PGS.TS. Lê Xuân Đình chia sẻ ý kiến trên tại "Diễn đàn đầu tư tiếp thị và bán lẻ Việt Nam" do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam và Viện Nghiên cứu Chiến lược - Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức ngày 20-3, tại Hà Nội với sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGAS), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VIETINBANK) và Công ty Cổ phần Pin Ắc quy Miền Nam (PINACO).
Theo ông, Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của nước ta trong giai đoạn 2011-2015 có mức tăng 11,38%/năm; giai đoạn 2016-2018 tăng 10,55%/năm. Tốc độ tăng bình quân hàng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn từ nay đến năm 2020 ước khoảng 13%/năm, giai đoạn 2021-2025 là 14%/năm. Quy mô thị trường bán lẻ tăng nhanh từ 70 tỉ USD năm 2010 lên đến 158 tỉ USD năm 2016 và dự kiến là 17 tỉ USD vào năm 2020, trong đó bán lẻ hiện đại chiếm trên 45% so với mức 25% của năm 2016.Tuy nhiên, thị trường bán lẻ Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế, bất cập như thiếu một chiến lược tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh phát triển thương mại trong nước một cách bền vững; thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường, thiếu chiến lược phát triển kinh doanh, tính chuyên nghiệp không cao, năng lực tài chính hạn chế, thiếu các dịch vụ hậu mãi…
Đặc biệt, hệ thống chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ thiếu tính chuyên nghiệp từ công nghệ quản trị chuỗi, tổ chức trưng bày hàng hóa, giá cả thiếu cạnh tranh, nguồn hàng chưa phong phú, đa dạng, mức độ kiểm soát chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng được yêu cầu, mạng lưới chưa rộng khắp và tương xứng với nhu cầu của khách hàng.
Thói quen của người tiêu dùng cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp bán lẻ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước còn gặp phải nhiều vướng mắc từ chính sách và thực thi chính sách của Nhà nước.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam trong những năm gần đây đang gia tăng nhanh chóng, tăng từ 88 tỉ USD vào năm 2010 lên mức 130 tỉ USD vào năm 2017 và dự báo sẽ đạt 179 tỉ USD vào năm 2020.
Cũng tại diễn đàn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) bà Lê Việt Nga cho hay, thị trường bán lẻ ở các thành phố, đô thị phát triển với các hình thức tổ chức văn minh, hiện đại; thị trường bán lẻ ở vùng nông thôn cũng được quan tâm phát triển, mở rộng với đa dạng các loại hình; thương mại điện tử bán lẻ đã bước đầu phát triển mạnh mẽ. Môi trường kinh doanh trên thị trường bán lẻ ngày càng thuận lợi và cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia trao đổi, mua bán có nhiều cơ hội để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bà Lê Việt Nga đã đưa quan điểm cho phát triển bền vững thị trường bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh mới đó là: Cần có giải pháp toàn diện và hệ thống mà xây dựng môi trường kinh doanh là ưu tiên hàng đầu và tiền đề cho mục tiêu để lựa chọn bước đi đúng đắn, chính xác trong từng thời kỳ. Cụ thể là cần có mục tiêu dài hạn và hướng đi cụ thể, đúng đắn, có lộ trình gắn với xu thế phát triển của thương mại điện tử và ứng dụng hiệu quả thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh bán lẻ. Trong đó, hệ thống chính sách thực thi sẽ hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho các doanh nghiệp bán lẻ và các doanh nghiệp trong nước liên quan đến hoạt động bán lẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận