Hội thảo có sự tham dự (trực tuyến ở đầu cầu Hà Nội) của ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước; lãnh đạo và đại diện Vụ tín dụng NHNN; Vụ Chính sách tiền tệ NHNN; Vụ Truyền thông NHNN và lãnh đạo Văn phòng NHNN.
Tham dự trực tiếp tại hội thảo có các chuyên gia kinh tế, các ngân hàng thương mại, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp, và khoảng 50 cơ quan báo, đài của trung ương và TP.HCM.
Theo Ngân hàng Nhà nước cho biết để thúc đẩy tín dụng, ngay từ đầu năm, ngành ngân hàng đã tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng như giảm lãi suất.
Đến nay, lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm, giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023. Qua đó, hoạt động sản xuất kinh doanh đã dần phục hồi.
Tính đến 27-3, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt hơn 13,651 triệu tỉ đồng, tăng 0,61% so với cuối năm 2023.
Tín dụng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, đến cuối tháng 2, tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn chiếm 24,35% dư nợ toàn nền kinh tế; Tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 17,94%; Tín dụng lĩnh vực xuất khẩu chiếm 2,25%; Tín dụng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chiếm 2,75%...
Tuy nhiên, tín dụng đầu năm tăng thấp do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp chưa cao. Nhưng điểm sáng của hoạt động ngân hàng là tín dụng đã phục hồi, tăng trưởng trở lại trong tháng 3.
Do vậy, hội thảo khơi thông nguồn vốn ra thị trường tập trung bàn các giải pháp khơi thông tín dụng nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh và góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Rào cản nào khiến nguồn vốn chưa ra được thị trường như kỳ vọng?
Phát biểu mở đầu buổi hội thảo, nhà báo Trần Xuân Toàn - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - gửi lời cảm ơn đến Ngân hàng Nhà nước, các chuyên gia, các ngân hàng, hiệp hội doanh nghiệp và lãnh đạo các doanh nghiệp… đã tham dự, hỗ trợ báo Tuổi Trẻ tổ chức hội thảo.
Điểm lại bức tranh kinh tế Việt Nam thời gian qua, nhà báo Trần Xuân Toàn cho biết trong quý 1, nền kinh tế đã có những tín hiệu tích cực khi nhiều doanh nghiệp, nhiều lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là các lĩnh vực nông sản, thủy sản, lương thực, thực phẩm… đã tăng trưởng tốt. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, các ngân hàng cũng có sẵn nguồn vốn và lãi suất cũng đang ở trong giai đoạn thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây để bơm ra nền kinh tế.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh đã sẵn sàng để hấp thụ nguồn vốn hay chưa và còn những vướng mắc nào khi nhiều doanh nghiệp gặp phải những "rào cản" khi tiếp cận vốn ngay từ cả phía doanh nghiệp lẫn cả phía ngân hàng.
Với sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ khi đã có nhiều cuộc làm việc để thúc nguồn vốn, tín dụng ra thị trường, báo Tuổi Trẻ tổ chức hội thảo "Khơi thông nguồn vốn ra thị trường" để góp phần thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp và ngân hàng.
"Báo Tuổi Trẻ góp phần thúc đẩy kết nối, là cầu nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp, hộ kinh doanh để khơi thông nguồn vốn ra thị trường với mục tiêu góp phần đưa nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng, vượt qua giai đoạn khó khăn mà nền kinh tế toàn cầu đang gặp phải", nhà báo Xuân Toàn chia sẻ.
Chúng tôi muốn nghe xem vướng mắc ở đâu để khơi thông tín dụng
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước đánh giá khơi thông nguồn vốn ra thị trường là nội dung được Chính phủ Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước và người dân quan tâm. Hội thảo do báo Tuổi Trẻ lấy chủ đề này rất trúng, đúng và thời sự.
Thực tế, bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, tác động đến kinh tế Việt Nam. Sắp tới được biết Thủ tướng tiếp tục có chỉ thị yêu cầu các bộ ngành làm sao hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa để tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tễ vĩ mô.
Dù vốn ngân hàng dồi dào nhưng vẫn là vấn đề khó khăn đối với một số doanh nghiệp. Đặc biệt hiện lãi suất thấp nhất trong 20 năm qua. Vậy làm thế nào để tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển?
Đối với các ngân hàng thương mại, ngân hàng luôn đảm bảo thanh khoản đầy đủ, thậm chí dư giả. Ngoài ra, phía cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước sử dụng các công cụ chính sách để đảm bảo tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn.
“Vốn nền kinh tế không thiếu. Hạn mức tín dụng đã Ngân hàng Nhà nước giao cho ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm với 15%. Nếu như điều kiện nền kinh tế cho phép, nền kinh tế cần vốn cho các lĩnh vực là động lực tăng trưởng thì có thể tăng hạn mức tín dụng lên” - ông Tú nhấn mạnh.
Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo thông tư 02. Để tiếp tục tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ gia hạn thông tư 02 thêm 6 tháng nữa thay vì kết thúc vào 30-6 tới.
Thiếu tài sản đảm bảo, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn
Ông Nguyễn Đình Tuệ - Giám đốc Trung tâm dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa - cho biết năm 2023, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, phải thu hẹp sản xuất, giảm quy mô kinh doanh. Do vậy, nhu cầu vay vốn ngân hàng cũng giảm theo.
2 tháng đầu năm 2024 tình hình xuất khẩu đang có dấu hiệu khởi sắc, như ngành du lịch và một số ngành tăng trưởng khá... Cùng với lãi suất ngân hàng đã hạ, theo ông Tuệ, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sẽ tăng lên.
Khi khảo sát doanh nghiệp và ngân hàng, ông Tuệ cho hay doanh nghiệp thường trả lời khát vốn, khó tiếp cận vốn trong khi ngân hàng cũng phản hồi đã nỗ lực tiếp cận doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Tuệ chỉ ra lý do nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa dễ tiếp cận vốn tín dụng là vì đa số các doanh nghiệp có khó khăn về tài sản đảm bảo, hạch toán chưa minh bạch, quản trị còn yếu kém…
Đề xuất hạ lãi suất đối với các khoản vay cũ
Qua tiếp xúc với các doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là chưa nâng được khả năng bán hàng, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Để khắc phục tình hình này, ông Tuệ đề xuất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Theo đó, Nhà nước cần tăng cường các giải pháp kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, chính sách tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng được kéo dài thay vì kết thúc vào 30-6 tới.
Về phía ngân hàng, đề nghị hạ lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ, giảm sự chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Đồng thời, cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục nhằm tăng khả năng tiếp cận cho vay và đẩy mạnh tín chấp.
Đặc biệt, ông Tuệ đề xuất cần chống tiêu cực trong bộ máy, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.Về phía người vay vốn, ông Tuệ cho rằng doanh nghiệp cần chủ động ứng dụng khoa học công nghệ, nâng chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa.
Rất nhiều giải pháp để đưa vốn ra thị trường
Theo ông Đào Minh Tú, các chương trình ưu tiên ưu đãi rất nhiều, bản thân Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cũng đã ra các gói tín dụng ưu đãi vừa để khuyến khích, vừa tạo động lực cũng như tập trung các lĩnh vực ưu tiên. Đơn cử gói 120.000 tỉ cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, gói 30.000 cho thủy hải sản, lâm nghiệp…
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng ứng dụng các công nghệ để có thể hỗ trợ hoạt động tín dụng, đặc biệt là quy trình thủ tục cho vay. Rất nhiều ngân hàng ứng dụng công nghệ cho vay thời gian chỉ vài ngày qua chương trình trực tuyến giảm thời gian, thủ tục cho doanh nghiệp khi tiếp cận vốn.
Chính sách tín dụng cho vay tiêu dùng được đặt ra. Ngân hàng Nhà nước cũng tập trung tháo gỡ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và hợp tác xã. Đây là hai loại hình kinh tế rất chính yếu cho nền kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận