Lực lượng người nhái xuyên đêm lặn tìm vị trí sà lan chìm và người mất tích - Video: PC07
Tối 25-10, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, thiếu tá Lê Tấn Châu - phó trưởng Phòng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (PC07) Công an TP.HCM - cho biết sau thời gian dài lặn tìm, đến 12h trưa cùng ngày, lực lượng chức năng đã xác định được vị trí sà lan chìm dưới đáy sông và tiến hành lặn mò, tìm kiếm người mất tích.
Nước sâu và chảy xiết
Theo thiếu tá Châu, trước đó ngày 24-10, lực lượng Phòng PC07 nhận được thông tin có sà lan khoảng 800 tấn gặp sự cố chìm ở sông Gò Gia, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Thời điểm chìm, tổng cộng có 5 người trên sà lan, tuy nhiên 4 người kịp nhảy xuống và bơi vào các phương tiện khác thoát nạn, do chìm nhanh nên còn 1 người bị mất tích, nghi mắc kẹt trong cabin sà lan.
Phòng PC07 nhanh chóng có mặt tại hiện trường, phối hợp cùng chính quyền, Công an huyện Cần Giờ và nhiều đơn vị khác đưa ra phương án cứu hộ, tìm kiếm người mất tích.
"Muốn tìm được người mất tích bước đầu phải xác định được vị trí chìm của sà lan", thiếu tá Châu nhận định.
Tính toán thì thuận lợi, nhưng khi triển khai thực tế, người nhái nhận định dòng nước bên dưới chảy rất xiết, độ sâu từ 40 - 50m cộng với thời tiết xấu nên ảnh hưởng đến công tác tìm kiếm.
"Người nhái lặn tìm vị trí chiếc sà lan neo ban đầu không có, chúng tôi nhận định dòng nước chảy xiết như vậy thì chiếc sà lan đã bị trôi đi vị trí khác nên thay đổi phương án", thiếu tá Châu tính toán.
Chọn người nhái tinh nhuệ nhất
Việc lặn tìm diễn ra từ sáng sớm 24-10, có 18 cán bộ, chiến sĩ được huy động xuống hiện trường, trong đó tất cả đều là người nhái dày dặn kinh nghiệm vì hiện trường cực kỳ nguy hiểm, các chiến sĩ thay phiên nhau lặn tìm vị trí sà lan chìm và người mất tích.
"Chúng tôi phải chọn những người nhái tinh nhuệ nhất, những người chưa đủ kinh nghiệm chúng tôi sẽ không cho tham gia vì không thể mạo hiểm vì nước chảy xiết và sâu. Không phải ở kênh rạch bình thường, sơ suất có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người nhái bất cứ lúc nào", thiếu tá Châu giải thích.
Những người nhái "tinh thuệ" nhất được chọn lặn tìm - Ảnh: PC07
Gần 2 ngày nỗ lực, đến 12h trưa 25-10, lực lượng chức năng đã xác định được vị trí sà lan chìm, cách vị trí neo ban đầu khoảng 60m. Chỉ huy tại hiện trường đã nhanh chóng triển khai phương án điều người nhái xuống mò trong cabin sà lan. Tuy nhiên, sau một thời gian nỗ lực lặn mò, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy người mất tích.
Đến tối 25-10, lực lượng chức năng tạm ngưng việc lặn mò, tìm kiếm trong cabin sà lan, sáng sớm 26-10 sẽ tiếp tục.
"Sau khi xác định được vị trí sà lan, chúng tôi đã dùng dây cột, neo lại, đánh dấu. Nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu bây giờ là tìm người mất tích. Phải xác định để khẳng định còn người kẹt trong cabin hay không để người nhà nạn nhân an tâm", ông Châu cho biết.
Vị trí sà lan neo ban đầu ngay cạnh mạn tàu Navig8 Tourmaline - Ảnh: PC07
Trước đó, khoảng 19h30 tối 23-10, sà lan SG 3069 của Công ty cổ phần dịch vụ vận tải biển Hải Vân, có trọng tải khoảng 800 tấn, vào cặp mạn tàu Navig8 Tourmaline, quốc tịch Marshall Islands, neo đậu tại phao BP1, sông Gò Gia để nhận mía (nguyên liệu cho nhà máy bột ngọt).
Thời điểm này sà lan có 5 thuyền viên, do ông Phạm Văn Chiều (51 tuổi, ngụ Hải Phòng) làm thuyền trưởng. Đến khoảng 23h15 thì phát hiện sà lan bị phá nước. Sau 2 phút, sà lan bị đứt dây, chìm hoàn toàn.
4 thuyền viên đã kịp thời chạy ra ngoài và tự bơi vào trèo lên các phương tiện neo đậu gần đó gồm: ông Chiều, ông Nguyễn Văn Tánh (53 tuổi, máy trưởng), ông Tăng Văn Phúc (33 tuổi, thuyền viên), ông Hồ Văn Thất (47 tuổi, thuyền viên).
Người mất tích là anh Phùng Sơn L. (22 tuổi, ngụ tỉnh Nghệ An), nghi bị kẹt trong cabin. Lúc bị chìm, trên sà lan có 600 tấn rỉ mật và 2.000 lít dầu DO.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận