Nỗ lực bảo tồn và gầy lại đàn cua đá Cồn Cỏ được chính quyền và người dân duy trì suốt 2 thập kỷ qua, nay đã dần có kết quả.
Mưa to cua đá bò vào đầy nhà
Theo nhà thơ Võ Văn Luyến, những năm chiến tranh, con cua đá hiến mình góp sức cho bộ đội đánh giặc.
Cồn Cỏ, Cồn Cỏ ấy có con cá đua là con cua đá/Nó nằm trong đá, nó nằm trong khe/Nó có tám cái que có hai cái càng... (Trích Con cua đá, của Ngọc Cừ - Phan Ngạn). "Cua đá như một lựa chọn định mệnh, khó thay thế được trước hoàn cảnh hết sức cam go, không thể lùi bước. Mỗi lần vang lên trong tôi hai tiếng Cồn Cỏ, ca khúc Con cua đá của Ngọc Cừ - Phan Ngạn lại bật ra tự nhiên như máu thịt đời người, xao xuyến và xúc động", nhà thơ Võ Văn Luyến bộc bạch.
Bước ra từ chiến tranh, từ năm 2004, Cồn Cỏ trở thành huyện đảo, trở thành đảo dân sự.
Ông Lê Quang Lanh - nguyên bí thư, chủ tịch huyện đảo Cồn Cỏ thời kỳ 2004 - 2016 - cho hay thời đó cua đá còn khá nhiều, người dân khai thác tự do.
"Vào mùa mưa tháng 7-8 âm lịch, cua bò qua đường, xuống bãi biển đẻ rất nhiều. Cua bò ngổn ngang, bò cả vào nhà", ông Lanh nhớ lại. Tuy nhiên, nhu cầu xây dựng trên đảo nhiều, lực lượng công nhân trong bờ ra đảo đông nên khai thác bừa bãi.
"Thấy tình hình như vậy, hết mùa mưa 2004, tôi cấm luôn việc khai thác cua để bảo tồn, phát triển. Khi đó, bộ đội và người dân rất nghiêm túc chấp hành nhưng lao động, công nhân xây dựng ra ở không chính thức tiếp tục khai thác lén lút đưa vào bờ bán. Có thời gian bắt phạt nhưng không ăn thua nên cua đá hiếm dần", ông Lanh cho hay.
Tương tự, anh Ngô Quang (39 tuổi, người dân huyện đảo Cồn Cỏ) cho biết ra đảo từ tháng 5-2004 làm lính nghĩa vụ quân sự.
"Thời điểm 2004, cua đá còn rất nhiều nhưng sau một thời gian xây dựng, người dân bên ngoài bắt trộm nên hao bớt. Ngày trước đường sá chưa có, rừng rậm, bãi đẻ sát mép nước. Mưa to cua mò ra, bò lung tung khắp nhà", anh Quang kể.
Thời đó, cua được sử dụng làm thực phẩm. Sau ngày thành lập huyện đảo, bắt đầu cấm khai thác do số lượng giảm dần.
Nhân nuôi, thả cua mẹ về biển đẻ
Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Quang vào bờ đi học rồi bén duyên, ra lại đảo Cồn Cỏ công tác và làm việc ở Trạm điện lực Cồn Cỏ.
Cuối năm 2021, anh Quang học hỏi, đặt mua con giống cua đá ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) về nuôi. "Lúc đầu cũng lắm gian nan nhưng sau quen dần. Một tuần không tắm nước mặn là cua rụng càng, tưới nước thường xuyên chứ nền xi măng nóng rụng chân", anh Quang vừa tưới nước cho cua vừa kể.
Thức ăn của cua dễ kiếm, từ rễ, lá cây ngay trên đảo.
Hiện anh Quang có 2 chuồng nuôi cua đá ở ngay trong sân nhà. Năm 2024, anh xuất 1.700 con phục vụ du khách đến thăm huyện đảo Cồn Cỏ. Cua nuôi từ một năm trở lên, giá tương đương 1 triệu đồng/kg.
"Đợt tới tôi nhân nuôi 3.000 con trên khu rừng nguyên sinh của đảo, nuôi cua theo mô hình bán hoang dã. Vào mùa sinh sản, tôi đưa cua cái xuống biển để làm ổ, sinh sản, cua con trưởng thành lại lên rừng. Ở đảo thì cua không thể tuyệt chủng được", anh Quang nói.
Ông Võ Viết Cường - bí thư, chủ tịch huyện đảo Cồn Cỏ - cho hay nhờ làm tốt công tác bảo tồn nên cua đá tự nhiên ở đảo đã nhiều trở lại.
"Sắp tới, huyện nghiên cứu đề án theo hợp tác xã để cho người dân khai thác hợp lý. Việc nuôi cua được huyện quản lý chặt chẽ từ khi nhập giống về. Việc này vừa tạo thêm sản vật cho địa phương, thu hút du khách, vừa tăng thu nhập cho người dân", ông Cường nói.
Từ năm 2017, khi Chính phủ cho phép mở tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ, hạ tầng và chất lượng phục vụ được nâng lên từng bước, đáp ứng nhu cầu của du khách. Từ năm 2017 đến tháng 4-2024, đảo thu hút đạt 38.419 lượt khách.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận