nằm ngay chính giữa thân hạt.
"Rạch Đào pha nước lợ nhiễm mặn và phèn vào đồng, cộng với phù sa từ sông Vàm Cỏ, rồi cách thức trồng tự nhiên với phân hữu cơ khi xưa đã vun nên giống lúa ngon như vậy", ông Thành nhận định.
Cũng chính gốc gác từ sự ban tặng của tự nhiên, nên giống lúa Nàng Thơm dễ bị thoái hóa trong quá trình canh tác thị trường. Vùng đất ven rạch Đào bị đắp đập ngăn mặn hằng năm, phù sa ít dần.
Ông Thành nói thêm: "Cách chăm sóc chủ yếu bón phân vô cơ khiến hàm lượng amylose (chất gây khô cơm) tăng cao, thậm chí người ta còn cố lai tạo để ngày sinh trưởng ngắn lại, thân cây thấp xuống nhằm tránh ngã lúa...".
"Bắt được bệnh" khiến giống thoái trào, ông Thành cùng các học trò về Mỹ Lệ lội ruộng phục tráng giống gen quý.
Bắt đầu từ việc thu thập nhiều mẫu gen lúa, điều tra về đặc điểm ưu tú của giống lúa từ những lão làng ở ấp Cầu Chùa, xã Mỹ Lệ, nơi còn canh tác lúa Nàng Thơm Chợ Đào nhiều nhất...
Rồi thực hiện các phương pháp khoa học bằng kỹ thuật hiện đại giải trình tự gen thế hệ mới (next generation sequencing), tìm ra các gen đột biến đặc trưng cho giống lúa. Trồng đi thử lại ròng rã gần 4 năm trời, vụ gặt trước Tết Canh Tý đã có kết quả.
"Nấu cơm cho những người lớn tuổi ăn để họ nhận xét, tất cả đều khen. Tỉ lệ lựu lòng trong hạt cũng đã đạt, độ dẻo lâu cũng đã đảm bảo" - anh Huỳnh Văn Toàn, nghiên cứu sinh Trường đại học Cần Thơ, cười hớn hở khi vác từng bao lúa Nàng Thơm Chợ Đào vừa thu hoạch ở Mỹ Lệ về cất trong kho nhà trường.
"Giống gạo ông Bảy Sánh đương bán là từ vụ thử nghiệm trước, chỉ mới khoảng 70% chất lượng mà thị trường đã khen ngợi. Mùa tới nữa, gạo Nàng Thơm Chợ Đào sẽ chính thức phục hồi, miễn bà con biết cách trồng đúng phương pháp theo kiểu tự nhiên", anh Toàn khẳng định.
Với kinh phí 5,1 tỉ đồng, đề tài Khai thác và phát triển nguồn gen giống lúa Nàng Thơm Chợ Đào tại Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An được thực hiện trong 48 tháng (từ tháng 9-2016 đến tháng 8-2020).
Mục tiêu đề tài ngoài việc tìm, khôi phục nguồn gen lúa chất lượng còn xây dựng mô hình trình diễn 50ha sản xuất thực nghiệm đạt tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng bản chỉ dẫn địa lý gạo Nàng Thơm Chợ Đào.
Ông Huỳnh Văn Quang Hùng - chủ tịch UBND huyện Cần Đước - cho biết hiện huyện đang có chương trình xây dựng Nàng Thơm Chợ Đào là sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu Cần Đước.
Từ tháng 3 vừa qua, giống lúa này cũng đã được UBND tỉnh Long An đưa vào danh sách thương hiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận