27/07/2019 10:50 GMT+7

Tìm kiếm hàng ngàn hài cốt liệt sĩ Việt Nam hy sinh trên chiến trường Campuchia

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Từ năm 2001 đến nay, bốn đội quy tập của Quân khu 7 đã tìm kiếm được 9.653 hài cốt liệt sĩ và chỉ có 516 trường hợp xác định được danh tính.

Tìm kiếm hàng ngàn hài cốt liệt sĩ Việt Nam hy sinh trên chiến trường Campuchia  - Ảnh 1.

Cán bộ, chiến sĩ đội K71 đào tìm hài cốt liệt sĩ ở tỉnh Oddor Meanchey - Ảnh: LÊ VĂN MỸ

Tất cả 189 liệt sĩ đều không có tên tuổi, quê quán, đơn vị, ngày tháng hi sinh. Đó là điều xót xa nhất mà đội quy tập K71 cảm nhận được.

Đại tá Lê Văn Mỹ

Riêng giai đoạn mùa khô năm 2018-2019, các đội quy tập của Quân khu 7 đã tìm kiếm và đưa về nước 446 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hi sinh trên chiến trường Campuchia. Tất cả đều không xác định được danh tính.

219 ngày trên đất Campuchia

Giữa tháng 7-2019. Doanh trại của đội chuyên trách K71 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh) có một căn phòng trang nghiêm đặc biệt. 

Đó là nơi để 151 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam vừa được đội K71 tìm kiếm được trong đợt 2 của giai đoạn mùa khô năm 2018-2019 tại Campuchia. 

"Chúng tôi vừa về nước ngày 30-6-2019. Cả giai đoạn mùa khô năm 2018-2019, đơn vị quy tập được 189 hài cốt liệt sĩ ở ba tỉnh Oddor Meanchey, Siem Reap và Banteay Meanchey. 

Sắp tới tỉnh Tây Ninh sẽ tổ chức lễ truy điệu và an táng số hài cốt này tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia đồi 82 (còn gọi là nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên)" - đại tá Lê Văn Mỹ, chính trị viên đội K71, cho hay.

Để tìm được 189 hài cốt này không phải là việc dễ dàng. "Đợt 1 chúng tôi đi từ ngày 20-10-2018 đến 20-1-2019 (92 ngày), tìm được 38 hài cốt liệt sĩ tại hai tỉnh Siem Reap và Banteay Meanchey. Đợt 2 từ ngày 24-2 đến 30-6-2019 (127 ngày). 

Riêng đợt 2 chúng tôi tìm thêm được ở tỉnh Oddor Meanchey 63 hài cốt. Từ khi thành lập đội đến nay đã hơn 18 năm, chúng tôi đã đến Oddor Meanchey nhiều lần. 

Từ năm 2010, địa bàn Oddor Meanchey đã được kết luận không còn thông tin nữa nhưng chúng tôi vẫn kiên trì đi khảo sát lại lần nữa. Chúng tôi phải thuyết phục lính Pol Pot để họ chịu nói ra" - đại tá Lê Văn Mỹ kể.

Trong quá trình làm việc, đại tá Mỹ gặp được người đàn ông tên Ma Hat, hơn 60 tuổi, xưa là lính quân đội Campuchia cùng đánh giặc chung với quân tình nguyện Việt Nam nhưng có anh em là lính Pol Pot. 

Ông Ma Hat cho biết đa số thi thể bộ đội được chôn ở nghĩa trang của trung đoàn bộ binh quân tình nguyện. 

Nghĩa trang này tồn tại đến năm 1984-1985 và chỉ những người lính Pol Pot từng đánh trận đó mới biết địa điểm. 

Đại tá Mỹ đã trực tiếp đến gặp người lính Pol Pot năm xưa để thuyết phục. Kiên trì một tháng, người lính Pol Pot ấy cùng đồng đội anh ta mới chịu nói vị trí chôn bộ đội Việt Nam. 

Nhờ đó, đội K71 đã tìm thấy nghĩa trang này và đào được 58 hài cốt liệt sĩ. Tất cả đều là liệt sĩ vô danh.

Cũng trong đợt 2 của giai đoạn mùa khô 2018-2019, đội K71 đã tìm thấy 57 hài cốt liệt sĩ nằm rải rác ở nhiều khu vực của tỉnh Banteay Meanchey. 

"Đặc điểm ở tỉnh này là lấy mộ lẻ. Ở vị trí này tìm được 1-2 liệt sĩ rồi qua địa bàn khác tìm được 1-2 liệt sĩ chứ các anh không được chôn tập trung. 

Càng về sau việc tìm được hài cốt càng ít đi, càng khó hơn, nhưng tìm được hài cốt ở hai vị trí lớn ở tỉnh Siem Reap và Oddor Meanchey là bước đột phá trong công tác quy tập" - đại tá Lê Văn Mỹ nói.

Người chính trị viên của đội quy tập K71 tâm sự: "Điều tôi xúc động nhất trong giai đoạn vừa rồi là khi khai quật những ngôi mộ lẻ ở tỉnh Banteay Meanchey. Bộ đội mình bị Pol Pot giết rồi chôn ngầm, thảy ngồi xuống giếng làng hoặc hố trong rừng. Khi mình đào lên, hài cốt liệt sĩ còn trong tư thế ngồi". 

Theo đại tá Mỹ, những di vật của người lính cũng không có nhiều. 189 liệt sĩ mà chỉ có một chiếc nhẫn, một sợi dây chuyền, một vài bình toong, vài đôi dép râu, thắt lưng...

Tìm kiếm hàng ngàn hài cốt liệt sĩ Việt Nam hy sinh trên chiến trường Campuchia  - Ảnh 3.

Hài cốt liệt sĩ được đội K71 tìm thấy ở tỉnh Banteay Meanchey - Ảnh: LÊ VĂN MỸ

Chuyện kể của đội K70

Cũng trong giai đoạn mùa khô năm 2018-2019, đội chuyên trách K70 (Cục Chính trị Quân khu 7) đã tìm được 50 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hi sinh khi làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. 

Thượng tá Đoàn Đình Tinh, đội trưởng đội K70, cho biết: "50 hài cốt liệt sĩ chúng tôi tìm được ở giai đoạn mùa khô năm 2018-2019 đều nằm tại tỉnh Tboung Khmum. Hầu hết hài cốt còn đầy đủ. 

Tuy nhiên, có bốn hài cốt xương đã phân hủy, mục nát nên không lấy được mẫu sinh phẩm. Trong đó có hai hài cốt nằm trong hầm chữ A. 

Nhân chứng kể hồi đó bộ đội Việt Nam bị lính Pol Pot bắn B40 và ném lựu đạn vào miệng hầm. Sau khi trận chiến kết thúc thì người dân lấp miệng hầm lại.

"Tôi ấn tượng nhất là chuyến đi mùa khô năm 2013-2014. Đợt đó tìm ở phum Khley, xã Treak, huyện Memot, tỉnh Tboung Khmum. 

Trong quá trình đào tìm thì phát hiện một hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam còn nguyên trong bọc nilông. Mộ liệt sĩ bị kết, không phân hủy" - trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Hồng Kỳ (34 tuổi, nhân viên phiên dịch đội K70) nói. 

Mười mấy năm làm nhiệm vụ quy tập, tham gia tìm kiếm được gần 2.000 hài cốt liệt sĩ, thượng tá Đoàn Đình Tinh cũng khẳng định đó là chuyến đi không thể quên và là tình huống duy nhất anh gặp đến thời điểm này.

"Anh em đào đưa lên, khi cắt lớp tăng mở ra, liệt sĩ còn nguyên như người sống. Lần đầu tiên gặp trường hợp như vậy nên chúng tôi lúng túng lắm. Phải xử lý như thế nào? Thôi thì chỉ biết làm theo cảm nhận và làm bằng tấm lòng của người lính" - thượng tá Tinh nói.

"Anh em kiểm tra rất kỹ, cố gắng tìm những di vật nhỏ nhất để xác định được thông tin, trả lại tên cho liệt sĩ - trung úy Nguyễn Hồng Kỳ cho hay - Nhưng chỉ có bộ quân phục là manh mối duy nhất để biết đó là bộ đội quân tình nguyện Việt Nam mình".

Xin phép liệt sĩ đốt hài cốt

Lúc đó, một câu hỏi rất khó được đưa ra: Nếu để nguyên hài cốt liệt sĩ như vậy thì làm sao đưa về Việt Nam? Trong khi điều kiện quy tập không thể dùng quan tài mà nghĩa trang liệt sĩ cũng không thể để quan tài to.

"Chúng tôi bàn nhau, tính nát nước và cuối cùng quyết định: đốt lấy cốt mang về. Anh em đội quy tập xin phép liệt sĩ thông cảm, cho phép chúng tôi làm như vậy để đưa liệt sĩ về nước" - thượng tá Tinh kể.

Khi ngọn lửa rừng rực bốc lên, chứng kiến cảnh phải đốt thi thể liệt sĩ, nhiều người rớm nước mắt.

"Tôi là con người rất cứng cỏi, bản lĩnh nhưng lúc đó cũng phải xúc động" - thượng tá Đoàn Đình Tinh nói.

______________________

Kỳ tới: Vùng nguy hiểm

Trở về đất mẹ - Kỳ 2:  Nước mắt người lính già

TTO - Ngày 18-7-2019 tại nghĩa trang Tân Biên, đoàn cựu chiến binh của Trung đoàn 429, Sư 302 (Quân khu 7) cùng thân nhân gia đình tám liệt sĩ ở huyện Tân Lạc (Hòa Bình) tiến hành bốc cốt và đưa các liệt sĩ về quê nhà.


MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên